Thứ bảy, mấy tuần rồi tôi chưa về nhà, trời rét ghê gớm. Thất nghiệp. Tôi cuộn mình trong chăn từ tối hôm thứ năm, chỉ dậy một lúc buổi trưa và một lúc buổi tối. Chiều nay tự dưng đau bụng, nhớ ra là hơn một ngày chưa ăn gì.
Tối hôm thứ sáu ăn một cái bánh ngọt rất to, ăn xong rồi mới thấy khai khai. Đau bụng quá, lăn lộn và rên ư ử suốt một buổi chiều. Nôn và buồn đi ị, giun đòi ăn. Ngủ thiếp.
Sáu giờ thì dậy thấy buồn, thế là về nhà. Tám giờ thì về đến nhà. Mẹ khoá cửa. Lao cái bánh xe vào cửa đánh rầm. Mẹ ra mở cửa. Dắt xe vào nhà rồi hỏi ngay có gì ăn? Còn cơm nguội với cá kho dưới bếp. Xuống bếp, mẹ đun rơm cháy bùng bùng, sưởi và ngồi ăn. Ăn một bát đầy, mẹ bắt đầu chuyện tiền. Hai câu và mẹ bắt đầu chửi. Ăn dở bát cơm thì lên nhà, mẹ lên theo và không thể chịu được, lẳng lặng cầm cái túi ra cổng.
Vở này diễn lần thứ bao nhiêu rồi, nghĩ và cắn mẹ, rứt tóc và đánh mẹ. Cửa khoá. Mẹ gọi bác hàng xóm đến. Cửa mở. Đánh mẹ ở ngoài cổng. Bao nhiêu lần rồi bảo từ mẹ. Thét đau khổ là xứng đáng vì mẹ muốn bố chết. Cắn đánh hăng máu. Lần đầu tiên sau hôm thứ năm đánh em bằng một cái gậy có đinh, gậy móc vào quần áo, tím đầy người, mẹ bảo điên rồi, hâm rồi. Lần đầu tiên mẹ để tôi đi. Hai mươi hai tuổi. Những trận đánh nhau trước cái cổng này bao nhiêu năm trước. Tôi nghĩ và khóc một lúc khi đã đi cách cái cổng một đoạn.
Chín giờ. Trời tối quá, không nhờ được xe ôm. Bắt xe đi nhờ thằng bé bạn em tôi một đoạn đường thị trấn. Lếch thếch đến nhà bạn. Không có nhà, đi bộ ra đường bắt xe. Một chú xe ôm kè kè hỏi, bảo: “không đi”. Tự dưng nghĩ còn bao nhiêu tiền. Cãi nhau với mẹ, định không bao giờ về nhà. Chú xe ôm kì kèo mãi rồi bảo với giọng thương tình: “Không có tiền thì làm một cái”. Chín giờ rưỡi đêm, phố thị trấn tối đen, chỉ sáng bởi những ánh đèn xe, tôi quay đi không nói gì và nhổ một miếng nước bọt. Nhổ một bãi nước bọt thì chú xe ôm mới tiếc rẻ bỏ đi.
Quay lại nhìn những ánh đèn xe sáng chói. Một anh xe máy đi rất chậm đỗ cạnh bảo: “Đi đâu?”. Bảo: “Ngã tư Vọng”. Chú xe máy chần chừ rồi có vẻ hào hiệp định đèo đi. Đôi mắt vừa khóc có vẻ thuyết phục. Một chuyến tàu hỏa đi qua. Tiếng nổ của tàu át đi vẻ chần chừ. Tàu đi qua, anh xe máy đồng ý đèo tôi đến ngã ba có thể có nhiều xe ôm. “Nhà em ở đâu? Có phải Thiên Sơn không?”. Anh rủ đi chơi tối nay. “Thiên Sơn là nhà nghỉ cuối phố Bằng chứ gì”. Tôi cười lên hô hố rồi xuống đoạn đường tối mù mịt. Chưa đến ngã ba. Đi bộ một quãng tới một cái quán.
Mười giờ. Hai bác xe ôm từ chối không chở, bảo ngại. Nhờ bác đèo xuống chỗ cô bạn tôi hay đoạn ngã ba cũng không chừng 2 cây số. Mấy người dặt dẹo, mắt mũi cò kè rủ tôi tìm nhà trọ. Tôi khóc ở một cái gốc cây cạnh. Chẳng nghĩ gì cả. Nghĩ gọi điện cho những anh chàng thì có vẻ hợp lý. Giở sổ. Có hai người có thể nhờ được. Từ tận Hà Nội, mười giờ đêm và trời rét, một anh chàng nhà báo, một anh nhà thơ.
