Chỉ là tham nhũng vặt!
PV: - Gần 2 tuần quy định sang tên đổi chủ đối vưới phương tiện ô tô, xe máy đi vào cuộc sống cho đến nay những băn khoăn về nó vẫn làm nóng dư luận. Nhiều người băn khoăn việc CSGT được trao quyền can thiệp quá sâu sẽ làm nảy sinh nhiều tiêu cực, quan điểm của ông về điều này như thế nào?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Người dân lo lắng cũng vì nguyên nhân văn bản quy định không rõ ràng. Thứ hai cũng phải cho người ta có thời gian từ từ để sang tên đổi chủ. Chứ không phải đùng một cái quy định thì giống như một cỗ máy đang chạy lại dừng lại thì hỏng.
ĐB Đỗ Văn Đương
Còn bản thân CSGT thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự người ta cứ căn cứ văn bản họ làm, anh không sang tên đổi chủ là anh có lỗi. Đây là căn cứ theo quy định của pháp luật nên mới có sự tham gia của CSGT, quy định của pháp luật lại vội quá, không rõ nên mới như vậy.
Không rõ ở chỗ giữa việc ra đường anh đi xe không sang tên đổi chủ nhưng chủ phải như thế nào. Ví dụ: chồng đi xe của vợ, con đi xe của bố và ngược lại… vậy thế nào là xe chính chủ?
Chẳng lẽ bây giờ có quyền dân sự lại không được mượn? Trong nhà mỗi người lại một chiếc xe? Quy định rất chung chung và không rõ.
Hơn nữa, thời điểm thi hành lại gấp, ban hành và áp dụng luôn là không được. Ít ra phải có thời gian thông báo từ 3 - 6 tháng để dân biết còn chuyển đổi sang tên đổi chủ. Bây giờ, cùng một lúc chưa rõ về nội dung nó ảnh hưởng quyền dân sự của người dân.
Thứ nữa nó cũng liên quan đến trật tự quản lý. Người dân đùng một cái áp dụng cũng giống như cỗ xe đang chạy dừng một cái sẽ không dừng được, chỉ có lộn xe.
Nhưng việc này cũng không thể tạo nên tiêu cực được. Anh có lỗi không sang tên đổi chủ thì anh phải chịu phạt. Ai lấy được, tiền phạt thì nộp ngân sách. Còn trên thực tế việc có một số người lợi dụng việc đó phạt không đúng lại là việc khác.
PV: - Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả khảo sát xã hội học mang tính tham khảo cho thấy, một số lĩnh vực được coi là có tham nhũng phổ biến nhất, trong 4 ngành và lĩnh vực được điểm tên thì gồm có CSGT. Vậy thì việc áp dụng xử phạt sẽ như thế nào khi trao quyền cho lực lượng có khả năng và nguy cơ tiêu cực nhiều nhất?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Không ảnh hưởng gì cả bởi thống kê đó chỉ là thống kê xã hội chứ chưa hẳn vậy.
Hơn nữa, đấy cũng là tham nhũng vặt chứ không liên quan đến việc này. Hai cái đó là khác nhau.
PV: - Nhưng thưa ông, đã tham nhũng ở lĩnh vực này thì không có nghĩa là không tham nhũng ở lĩnh vực khác?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Không, họ tốt cả chứ không thế đâu. Một số trường hợp CSGT tiêu cực, người dân bức xúc thì nói vậy chứ việc phạt xe chính chủ không liên quan đến cái đấy.
Không có CSGT thì giao thông cũng rối loạn cho nên đừng nhìn về một phía nó không hay, không có tính xây dựng. Không phải mọi CSGT đều như vậy.
PV: - Vậy theo ông, trao thêm quyền cho lực lượng này thì phải kiểm soát thực hiện quyền lực như thế nào?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Khi mua xe chưa sang tên đổi chủ anh phải kê khai từ xã, phường, tổ dân phố rồi đưa lên, kể cả xe để ở nhà nhưng anh không sang tên đổi chủ thì vẫn phải nộp phạt, chứ không nhất thiết cứ phải CSGT phải xử phạt.
Bởi CSGT không có thẩm quyền xử phạt vi phạm xe không sang tên chính chủ.
Còn khi đi ra đường mà vi phạm luật lệ giao thông tức là vi phạm trật tự quản lý trên đường thì khi đó CSGT mới phạt. Chứ xe để ở nhà nhưng chưa sang tên đổi chủ thì CSGT không phạt được.
Biên bản phạt xe không chính chủ do CSGT Thái Nguyên lập
Phải quy phí sang tên đổi chủ cho người bán
PV: - Nhiều xe máy giá trị thấp, người dân không muốn chuyển đổi sở hữu. Còn với ô tô, mức thuế, phí chuyển nhượng sang tên cao nên nhiều người lách luật bằng viết giấy ủy quyền sử dụng khi mua bán. Chính phủ cũng đã đồng ý việc giảm mức phí nhưng theo ông mức giảm phí bao nhiêu là phù hợp để dân tự nguyện sang tên, đổi chủ?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Theo tôi, đáng ra phải quy ra cho người bán phải chịu phí sang tên đổi chủ thì hiệu quả còn việc quy định người mua mới phức tạp.
Vì nhiều xe có giá trị thấp, lại phải chịu phí sang tên đổi chủ nữa cuối cùng bằng việc mua chiếc xe khác. Nhiều xe bây giờ bán chẳng ai mua.
Vì vậy phải phân hóa, căn cứ vào tình trạng, giá trị của xe mà sang tên đổi chủ còn cứ xử lý đồng đều như vậy thì không hợp lý.
Ví dụ anh quy định mức phí 1% trên mức giá trị thực tại của xe thì được, còn nếu anh tính trên đầu xe máy như thế thì chết dân. Xe cũ và xe mới xử lý đồng đều như vậy là không được.
PV: - Vậy, vấn đề xe không chính chủ ở gia đình ông ra sao?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Nhà tôi có một cái xe chính chủ, nhưng thỉnh thoảng chồng đi, con đi, rồi vợ đi chứ làm gì có nhiều xe máy để đi.
Bất cập như vậy nên theo tôi phải có quy định rõ ràng để không ảnh hưởng đến quyền dân sự, khi ban hành ra phải tính kỹ các quan hệ xã hội mà quy định này điều chỉnh.
Nếu không quy định này chỉ được ổn định về giao thông, trật tự nhưng anh xâm phạm quyền dân sự của người dân. Đồng thời, gây mất trật tự nơi khác như muốn xe chính chủ mỗi người phải một chiếc như vậy lại tăng thêm phương tiện cá nhân, vả lại cũng không ai có đủ kinh tế để mua xe.
Hơn nữa cũng đừng nhầm lẫn lỗi vi phạm khi tham gia giao thông với lỗi chưa sang tên đổi chủ. Không nên đồng nhất đánh giá đăng ký trước bạ trên đầu xe mà phải căn cứ giá trị thực tại của xe tại thời điểm đăng ký sang tên đổi chủ.
PV: - Với tư cách là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, ông có kiến nghị gì để quy định sang tên đổi chủ đi vào thực tế được hiệu quả?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Theo tôi trước mắt phải sửa lại quy định, tạm thời không thực hiện.
Phải làm rõ thế nào là xe chính chủ? Phí đăng ký trước bạ phải căn cứ hợp lý để không ảnh hưởng đến các mối quan hệ như tôi vừa nói, phải nằm trong tổng thể các quan hệ.
- Xin cảm ơn ông!
Khải Nguyên (Thực hiện)
Nguồn : Phunutoday