[justify]Chúng tôi tìm đến khu vực xã Bình Thanh Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi và không khỏi ngạc nhiên khi trên cánh đồng vừa gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ, những đôi bờ ngăn cách các đám lúa với nhau cũng chỉ còn là những cọng cỏ khô, thế nhưng lại là nơi được bọn trẻ chăn bò lựa chọn để lùa bò đến đây thay vì tìm đến những vùng cỏ bạt ngàn xanh tốt. Gần chục đàn bò với không dưới 60 con đang ở khắp mọi nơi trên cánh đồng rộng mênh mông. Mặc kệ, 8 chiến hữu là "đồng nghiệp" chỉ biết tụm lại một chỗ để say mê với những trò game trên "dế" của mình.[/justify]
Trẻ chăn trâu cũng có thể dùng điện thoại di động. Một điều không tưởng trong suy nghĩ của nhiều người vài năm về trước
[justify]Tay vừa mân mê bấm phím điện thoại thoăn thoắt, nhóc Tuấn (9 tuổi) lý giải: "Mấy tháng trước thì toàn dắt bò vào những bờ cỏ xung quanh các con đập nước, những nơi có cỏ để bò có thứ mà ăn. Nhưng bây giờ, từ ngày có điện thoại di động thì bọn em chọn những cánh đồng rộng như thế này cho an toàn". Thấy tôi còn tỏ vẻ ngớ người chẳng hiểu, nhóc Quang (10 tuổi) ngồi gần đó tranh thủ bấm xong tin nhắn rồi giải thích cặn kẽ hơn: "Khi chưa có điện thoạiá mỗi lần chăn bò chúng em tập trung lắm, toàn theo đuôi bò. Nhưng khi có rồi, chỉ toàn tụm lại khoe điện thoại, chơi game, lo nhắn tin… nên toàn bị người ta mắng vốn cha mẹ vì để bò đi ăn bậy cây cối, vườn tược của mọi người".[/justify]
[justify]Nhưng theo nhóc Xuân Anh (9 tuổi) thì bị mọi người khiển trách, mắng vốn, thậm chí đánh đòn còn đỡ hơn nhiều trường hợp mà mình gặp phải vào hai tuần trước: Chỉ vì mải mê chơi game, lo nhắn tin trên điện thoại như thế này mà con bò đực mộng có giá gần mười triệu và con bò cái sắp đẻ lỡ vào dẫm đám ngô vừa gieo đã bị người chủ ruộng chặt cụt đuôi.[/justify]
[justify]Xuân Anh cũng kể lại chuyện mất bò của một người bạn trong xóm. Suốt buổi chăn bò, người bạn này chỉ biết trốn nắng, tìm bóng râm và mải mê nghe nhạc trên điện thoại di động. Đến khi chiều tà chuẩn bị về mới phát hoảng vì không tìm thấy đàn bò của mình. Mặc dù người dân trong xóm rọi đèn pin tìm kiếm suốt đêm, nhờ người băng núi qua các xã bên cạnh để tìm bò nhưng vẫn không thấy.[/justify]
[justify]Theo ông Nguyễn Quốc Lời, một người dân tâm sự, từ ngày điện thoại di động về làng đến tay bọn trẻ thì không chỉ riêng đàn bò nhà ông mà đối với hầu hết mọi gia đình dường như đều… ốm hơn. "Không ốm sao được khi bọn trẻ toàn tìm những ruộng rẫy không cỏ, lùa bò vào, đóng cổng kín mít để thỏa sức chơi điện thoại thì lấy gì cho bò ăn chứ", ông Lời nói trong giọng bực tức.[/justify]
[justify]Nhập viện vì ĐTDĐ[/justify]
[justify]Không chỉ riêng ở xã Bình Thanh Đông mà tại nhiều xã thuộc khu Đông huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi như xã Bình Hòa, Bình Trị, Bình Hòa, Bình Thuận… thì hình ảnh bọn trẻ xài ĐTDĐ đã là hình ảnh quen thuộc.[/justify]
