Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng các chất dịch có trong dạ dày như pepsin, HCl, dịch mật… trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản, gây nên các tổn thương trên thực quản. Ngoài ra, bệnh còn có tên gọi khác là viêm thực quản trào ngược.
Nguyên nhân gây bệnh
Mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ thực quản là nguyên nhân chính gây nên dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
Các yếu tố bảo vệ thực quản:
Cơ thắt thực quản dưới có vai trò điều tiết việc đóng mở van tâm vị. Nhiều trường hợp trào ngược dạ dày là do cơ này bị yếu bẩm sinh, đặc biệt hay gặp ở các bệnh nhân nhi.
Chất nhầy niêm mạc thực quản có tác dụng bảo vệ niêm mạc thực quản không bị viêm, loét dưới sự tấn công của acid dạ dày.
Nước bọt có tính kiềm nên giúp trung hòa, rửa trôi bớt dịch acid dạ dày.
Khả năng co bóp tự nhiên của thực quản. Cơ thực quản luôn co bóp tự nhiên theo chiều từ trên xuống dưới, góp phần đẩy bớt dịch acid trở lại dạ dày trong trường hợp nó trào lên thực quản.
Các yếu tố tấn công thực quản:
Tình trạng dư thừa acid HCl và các enzym tiêu hóa trong dạ dày.
Tình trạng trì trệ trong quá trình tiêu hóa, sự chậm làm rỗng của dạ dày (thức ăn bị ứ đọng lâu trong dạ dày).
Hai yếu tố này khi mạnh lên sẽ chèn ép, gây áp lực lên cơ thắt thực quản dưới khiến cơ này hoạt động không bình thường. Cụ thể, ở những người khỏe mạnh, cơ thắt thực quản dưới chỉ mở ra khi nuốt thức ăn và thông thường chỉ thư giãn thoáng qua khoảng 3 – 4 lần/giờ. Còn đối với những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, tần suất thư giãn nhất thời có thể tăng lên đến 6 – 8 lần/giờ, tức là gấp đôi bình thường.
Nguồn: Nhà thuốc Nghĩa Hưng