Tâm sự - chia sẻ 2011-05-12 16:21:22

truyện ngắn IV


Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến… (ST)





Nồi cá bống kho tiêu
Ba mươi tuổi đầu, lận đận chiến chinh, chưa kịp lấy vợ thì trời sập. Đi tù. Mẹ thăm nuôi 6 tháng một lần. Quà chỉ có nồi cá bống kho tiêu và nước mắt thương con. Được 3 năm thấy mẹ già đi, tóc bạc phơ. Thương mẹ, hắn bảo mẹ đừng lên thăm nữa. Nhưng đến kỳ thăm lại đi ra đi vào, trông ngóng mẹ. Suốt hai năm không thấy mẹ lên thăm.

Được tha, về nhà mới hay khi mẹ về gặp mưa bị cảm nặng trong lần thăm nuôi sau cùng và đã qua đời hai năm rồi. Giỗ mẹ, hắn đi chợ mua cá bống về kho tiêu. Giỗ xong bưng chén cơm và đĩa cá bống kho tiêu cúng mẹ xuống ăn, hình như có vị mặn của nước mắt.





Trả hiếu
Thằng Út đói bụng, tìm Lan. Chị ơi nấu cho em gói mì. Từ sáng đến giờ hai chị em chưa ăn gì cả. Nhà hết mì gói ăn liền lại hết cả gạo.

Lan dỗ dành , ba đi xe ôm về thế nào cũng mua bánh mì cho em. Trời tối dần vẫn không thấy ba về, Lan dẫn em ra đầu hẽm nơi anh Tư sửa xe gắn máy, ngồi đợi. Tư và Lan thương nhau đã hơn hai năm. Tư đang cố dành dụm ít tiền để sang năm làm đám cưới. Trời tối hơn, chú Bảy xe ôm chạy về báo tin ba bị xe đụng gãy chân rồi. Bệnh viện đòi 5 triệu mới chịu bó bột.

Lan về nhà thay áo, chạy vội ra nhà dì Năm đầu phố. Dì ơi con bằng lòng. Đêm bán trinh cho ông Đài Loan, Lan khóc lặng lẽ. Anh Tư ơi, cho em xin lỗi…





Tính Cách
Nguyễn Thị Hoài Thanh


Mẹ tôi buôn bán, chai lì trước cán cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà hồn nhiên " ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:
- Coi chừng trôi ti vi …
- Còn sách ông chưa viết ra đã hoá đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn hoá phốc ra chặn đường con bé bán trứng vịt lộn.
- mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất cũng gặp tao- Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.
- Dì ơi, cho con khất, mẹ con ốm!
- Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.
Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cái mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi …
Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút khăn mùi soa chấm mắt.
Lâu sau, ti vi phát vở kịch " Cô bé nghèo bán trứng bị xiếc nợ ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.





ANH …

Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm DH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”

Anh ơi… ôi, người anh của Út…!





MẤT XE

Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.

Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.

Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.

Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.

Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.







Hồi nhỏ, mỗi lần tôi bệnh, mẹ tôi luôn lo lắng thuốc thang, nuông chiều tôi mọi thứ. Biết vậy, tôi cứ giả ốm để mẹ chiều chuộng.
Lớn lên lập gia đình. Có con. Đang làm việc. Điện thoại reo vang, nhà gọi vào báo: "Con sốt , ói mửa!". Nghe xong, tôi chẳng làm gi được, cứ ngóng tới giờ về .
Tối - nằm cạnh con. Mỗi tiếng con ho, ói - tôi bật dậy - ruột xốn xang - thao thức mãi .
Đặt lưng xuống. Nhớ lại ngày xưa. Nước mắt chực trào ra. Nghĩ mà thương mẹ biết chừng nào …





HOA HỒNG TẶNG MẸ

Anh dừng lại tại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng cho mẹ anh qua đường bưu điện.Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300 km.Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi tại sao nó khóc.

- Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng cho mẹ cháu- nó nức nở- nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đô la.

Anh mỉm cười và nói với nó:

- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua cho cô bé va đặt một đoá hồng để tặng cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời:

- Dạ, chú cho cháu đi nhờ tới nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh lái tới một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói :

-Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.

Tức thì anh quay lại tiệm hoa, huỷ bõ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300 km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.





BẠN CÓ NGHÈO KHÔNG ?

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến một nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. "Đây là là một cánh để dạy con biết qúy trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình." - người cha nghĩ đó là bài học thực tế tố cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: " Chuyến đi như thế nào hả con ?"

- Thật tuyệt vời bố ạ !

-Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy !

-Ô, vâng.

-Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này ?

Đứa bé không ngần ngại:

-Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn ***g vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm.Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phải phục vụ người khác. Chùng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra nững thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở lẫn nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả.

"Bố ơi, con đạ biết chúng ta nghèo như thế nào rồi.."- cậu bé nói thêm.

Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì chúng ta đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì không có. Cũng có những thứ không có giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đứng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.