[justify]Được biết, những ĐTDĐ của những đứa trẻ kể trên có giá dao động từ 200 - 500 ngàn. Tuy nhiên để có thể sở hữu những chiếc ĐTDĐ như thế, mỗi đứa trẻ ở những vùng quê này phải đổi bằng mồ hôi công sức, tự tìm những cách khác nhau để có tiền mua. Nhóc Văn (12 tuổi, xã Bình Trị) cầm chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia đời 1202 khoe: "Hàng đêm, em đi bắt cóc, bắt ếch để bán. Hơn 2 tháng mới đủ tiền mua chiếc này đó anh ạ".[/justify]
[justify]Còn nhóm bạn Hải, Thanh, Việt (xã Bình Hải) kể lại chuyện phải xin theo thuyền đi biển cả hai tuần, phụ giúp gỡ lưới, rửa cá… để có tiền. Sau đó cả nhóm chạy xe đạp, vượt gần 20 km lên trung tâm thị trấn để mua điện thoại.[/justify]
[justify]Khi được hỏi bỏ công bỏ sức mua ĐTDĐ để làm gì khi các em còn quá bé và nhu cầu liên lạc qua ĐTDĐ là chưa cần thiết, nhóc Thanh cho rằng "cần phải có ĐTDĐ để giống mấy bạn trên thành phố. Vả lại, giờ đi chăn bò mà nghe ĐTDĐ thì "oai" hơn nhiều". "Không những thế, có ĐTDĐ, để tìm địa điểm chăn bò của bạn chí cốt không khó khi chỉ cần bấm một tin nhắn", nhóc Thanh nói thêm.[/justify]
[justify]Chính vì suy nghĩ như vậy mà không ít em cố gắng có ĐTDĐ bằng bất cứ giá nào, thậm chí là ăn cắp vặt. Mới đây tại xã Bình Thuận đã xảy ra một vụ trộm ĐTDĐ mà thủ phạm là một học sinh lớp 6. Hay vào đêm 26/6 vừa qua, trạm y tế xã Bình Hòa đã tiếp nhận trường hợp nạn nhân là cậu bé 12 tuổi bị đánh gãy cả tay chân khi bị phát hiện trong lúc tìm cách ăn trộm gà. Hỏi nguyên nhân, cậu bé khai rằng "mong có tiền để mua ĐTDĐ cho bằng bạn bè, chứ mỗi ngày đi ra đồng, đi chăn bò chung, thấy mấy bạn xài, thèm không chịu được".[/justify]
[justify]Nhiều đứa trẻ ở xã Bình Thanh Đông không ngần ngại thú thật, để có tiền nạp card, đã có lúc phải lấy trộm tiền của bố mẹ hoặc lợi dụng lúc không có ai ở nhà để bán lúa, bán ngô…[/justify]
[justify]Người lớn lo ngại[/justify]
[justify]Ông Lê Thanh, một phụ huynh ở xã Bình Hòa tâm sự: "Không thể nào cấm cản tụi nhỏ dùng ĐTDĐ được. Vì đó là tài sản mà tụi nhỏ làm lụng mà có. Nhưng khi thấy chúng nó xài ĐTDĐ, cứ thấy lo lo".[/justify]
[justify]Ông Thanh kể lại câu chuyện cách đây 4 ngày, một cậu bé 14 tuổi cùng xóm có được ĐTDĐ Trung Quốc với nhiều chức năng đã "chiêu đãi" gần cả chục đứa trẻ khi đang cùng chăn bò trên cánh đồng những "bộ phim người lớn" mà không biết nguyên nhân từ đâu có được bộ phim này. "Đi làm bờ về, vô tình trông thấy mà tôi phát hoảng. Sợ ĐTDĐ rồi sẽ làm hư con em ở đây mất", ông nói.[/justify]
[justify]Cô Đặng Thị Thu, giáo viên trường Tiểu học Bình Thanh Đông nhớ lại khi còn trong năm học, trong lúc giảng bài thì dưới lớp vọng lên tiếng chuông điện thoại với những nhạc chuông không phù hợp với lứa tuổi học sinh.[/justify]
[justify]Bên cạnh những điện thoại rẻ tiền, có nhiều trường hợp các em đủ tiền mua điện thoại xịn, hoặc được người thân cho đã sở hữu những điện thoại đắt tiền, có nhiều chức năng tiện ích. Chính vì thế, những bài nhạc sốc, những ca khúc chế, những bộ phim không phù hợp… đã có thể lan truyền rất nhanh qua ĐTDĐ của mỗi đứa trẻ.[/justify]
[justify]Đáng ngại hơn, khi chúng tôi được biết có nhiều trường hợp trẻ em còn biết cách cài GPRS để chơi những trò chơi đỏ đen, tìm kiếm đọc những truyện không phù hợp…[/justify]