Những sự thay đổi ở hiện tại còn quá nhỏ để chúng ta phải lo sợ. Tuy nhiên nếu nhìn tới 500 năm nữa khi mà những sự thay đổi trở nên rõ ràng hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng, chắc chắn chúng ta sẽ phải biết lo sợ cho Trái đất.
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, Trái đất nóng lên đang là những vấn đề rất lớn mà nhân loại phải đối mặt. Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp để giúp ngăn chặn và cải thiện vấn đề này, tuy nhiên những nỗ lực hiện nay vẫn là chưa đủ.
Nếu như tốc độ Trái đất nóng lên và ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục như hiện nay, thì 500 năm nữa Trái đất của chúng ta sẽ trở nên như thế nào?
Bắt đầu với năm 2100, khi đó nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm khoảng 2,2 độ C so với năm 2016. Và 2 độ C có thể gây ra những khác biệt rất lớn.
Các khu vực như Châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi mà nhiệt độ trung bình mùa hè có thể tăng lên 43 độ C. Mức nhiệt độ này có thể giết chết hàng nghìn người mỗi năm.
Các núi băng khổng lồ tại Châu Á (chủ yếu thuộc dãy Himalayas) sẽ bị giảm kích thước khoảng 30%, do băng tan chảy.
Hạn hán sẽ xảy ra, cùng với đó là việc dân số tiếp tục tăng cao. Nguồn nước không đủ đáp ứng cho người dân sử dụng tại Châu Á sẽ là rắc rối vô cùng to lớn.
Dòng sông băng khổng lồ trên dãy Alps của Châu Âu sẽ hoàn toàn biến mất.
Đại dương cũng sẽ trở nên nóng hơn, khiến cho rặng san hô Great Barrier lớn nhất thế giới có thể biến mất.
Mực nước biển sẽ nâng cao lên thêm 1m, khiến cho hàng trăm nghìn người phải di tản và tìm nơi định cư mới. Các quốc đảo như Tuvalu, Kiribati và quần đảo Marshall sẽ không còn sinh sống được.
Nước Mỹ cũng không tránh khỏi khi mực nước biển dâng cao, Disney World và Disney Land có thể bị nhấn chìm dưới nước biển. Hàng triệu người dân sinh sống tại những nơi gần bờ biển cũng phải tìm nơi cư trú mới.
Vào thế kỷ 22, dân số thế giới có thể đạt 9,5 tỷ người. Trong khi tài nguyên như nước, thực phẩm, năng lượng ngày càng hạn hẹp. Kết quả là có thể dẫn đến nhiều cuộc xung đột.
Lúc đó loài người có thể tìm kiếm được một thuộc địa mới ngoài vũ trụ, như Sao Hỏa.
Tuy nhiên chúng ta luôn phải đối mặt với những thảm họa tự nhiên như những cơn bão Mặt Trời. Nó có thể phá hủy hoàn toàn mạng lưới điện, do khí quyển Sao Hỏa mỏng hơn nhiều so với Trái đất.
Quay trở lại Trái đất khi bước vào thế kỷ 23, hành tinh của chúng ta cũng sẽ bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Động vật lưỡng cư sẽ biến mất, hơn 1.000 loài ếch bị tuyệt chủng cùng với các loài bò sát khác.
Động vật có vú cũng bị đe dọa, nhiều loài sẽ biến mất trên Trái đất.
Tuy nhiên thảm họa thực sự là khi băng ở Greenland tan chảy hoàn toàn vào khoảng năm 2200 đến 2300. Nó có thể khiến mực nước biển dâng cao thêm 6m.
Trong khi nhiều nơi ngập dưới nước biển, có những vùng đất vẫn bị hạn hán. Khiến cho diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Nam Mỹ và Châu Phi, hai khu vực màu mỡ thích hợp để trồng trọt và chăn nuôi đã bị mất ⅕ diện tích. Thực phẩm trở nên khan hiếm hơn.
Thế kỷ 24, có thể con người đã ổn định cuộc sống trên Sao Hỏa. Tuy nhiên không phải toàn bộ 11 tỷ người trên Trái đất lúc đó có thể được chuyển hết lên sinh sống trên Sao Hỏa. Sẽ có nhiều người phải ở lại.
Những núi băng tuyết khổng lồ biến mất có thể gây ra những biến động địa chất, do lực ép xuống bề mặt Trái đất đột ngột không còn nữa. Nó có thể gây ra nhiều trận động đất và sóng thần hơn.
Vào cuối thế kỷ 24, lục địa băng tại Nam Cực bắt đầu tan chảy và không thể hồi phục lại được nữa.
Và vào cuối thế kỷ 25, những tảng băng cuối cùng tại Tây Nam Cực biến mất sau nhiều năm bị bào mòn. Lúc đó mực nước biển có thể cao thêm 9m nữa và nhấn chìm toàn bộ diện tích mà con người đang sinh sống.
Chính vì vậy mà ngay từ lúc này, chúng ta phải cùng nhau ngăn chặn sự thay đổi đầu tiên của Trái đất. Đó là khi Trái đất nóng lên 2,2 độ C, bước khởi đầu này có thể không giúp ngăn chặn mọi thảm họa sẽ xảy ra. Nhưng chắc chắn nó sẽ giúp kéo dài điểm tới hạn khi mà sự sống của nhân loại bị nhấm chìm dưới mực nước biển.
Những sự thay đổi ở hiện tại còn quá nhỏ để chúng ta phải lo sợ.
Theo : Trí Thức Trẻ