Truyện tranh 2009-03-18 05:00:00

"Thôi mà, “nói xấu” đàn ông Huế chừng đó đủ rồi”


Ngay khi lễ trao giải Cánh diều 2008 kết thúc, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thùy Mai – tác giả của truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng
được chuyển thể thành phim cùng tên của đạo diễn Vinh Sơn (Cánh diều bạc, phim tryện nhựa). Tuy nhiên, mãi tới cuối tuần qua, bộ phim Trăng nơi đáy giếng mới chính thức được chiếu một buổi duy nhất ở Huế. Nhân dịp này, chúng tôi đã gặp lại nhà văn Trần Thùy Mai.

* Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, khi bộ phim Trăng nơi đáy giếng vừa đoạt giải Cánh diều bạc, chị có tâm sự rằng vừa vui vừa nuối tiếc. Bây giờ xem phim xong, chị có còn vui và tiếc?


- Tiếc thì hôm xem lễ trao giải đã tiếc rồi, bây giờ thì tôi chỉ quan tâm chất lượng của bộ phim thế nào thôi. Cảm giác tôi khi xem phim xong là thấy nhiều chỗ không giống với truyện của mình, nên hơi chông chênh trong cảm nhận. Sau đó tôi ngẫm nghĩ về những chỗ khác nhau, vài hôm sau tôi mới thực sự hiểu hết ý của đạo diễn.


Nhà văn Trần Thùy Mai (trái), diễn viên Hồng Ánh, và đạo diễn
Vinh Sơn trong buổi chiếu ra mắt bộ phim ở Huế (13/3/2009)


* Thế còn vai Hạnh (Hồng Ánh), có ý kiến cho rằng chất giọng Sài Gòn của Ánh đã làm “hỏng” bộ phim “rặt Huế” này?

- Hồng Ánh diễn tốt, nhiều đoạn xúc động, toàn phim để lại ấn tượng rất khả ái về một người phụ nữ Việt Nam. Còn về giọng của Hồng Ánh, tôi thấy cũng chấp nhận được. Nếu có thêm một giọng Huế nữa thì đúng là một cô gái “Huế cột cờ” (tức dân Huế gộc nhiều đời).

* Còn nhân vật ông Phương và cô Thắm, thưa chị?

- Tôi thấy tiếc cho tính cách đạo đức giả của ông Phương bị giảm nhẹ, không đẩy đến cùng. Vì vậy tâm lý cô Hạnh không được diễn ra tiệm tiến, chưa giải thích được vì sao một cô giáo lại rơi vào thế giới hoang tưởng đến vậy. Còn cô Thắm thì tôi vẫn hình dung cô ấy sẽ phốp pháp và… sexy hơn, nên mới có sức mạnh khiến “người quân tử “thường ngày cao đạo như vậy phải ngồi chò hỏ giặt quần áo cho mình… Nhưng mà, hỏi các khán giả nam giới ở Huế thì ai cũng bảo: “Thôi mà, nói xấu đàn ông Huế chừng đó là quá đủ rồi”.

* Câu nói vui ấy khiến tôi nhớ đến câu nửa đùa nửa thật của đạo diễn Vinh Sơn trên báo Tuổi trẻ: “Tôi sợ nhất đem phim về Huế chiếu, đàn ông Huế chắc đánh tôi mất!”. Nếu không có gì quá tế nhị, chị có thể tiết lộ về tác quyền chuyển thể Trăng nơi đáy giếng sang phim?

- Chắc cũng không có gì phải giấu, tôi được thanh toán theo thông lệ của các hãng phim hiện nay là 30% nhuận bút kịch bản, tức là 8 triệu đồng. Nhưng khi phim được các quỹ nước ngoài đầu tư thêm kinh phí, mặc dù tôi không yêu cầu, anh Lê Đức Tiến là Giám đốc hãng phim khi đó đã chủ động hứa sẽ “Thêm cho tác giả một ít nữa”. Sau khi phim làm xong, Giám đốc mới là ông Nguyễn Thái Hòa đã giữ lời hứa của Hãng và gửi thêm cho tôi 7 triệu rưỡi.


Poster phim với các chữ ký, chỉ thiếu của biên kịch Châu Thổ

* Theo chị, giữa văn chương và điện ảnh có gì giống và khác nhau?

- Văn hóa đọc hiện nay đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át, nên việc một tác phẩm văn chương được đưa lên phim ảnh thường là một cơ hội tốt giúp cho nó được nhiều người biết đến hơn. Nhưng thường thường luôn có khoảng cách giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, bởi đạo diễn luôn muốn ghi lại dấu ấn riêng của mình chứ không muốn đơn thuần minh họa tác phẩm văn học bằng hình ảnh. Như trường hợp Trăng nơi đáy giếng, trong truyện của tôi là bi kịch đau xót nảy sinh từ sự dối lừa, trong phim của anh Sơn là quan niệm về thế giới tâm linh của dân gian Việt Nam, mỗi tác phẩm nhấn mạnh một chủ đề khác nhau. Tôi nghĩ là mình hiểu ý định của anh Sơn, vì quan niệm tâm linh của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng là một đề tài mà người phương Tây rất quan tâm, với góc nhìn này Trăng nơi đáy giếng có thể giới thiệu một phần văn hóa Việt với bạn bè trên thế giới. Tôi rất mong anh ấy thành công!

* Cám ơn chị!

Hoàng Thu Phố (thực hiện)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)