Trong thời gian làm việc cùng Super Junior, tôi đã thấy hàng trăm, hàng ngàn cô gái trẻ gào khóc, chạy theo các anh chàng Hàn Quốc…
Cha chết để con gặp thần tượng
Năm 2007, có một sự kiện từng gây sốc cho giới truyền thông cũng như showbiz Trung Quốc và Châu Á - khi người cha tự vẫn để con có cơ hội gặp gỡ thần tượng của mình.
Cô gái Dương Lệ Quyên 28 tuổi (đã qua tuổi teen từ rất lâu) muốn gặp gỡ, trò chuyện, xin chữ ký của diễn viên điện ảnh Lưu Đức Hoa). Để giúp con, cha cô gái đã bán sạch nhà cửa, vay tiền nặng lãi, ngủ vạ vật ở các cửa tiệm ăn nhanh, dưới chân các khách sạn, lang thang từ đại lục sang Hong Kong.
Dương Lệ Quyên và thần tượng Lưu Đức Hoa
Chưa thỏa mãn sau chỉ một cuộc gặp và chụp ảnh lưu niệm, cô gái còn muốn được nói chuyện riêng với thần tượng. Người cha đã cạn sạch tiền, tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, tiền tiết kiệm. Chẳng biết làm sao để giúp con, ông chỉ còn cách đe dọa nếu Lưu Đức Hoa không dành thêm thời gian cho con gái rượu của ông thì ông sẽ tự tìm tới cái chết. Người cha để lại di ngôn dài ba trang A4 rồi nhảy xuống sông tự vẫn.
Rao bán mình lấy vé xem Super Junior
Những người yêu nhạc hẳn còn nhớ sự kiện ban nhạc nam Hàn Quốc Super Junior tới Việt Nam tháng 3/2010. Sự xuất hiện của Super Junior chính là thước đo cho sức ảnh hưởng của âm nhạc và thần tượng tới người nghe - đặc biệt là người nghe trẻ tuổi.
Trong thời gian làm việc cùng Super Junior và ngồi trên đoàn xe cùng nhóm hát, tôi đã chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn em học sinh nữ bám đuổi, gào khóc và chạy theo các anh chàng Hàn Quốc hát hay nhảy đẹp, có khuôn mặt mịn màng.
Sự hâm mộ cao độ của teen dành cho thần tượng.
Sự kiện đêm nhạc MTV EXIT không chỉ gói gọn trong những cơn “cuồng thần tượng” được đo đếm bởi thái độ
khó chịu xen lẫn thích thú của các quản lý nhóm hát với fan Việt (khó chịu vì những hành động quá khích, thích thú khi thấy hàng nghìn fan chào đón những chàng trai của họ), mà còn nhiều hệ lụy khác xôn xao cư dân mạng.
Biết tin Super Junior sẽ đến Việt Nam, trong cơn khát vé, một cô bé sinh năm 1993 đã viết: “Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior, em yêu Super Junior nên nếu như anh muốn em qua đêm với anh để nhường cho em một chiếc vé, em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em…”
Nhiều fan Việt quỳ xuống để xin lỗi các thành viên trong nhóm nhạc Super Junior vì không thể “bảo vệ” họ khỏi đám đông vây kín tại sân bay Nội Bài (?!)
Một fan khác tâm sự: “Nếu có 1 ngày thế giới phản bội Super Junior, ELF (Ever Lasting Friends = Tình bạn vĩnh cửu, tên gọi fan club chính thức của Super Junior) cũng sẽ phản bội cả thế giới. Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu ko cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng đã biết điều và để mình đi…”
Người lớn không thể hiểu nổi tình cảnh khóc lóc thảm thiết vì thần tượng của teen
Hệ lụy của những hâm mộ non nớt thường kéo dài rất lâu và nhiều khi để lại dấu ấn bi thảm trong cuộc sống. Các bạn trẻ chưa hiểu rằng không ai trân quý bạn bằng chính bản thân bạn và những người đang trực tiếp yêu thương, nuôi dưỡng bạn trưởng thành.
Sở thích thì ai cũng có cả. Khi bạn nghe một bản nhạc, ca khúc, bạn thích bài hát hay ca sĩ ấy thì đó là sở thích cá nhân, không ai lên án. Nhưng khi bạn tôn thần tượng của mình thành các bậc thần thánh đặt thần tượng trên tất cả: bản thân mình, lòng tự trọng, tự tôn của mình, cha mẹ mình, cuộc đời mình, thì liệu đó có phải là sự lệch lạc phông văn hóa và nền tảng đạo đức?