Tôi vừa viết cho anh nhà thơ một cái thư bảo là cay cú vì một cú điện thoại bất thình lình thân thiết với giá trị cách đây một tháng rồi bặt tăm. Tôi nhắn nhe mà anh ta không hồi lại. Cái thư có vẻ cũng làm anh ta cay cú. Gửi từ tối hôm thứ sáu, quên dán cái miệng phong bì, tờ giấy xé nhấm nước bọt nham nhở và những câu chữ bẩn thỉu. Không hiểu anh ta nhận được cái thư chưa, cái giọng kẻ cả của tôi không làm anh chàng trở thành hoàng tử đi cứu công chúa.
Thế là trân trối ở đấy. Định quay lại đi bộ xuống chỗ nhà cô bạn. Có hai anh cửu vạn lườm lườm cách chỗ tôi đứng nửa mét. Hai cái lườm hau háu. Lên ngã ba thì một anh sửa xe cách hai nhà gọi lại hỏi đi đâu rồi rủ đi chơi rất phấn khích. Thế là quay lại rơm rớm nước mắt năn nỉ ông chủ quán chở 2 cây số xe ôm. Mười rưỡi. Gọi điện cho một anh bạn cũng nhà báo. Anh bạn không có nhà. Mười rưỡi tối thứ bẩy trời rét. Gọi điện cho một đứa bạn gái khóc một lúc. Nó thì không đi được, con gái ở nhà với bố mẹ.
Nhà bác điện thoại có hai cô con gái. Bác trai ngại chở xe ôm. Bác nghe câu chuyện bỏ nhà của tôi với mười hai nghìn tiền gọi điện thoại. Một cái xe ô tô dừng lại mua bánh, mặt người lái xe lạnh te khi bác hỏi đi nhờ. Một anh cửu vạn đi cái xe đạp đen sì đến mua xăng, nghe tình cảnh, cho tôi đi nhờ xuống nhà cô bạn, nhìn mắt anh xe đạp, tôi đưa tay lên miệng cắn rồi bảo sợ. Đứng ở đấy. Mười một giờ kém. Nghĩ đêm nay chết ở đây. Nhà bác điện thoại này có bán mình cho nhà hàng không? Hay là gọi cho anh chàng thơ văn cay cú năn nỉ lần hai?
Một lúc, một anh Viva đi qua mua bánh. Bác chủ hàng hỏi hộ tôi đi nhờ. Nhìn ra thấy anh bấm bấm điện thoại di động. Tôi cắn móng tay, mắt ngấn nước nhìn khuôn mặt anh ta qua kính cái mũ bảo hiểm rồi trèo lên yên xe. Đi rất nhanh: 70 km/giờ, rất êm. Tôi quàng cái khăn lên ngang đầu. Gió phần phật. Rét. Anh ta đưa cho tôi cái kính từ trong mũ bảo hiểm và hỏi tôi học trường nào rồi im lặng.
Mười một giờ. Anh Viva dặn: anh về nhà cất tiền, ai hỏi thì bảo con nhà cô. Đi qua mấy cái ngõ vòng vèo tối om đến một cái nhà, số 32. Mấy cái xe máy để ngoài, một cái giường, một cái ghế và một cái gác xép. Tôi đứng ở ngoài một lúc rồi tôi vào. Bốn anh con trai - hai anh cởi trần trùm chăn nhoài người bấm máy vi tính. Anh Viva bảo con nhà cô và rút xấp tiền rất to dặn hai anh cởi trần. Một anh hỏi nhặt tôi ở đâu? Bây giờ đèo em đến trường Tổng Hợp. Gần nhà, Ngã tư Sở sáng trưng, tôi và anh Viva ăn cháo vịt. Trả anh cái kính, lấy giấy ăn lau sụt sịt mũi và mắt. Ăn hết rồi về, ghi số điện thoại của anh rồi cảm ơn.
Một giờ, chui vào cái chăn đỏ nghĩ viết lại cái câu chuyện hay hớm này rồi nghĩ gửi cho hai anh nhà thơ, nhà báo cho bõ cay cú. Cú điện thoại ly kỳ hôm nay dễ làm mấy anh hoang tưởng tối thứ 7 đêm khuya gió rét.
Hiện thực thì được nhìn bởi những chiếc lăng kính có mầu. Ở giữa lý thuyết Văn của tình huống nàng công chúa lâm nạn vào một buổi chiều tối tự dưng tôi thuộc đến nỗi mang ra đóng vở và dửng dưng tự cười giễu chính mình. Tôi đã đặt mình vào những câu đơn và viết về một hiện thực không mầu thì cần phải ngắn gọn và đơn giản. Không có những lý thuyết nào thì đúng 100% còn cây đời thì mãi xanh tươi vì chúng luôn mầu xám. Và tôi, 4 năm sau giữa mầu xanh của cây đời và mầu xám của những lý thuyết văn, không đóng vai một con vẹt đứng trên chiếc cây hót về màu xanh và màu xám mà lý thuyết cần phải. Tôi đã cho rằng, vấn đề không phải từ một hiện thực khách quan mà hơn thế, bắt đầu có thể từ bộ óc đựng trong chiếc đầu với những sợi dây thần kinh điểu kiển đôi mắt mắc chứng mù mầu.
Theo:nhimlongxanh.com