CHUYỆN CỦA NỘI

Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít…
Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm…
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan…





TÌNH BẠN


Người chủ tiệm treo tấm bảng "Bán Chó Con" lên cánh cửa. Những tấm biển kiểu như vậy luôn hấp dẫn các khách hàng nhỏ tuổi. Ngay sau đó, có một cậu bé xuất hiện.

- Chú bán mấy con chó này với giá bao nhiêu vậy? - cậu bé hỏi.

Ông chủ trả lời:

- Khoảng từ $30 cho tới $50.

Cậu bé móc trong túi ra một ít tiền lẻ. "Cháu có $2.37," cậu nói, "cháu có thể coi chúng được không?"

Người chủ tiệm mỉm cười và huýt sáo. Từ trong cũi chạy ra chó mẹ Lady cùng với năm cái nắm lông be bé xinh xinh theo sau. Một con chó con cà nhắc chạy cuối cùng. Ngay lập tức, cậu bé chỉ vào con chó nhỏ bị liệt chân đó: "Con chó con này bị làm sao vậy?"

Người chủ giải thích rằng bác sĩ thú y đã coi và nói rằng con chó con bị tật ở phần hông. Nó sẽ bị đi khập khiễng mãi mãi. Nó sẽ bị què mãi mãi. Đứa bé rất xúc động: "Cháu muốn mua con chó con đó."

Người chủ nói rằng:

- Chắc là cháu không muốn mua con chó đó đâu, còn nếu cháu muốn nó thì chú sẽ cho cháu luôn.

Cậu bé nổi giận. Cậu nhìn thẳng vào mắt của người chủ, và nói rằng:

- Cháu không muốn chú cho cháu con chó con đó. Nó xứng đáng như bất kỳ con nào khác và cháu sẽ trả cho chú đủ giá tiền cho nó. Thật ra, cháu sẽ đưa cho chú $2.37 bây giờ và 50 cent mỗi tháng cho đến khi cháu trả đủ số tiền.

Người chủ phản đối:

- Cháu đâu có muốn mua con chó đó. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạy được và chơi với cháu như những con chó con khác.

Nghe vậy, cậu bé cúi xuống và kéo ống quần lên để lộ ra một chân bị teo quắt và phải có hệ thống thanh giằng chống đỡ. Cậu nhìn lên người chủ và nói rất khẽ:

- Vâng, cháu cũng không có chạy được, và con chó nhỏ đó cần một người có thể hiểu được nó.





MƯA

Trời đổi gió. Mưa trắng phố phường. Cô gái ngồi sau chàng trai trên chiếc xe máy đời mới, vòng tay ôm eo: "Anh có lạnh không, để em ủ ấm cho anh nhé!" Tiếng cười khúc khích trong veo tan vào màn mưa mờ đục. "Ước gì những cơn mưa kéo dài hơn" - Chàng trai và cô gái nghĩ thầm, nghe niềm vui dâng đầy trong mắt…

Bên kia đường, bác bán bánh chuối chiên nhìn mưa mà thở dài ngao ngán. Mưa đã mấy ngày không tạnh, ngày nào cũng ế hàng. Mà lại sắp đến hạn nộp tiền học cho con…

Ngoài trời, mưa vẫn rơi, trắng xóa…






GIÓ

Nhớ ngày xưa, bố đi làm xa, khung cửa vỡ không có người gắn lại. Mù đông về, con và mẹ nằm co ro trong góc. Thỉnh thoảng trong mơ con lạnh, giật mình. Bố viết thư về: "Bao giờ kiếm đủ tiền nuôi Cún, bố sẽ về sửa khung cửa cho Cún nhé!" Con lại rúc vào lòng mẹ, nghe gió luồn qua cả những giấc mơ…

Bây giờ, nhà mình bốn tầng, cửa làm bằng gỗ lim sáng bóng, những tấm kính sáng loáng lạnh lùng. Trong nhà có đủ cả điều hòa và máy sưởi - con chẳng bao giờ sợ lạnh! Nhưng đêm đến, vẫn chỉ có con và mẹ - nghe gió luồn lạnh buốt trong tim…

"Bố ơi, bao giờ mới kiếm đủ tiền để bố về sửa khung cửa cho con?"






NGƯỜI GIÀ

Hồi còn trẻ, bà lăn lộn khắp các chợ nổi tiếng ở vùng đất Nam Định, một tay nuôi năm người con để chồng yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Bà nổi tiếng cả vùng về sự sắc sảo thông minh - và cả một chút tinh nhanh của những người làm nghề buôn bán. Cơ đồ nhà chồng, một tay bà gây dựng. Năm người con vắng cha mà không có ai phải thất học. Năm người là năm tấm bằng Đại học - người con cả còn được đi nước ngoài du học nữa.

Mấy chục năm sau…

Ông mất, các con đón mẹ lên thành phố. Mấy ngày đầu, chưa quen đồ dùng mới, bà làm hỏng hết cả. Hôm nay cũng thế, bà lại làm cháy cái ấm điện mới. Người con cả gắt:
- Mẹ đúng là lẩm cẩm, chẳng làm được việc gì ra hồn!

Bà sững người, ánh mắt vụt rơi vào khoảng không xa vắng…


Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)