Hãy để tuổi học sinh thật trong sáng. (Ảnh minh họa) |
Chỉ vì những giận hờn, những cãi vã rất nhỏ và nhiều teens đã nghĩ ra những cách “trả đũa” bạn bè chẳng giống ai.
Câu chuyện thứ 1
Tất cả học sinh trường L.H.P (HD) đang xôn xao, bất bình về chuyện một teen…đi vệ sinh vào…siêu nước chung của lớp. Chuyện là, chiều hôm ấy, vì được nghỉ hai tiết cuối nên T và D rủ nhau ra quán game online gần trường để “đo trình cao thấp”. Bình thường, T lúc nào cũng thua D, nhưng hôm ấy người bị thua lại là D. D cảm thấy vô cùng “ê mặt”, vì: “Rõ ràng nó “trình” kém hơn mình, làm sao mà thắng được”. D cho là T “chơi xấu”, T tức quá nói mấy câu nặng lời, D tức giận đùng đùng bỏ đi.
Trưa hôm sau, D đến khá sớm vì muốn thực hiện một kế hoạch nhằm “trả đũa” T một cách “thật mạnh tay”. Biết nhà T ở rất xa trường, ngày nào cũng phải đạp xe hơn 30 phút đồng hồ, nóng bức, mệt mỏi nên việc đầu tiên T làm khi đến lớp là uống nước. Bởi vậy, D đã… “đi vệ sinh” vào siêu nước cô tạp vụ mới đem vào cho lớp D.
Thế nhưng, thật không may cho D đã bị một người bạn khác bất ngờ đến sớm phát hiện. Và sự việc được trình lên cô giáo cũng như ban giám hiệu nhà trường. Với hành động thể hiện ý thức bằng con số 0 như vậy, D đã suýt bị đuổi học. May sao chính T và các bạn cùng lớp đã xin dùm cho D một cơ hội sửa sai.
Như thế, chỉ vì một xích mích vô cùng nhỏ nhoi, và một phút thiếu suy nghĩ, D đã có hành động khiến thày cô, bạn bè đều phải ngỡ ngàng.
Câu chuyện thứ 2
M và N là hai cô bạn vốn “không ưa” nhau từ lâu. Một lần, qua một người bạn khác, M được nghe kể rằng N đã đi nói xấu mình. Nào là: “Cái M khó ưa lắm cơ, tính nóng nảy lại còn “tiểu thư dởm”, ra vẻ này kia”, rồi thì: “Nó cặp hết với thằng này thằng kia, đúng là chẳng ra gì cả”… Mới nghe thấy thế, chưa cần tìm hiểu thực ra sao, M đã đùng đùng tức giận, nghĩ cách “cho N một bài học nhớ đời”.
M lấy tên N, đăng nhập vào một diễn đàn, để cả ảnh của N làm avatar. Ngay sau đó, M vẫn lên tên đó post một topic với nội dung: “Em là N, 18 tuổi, cao ráo, dễ thương. Anh nào có “nhu cầu” hãy liên lạc với em theo số điện thoại…”. Thậm chí, M còn để một câu cực “choáng”: “Giá cả có thể thỏa thuận”, kèm theo đó là… số điện thoại di động và cả máy bàn nhà N nữa.
Không biết bao nhiêu cuộc điện thoại đã gọi đến, không biết bao nhiêu lời nói khiếm nhã được vang lên. Lúc đầu, N tưởng họ nhầm máy nên không quan tâm, nhưng rồi, N hoảng và bối rối thật sự. Gia đình N cũng vậy, bố mẹ N đã suýt ngất khi đầu dây bên kia hồn nhiên: “Con bác đăng tin mời chào hẳn hoi cháu mới gọi đến, hay là bác biết nhưng giả vờ không biết thế?”. Bạn bè của L vào forum đọc topic ấy, bán tín bán nghi và không phải ai cũng có niềm tin hoàn toàn dành cho N.
M không thể tưởng tượng được kết cục lại là, N và gia đình không chỉ đổi số điện thoại, mà còn phải chuyển cả trường cho N, N còn phải đến gặp bác sĩ tâm lý và một thời gian dài sau mới quên được mọi chuyện. Không ai biết M là “thủ phạm”, nhưng lương tâm M thì mãi mãi vẫn cảm thấy ân hận. Bởi, sau đó, M biết rằng N không hề nói xấu mình, cô bạn kia đã bịa ra tất cả những điều đó…
Chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ mà dẫn đến những hành động không đẹp một chút nào đối với bạn bè mình như vậy, liệu có đáng hay không? Đừng để một phút nóng giận khiến mình phải ân hận mãi, teens nhé!