(TT&VH Cuối tuần) - Khi live show Unlimited Symphony
trải qua được hơn 2/3, bên cánh gà sân khấu, nhạc sĩ Hoàng Điệp quay sang tôi cười rạng rỡ: “Chị mừng quá! Cuối cùng cũng đã làm được”. Niềm vui của chị hoàn toàn có thể thấu hiểu, bởi cho đến trước khi ban nhạc Prophecy bước lên sân khấu biểu diễn tiết mục mở màn vẫn chưa có nhiều người dám tin live show sẽ thành công. Thậm chí trước khi khoe niềm vui của mình, Hoàng Điệp còn phải trả lời một số cuộc điện thoại từ những đồng nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia hỏi thăm liệu chương trình có gặp sự cố gì không.
Cũng phải! Mấy ai dám tin rằng trong cảnh eo sèo của làng nhạc Việt 2008, khi nguồn tài trợ gần như không có, mọi thứ đều phải tự lực, BTC chương trình lại có thể thực hiện một show diễn giao hưởng rock tiên phong khu vực Đông Nam Á. Nào đâu chỉ thế. Gói gọn trong một chương trình hơn 2 giờ là những thể nghiệm đầy táo bạo: rock kết hợp giao hưởng, hòa nhạc phim câm, rock hóa tác phẩm Hòn vọng phu lừng danh, dàn nhạc giao hưởng phải “chiến đấu” ở nhà thi đấu, nơi không hề là thánh địa cho mình.
Show diễn thành công không nhờ sự may mắn mà do tài năng của ê-kíp thực hiện. Những bản phối đầy cuốn hút của Dirk Johan Stromberg, khả năng điều khiển hai dàn nhạc của nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường và trên hết là sự cống hiến hết mình của ban nhạc Unlimited. Chứng kiến giọng soprano Ngọc Tuyền phối hợp với tiếng thét của Viết Thanh trong tiết mục The phantom of the opera, khán giả hẳn có thể tin rằng rock hoàn toàn có thể tồn tại ở Việt Nam và xứng đáng được quan tâm đầu tư, phát triển. Cố nhiên, sẽ vô cùng khập khiễng khi so sánh Unlimited với Nightwish của Phần Lan, càng không thể so họ với Deep Purple hay KISS, những ban nhạc lừng danh thế giới. Điều chúng ta có thể nói là họ đã dám mạo hiểm, dám đối mặt thử thách để mang đến cho khán giả một đêm nhạc đầy phấn khích và thỏa lòng mong đợi. Quan trọng hơn, họ đã thực hiện giấc mơ của mình đến cùng dù gặp không ít khó khăn. Trục trặc về giấy phép khiến chương trình bị triển hạn, hệ thống âm thanh chưa đủ sức tải một đêm diễn cường độ cao, tiếng dội của âm thanh trên trần nhà thi đấu Nguyễn Du không thể khắc phục, sự chênh vênh giữa âm lượng của các nhạc cụ thuộc dàn nhạc giao hưởng và nhạc cụ điện tử… khiến đêm diễn chưa thực sự hoàn hảo. Song phải chăng chính trong những điều kiện khách quan và không thể kiểm soát ấy mà chúng ta nên dành cho chương trình một sự cảm thông nhiều hơn? So với những chương trình được PR rầm rộ, có nguồn tài trợ dồi dào và được tạo nhiều điều kiện thì Unlimited Symphony càng chứng tỏ được sự cống hiến của những người đã góp tay tạo dựng nó. Như chính một thành viên của Unlimited xác nhận sau đêm diễn: “Chúng tôi chỉ muốn được chơi nhạc và muốn mọi người biết rằng chúng tôi có thể làm được”.
Không ngoa nếu cho rằng 2008 là năm của rock và giao hưởng với hàng loạt show diễn chất lượng cao được đưa đến cho khán giả và mỗi chương trình đều được đánh giá cao ở chất lượng nghệ thuật. Có lẽ chính rock, giao hưởng đã giữ cho nhạc Việt năm qua không rơi vào cảnh đìu hiu như phiên chợ chiều. “Chúng tôi đã có một show giao hưởng rock. Nếu năm sau có thể tiếp tục làm, chúng tôi sẽ chơi rock giao hưởng (symphony rock)” là lời hứa ở thể khẳng định của nhạc sĩ Hoàng Điệp với khán giả. Nếu có một lá phiếu mang tính quyết định cho hạng mục Chương trình của năm ở giải thưởng Cống hiến 2008, lá phiếu đó nên được trao cho Unlimited Symphony như một sự ghi nhận những đóng góp của hơn trăm con người cho một niềm đam mê bất tận. Họ xứng đáng được vinh danh vì cống hiến của mình. Xa hơn, giải thưởng sẽ là sự động viên cho những thể nghiệm tiên phong. Nhạc Việt luôn cần những con người dám làm, dám nghĩ.
Phạm Thành Nhân (Báo Tuổi trẻ TP.HCM)