[Kênh14] - Bắt đầu từ sự “ép buộc” của mẹ iu.
Bắt đầu từ sự “ép buộc” của mẹ iu
Bỗng một ngày, mẹ vào phòng của tớ và “tuyên bố” việc mai sẽ đưa tớ đi khám… phụ khoa, tớ đã giãy nảy lên và “xị cái mặt” ra với mẹ. Tớ liên tưởng ngay đến việc chắc mẹ nghĩ tớ… hư, tớ đã làm “chuyện ấy”, nên tớ mắc bệnh ở “vùng kín”, rồi thì mẹ không tin tưởng tớ tí nào… Trong khi đó, rõ ràng là từ trước đến giờ, lúc nào tớ cũng ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, thậm chí còn chưa có… người yêu, vậy thì “hư” sao được.
Đang tính đến chuyện… dỗi cơm vì bị hiểu lầm, thì mẹ đã cười phá lên vì những suy nghĩ của tớ: “Mẹ không nghĩ thế đâu. Đây là việc đi khám định kì thôi mà. Khi con bước vào tuổi dậy thì, các cơ quan giới tính bắt đầu phát triển và có những thay đổi. Sự “khoẻ mạnh” của những cơ quan ấy rất quan trọng đối với tương lai làm mẹ sau này của con, đúng không nào? Bởi vậy, phải đi khám định kì thì mới nắm rõ được chứ”.
Tạm “xuôi xuôi” với lời giải thích của mẹ, thì tớ lại nghĩ ra biết bao nhiêu điều “í ẹ” khác. Nào là nhỡ có ai nhìn thấy tớ đi vào phòng khám phụ khoa, thể nào tớ cũng bị… nghĩ xấu cho mà coi, hic hic. Rồi thì các bác sĩ khó tính nữa chứ, tớ còn bị “soi” vào những “chỗ bí mật”, eo ơi, ngại chết. Nhỡ mà người khám lại là… bác sĩ nam thì sao?
“Lăn tăn” nhiều như vậy, nhưng trước sự kiên quyết của mẹ, tớ đành phải ngoan ngoãn làm theo. Và cũng vì như vậy, tớ mới biết rằng đến “phòng khám tế nhị” chẳng có gì “í ẹ” như những điều tớ tưởng tượng ra…
“Hành trình” của tớ
Trong lúc chờ vào khám, tớ ngồi bên cạnh một cô bạn cũng chạc tuổi của tớ, bạn ấy nói rằng đến đây rất đều đặn, và nói một cách tự nhiên cực kì, khiến tớ cảm thấy ngại ngùng bay đi đâu mất tiêu. Các bác sĩ cũng hầu hết là nữ, nên tớ thở phào vì lo lắng rất “hâm dở” của mình, hì!
Bác sĩ chào đón tớ bằng một nụ cười vô cùng thân thiện, chứ không hề “mặt lạnh” như tớ tưởng tượng đâu. Bước đầu tiên, tớ sẽ được kiểm tra “núi đôi”, xem có khối u nào không này, xem “đỉnh núi” có gì bất thường không… Bác sĩ còn hướng dẫn tớ cách tự kiểm tra “núi” ở nhà nữa đấy!
Tiếp đến là “tam giác giới tính”, bác sĩ sẽ đưa một cái kính như kính viễn vọng thu nhỏ vào để kiểm tra “chất dịch” trong đó, xem có gì bất thường không. Đừng lo đến chuyện bị đau, hay bác sĩ sẽ đưa vào sâu mà ảnh hưởng đến “tấm màng mỏng manh” nhé, bởi vì việc này vô cùng nhẹ nhàng và không hề ảnh hưởng gì cả. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc để lấy mẫu thử đem đi xét nghiệm.
Bước 3 sẽ là siêu âm nhé, tớ được chỉ định uống thật nhiều nước, đợi đến khi bụng căng tức muốn đi vệ sinh là lúc đủ điều kiện để siêu âm. Bác sĩ đặt lên bụng tớ một chiếc máy siêu âm sau khi đã bôi lên bụng bạn một thuốc tiếp xúc để kiểm tra tử cung, hai bên phần phụ và buồng trứng.
Nếu tất cả đều okies, thì bước cuối cùng sẽ là một cuộc trò chuyện cởi mở với bác sĩ. Thấy tớ rụt rè, bác sĩ bảo tớ có thể hỏi bất cứ điều gì, thậm chí là cả chữ X thứ 3 nữa. Và mọi điều tớ hỏi, tất nhiên là được bí mật tuyệt đối rồi, không có chuyện “méc” mẹ tớ ngoài kia đâu nhá.
Ngoài ra, tớ còn được “bổ sung” nhiều thông tin rất hữu ích nữa này
+ Nên đi khám phụ khoa vào lúc bắt đầu dậy thì.
+ Tốt nhất là nên khám định kì 6 tháng/lần, còn nếu có gì bất thường, hoặc mắc bệnh gì đó, thì cứ 3 tháng/lần nên đi kiểm tra lại nha.
+ Đừng nghĩ rằng có chữ X thứ 3 rồi mới cần đi khám sức khoẻ cho “vùng tế nhị”. Ngay cả khi chưa hề có “chuyện đó”, bạn vẫn có thể mắc những bệnh khác nhau liên quan đến các cơ quan giới tính. Bởi vậy, để đảm bảo sức khoẻ cho những “vùng bí mật”, cũng như tương lai làm mẹ của chúng mình, đến gặp bác sĩ giới tính là điều rất nên làm.
+ Việc đi khám không chỉ dành cho con gái đâu, mà với các teenboys cũng cần lắm nhá!
Chắc chắn là từ bây giờ, tớ sẽ ghi nhớ việc đi khám định kì, và tất nhiên là không cần phải có mẹ “hộ tống” rồi. Bạn cũng thế nhé!