Một công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho biết, loài giun dẹt có thể duy trì liên tục độ dài của telomer bao gồm các ADN. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất về sự lão hóa của các sinh vật nói rằng nguyên nhân của hiện tượng này là vì phần cuối của nhiễm sắc thể tế bào – gọi là telomer – cứ bị ngắn dần lại. Tới khi nào chúng biến mất hoàn toàn thì tế bào sẽ chết. Chính telomer xác định số lượng các phân chia tế bào trong cuộc đời, chịu trách nhiệm về sự bảo quản bộ gen và bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi tác động của các yếu tố tiêu cực.
Từ lâu, các nhà khoa học đã rất chú ý đến giun dẹp vì khả năng tái sinh phi thường của chúng. Họ tìm hiểu cả 2 loại giun: loại sinh sản thông qua giới tính (sinh sản hữu tính) và loại sinh sản bằng cách phân chia (sinh sản vô tính ví dụ khi bị cắt làm đôi chúng sẽ biến thành 2 con giun mới).
Ông Aziz Abubaker, Trưởng nhóm nghiên cứu Trường ĐH Nottingham nói: "Hiện chúng tôi đang tìm cách giải thích vì sao mà những con vật này không bao giờ chết tự nhiên” thông qua 2 loại giun trên.
Cả 2 loại đều có khả năng khôi phục các cơ, da, nội tạng, thần kinh. Song loại giun sinh sản vô tính có ưu điểm hơn ở chỗ chúng có thể khôi phục dự trữ loại men (ferment) then chốt, có khả năng làm nên sự bất tử.
Những công trình nghiên cứu mang đến cho các tác giả giải Nobel Y học năm 2009 đã chứng minh rằng, hoạt tính của telomer phụ thuộc vào men telomeraz. Trong đa số các sinh vật sinh sản bằng phương pháp hữu tính, men này tách ra ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Ông Abubaker cũng phát hiện ra là lượng men này trong cơ thể những con giun dẹp sinh sản vô tính tăng lên rất rõ rệt trong giai đoạn tái sinh.
Giáo sư Douglas Kell - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học về Công nghệ sinh học nhận định, kết quả của nghiên cứu mới là "vô cùng hấp dẫn". Chúng đã đóng góp rất lớn vào những hiểu biết cơ bản về một số quá trình liên quan đến sự già nua của con người, điều chẳng mấy ai thích thú.