Trước khi ra đảo, tôi cứ khư khư mang cái suy nghĩ ngây thơ mà mường tượng rằng, quần đảo này còn hoang sơ, dân cư sinh sống cũng còn hoang như đảo ấy. Nhưng thực tế lại khác. Nghe anh Tư Huồi là dân đảo thứ thiệt ngồi kế bên khoe: “Trông vậy mà dân sống thoải mái lắm nghen, ngoài này còn dễ kiếm tiền à, chỉ cần chèo ghe, sắm thêm cái kính lặn đi lòng vòng quanh đảo cũng ngày kiếm mấy trăm nghàn chứ chẳng chơi” mới thấy đảo xa ngày càng có sức hút con người.
Một góc của đảo hòn Tre, thuộc xã đảo Tiên Hải, trong quần đảo Hải Tặc xưa. |
Điểm làm người ta lưu tâm nhất khi đến quần đảo này vẫn là cột mốc chủ quyền mang tên “Hải Tặc” được xây dựng năm 1958, đặt phía Tây hòn Đốc. Cái tên dữ dội ấy từng được đặt làm địa danh hành chính cho một quần đảo nằm trong vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cột mốc mang tên Quần đảo Hải Tặc được xây vào 1958, ở phía Tây đảo hòn Tre. |
Cái “truyền thống của băng cướp Cánh Buồm Đen” vẫn còn tiếp nối mạnh đến mãi tận những năm gần đây mới chấm dứt. Người ta bảo trên đảo còn hậu duệ của những thành viên “hải tặc”, rồi những đồng tiền cổ dân lặn biển nhặt được ở một vịnh phía Tây Bắc của hòn Đốc nghi là kho báu của của “hải tặc”, hay một vài cái mộ của cướp biển còn chôn trên đảo.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gán cho hòn Đốc và các hòn lân cận một cái danh dữ dội “quần đảo Hải Tặc”, rồi một thời từng là địa danh hành chính cho mười tám hòn lớn nhỏ ở vùng biển Tây Nam. Hiện nay tấm bia chủ quyền mang tên Quần đảo Hải Tặc vẫn nằm phía Tây đảo hòn Đốc là minh chứng cho một thời hỗn mang nhưng đầy dữ dội đó.
"Quần đảo hải tặc"- tên "hải tặc" từng được lấy làm tên địa danh hành chính thời chế độ cũ trước những năm 1975 |
Những con tàu của thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha chở gốm sứ, rượu sang đổi sản vật, tơ lụa ở Châu Á đều phải đi qua vùng biển này. Trên vùng biển kín của Vịnh Thái Lan nhiều hòn lắm đảo, lại nằm trên đường trung chuyển. Đây chính là điều kiện lý tưởng để các băng cướp biển trú ngụ trên các hoang đảo, chặn tàu để cướp.
Cái tên băng cướp “Cánh Buồm Đen” từng là nỗi khiếp đảm xuyên thế kỷ cho các đội tàu bè cũng xuất hiện từ đó. Băng cướp này án ngữ vùng biển Nam cho đến mãi đầu thế kỷ XX mới tan rã.
Một góc đảo này, nơi người dân từng phát hiện nhiều tiền cổ, nghi là kho báu của "hải tặc" |
Hòn Đốc thủ phủ của cướp biển xưa giờ cũng đổi thành hòn Tre. Và “lớp áo” của đảo được thay dần bằng những ngôi nhà mới cùng đoàn ghe cộ ngày đêm bám biển. Những con người cần lao đang ngày ngày căng sức xây một xã đảo lớn mạnh, sầm uất xứng tầm ở biển Tây Nam.
Gặp hậu duệ của băng nhóm cướp biển
Trên "quần đảo hải tặc”, tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Gái (tên gọi thân mật là má Mười), một trong những hậu duệ của băng cướp "Cánh buồm đen" một thời, và cũng là người đầu tiên xây chùa trên đảo.
Má Mười năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng da dẻ vẫn hồng hào, nói chuyện rất minh mẫn. Trong những câu chuyện với chúng tôi khi nhắc lại quá khứ một thời đáng quên của cha ông mình, giọng má như trầm lắng xuống.
Theo lời má, thuở mới sinh ra và lớn lên, đã thấy cả gia đình sống trên Bãi Bổn (nay là ấp Bãi Bổn, đảo Phú Quốc). Cha của má là một người thao lược võ nghệ, thuộc vùng biển trong Vịnh Thái Lan như con rái cá.
85 tuổi, bà Mười vẫn vui sống thanh thản ở hòn Đốc, thuộc Quần đảo Hải Tặc |
Nhắc đến người cha của mình, bà nhớ lại: "Dáng người cha tui phốp pháp lắm, lại giỏi võ, từng phiêu bạt khắp nơi mưu sinh. Chính vì bản tính ngang ngạnh không biết sợ trời sợ đất cùng những tháng ngày ngang dọc đó đây trên biển, ông dần dao du với đám phỉ tứ phương, rồi cũng chặn tàu buôn để cướp. Mà khi lấy được của người ta ổng tiêu xài đi đâu má con tui nào biết”.
Ở đảo Phú Quốc, thời chính quyền Ngụy cuộc sống khó khăn, lính hay bắt bớ. Năm 1956 cha con bà Mười lại dong thuyền theo hướng Đông vào một quần đảo vắng người lánh nạn, sau này bà mới biết đây chính là “quần đảo Hải Tặc”.
Chùa Cao Sơn Tự trên núi ở hòn Đốc, Quần đảo Hải Tặc |
Câu chuyện lập chùa lúc đó của bà cũng trăm bề nhọc nhằn, tâm ý của bà bị cản trở rất nhiều, vì chế độ cũ do Ngô Đình Diệm lúc đó chủ trương bài Phật giáo gắt gao. Việc lập chùa đã khó, huống chi lại là một phụ nữ thấp bé hạt tiêu như bà lại lập chùa bằng hai bàn tay trắng. Nhưng rồi thương bà con không nơi hương khói, cầu nguyện, thiện ý mong hòa hợp yên bình trên đảo, bà lại quyết tâm xây chùa.
Không quản khó nhọc, đích thân ngày bà xuống bãi vục cát, đêm cạy đá núi rồi gùi lên lưng chừng đồi. Để có xi vữa xây bà bớt chút cây rau, con cá bắt được đổi cho bọn lính Ngụy ở đồn bốt. Chẳng mấy chốc ngôi chùa khang trang hoàn thành và cái tên Sơn Hòa Tự ra đời.
Ngôi chùa bà Mười vẫn còn đó như sự chế ngự lại cái ác. Người dân ở các hòn đảo lân cận có nhu cầu tu tâm, họ đều tìm đến Sơn Hòa Tự của bà hương khói. Ai muốn an lành cho những chuyến đi biển cũng tìm đến chùa Sơn Hòa Tự cầu an. Bà nhấn mạnh "tui lập chùa duy chỉ cầu cho yên bình mà thôi, mong rằng sau này con cháu trên đảo sống hòa thuận, không còn cướp bóc loạn lạc".