Suốt một tháng liền tớ đã khổ sở và loay hoay mãi mà không biết làm thế nào với cái vết đỏ đáng ghét ở “vùng kín" đấy!!!
Cách tự chữa bệnh tai hại
Tớ vốn là đứa sạch sẽ và cẩn thận nên giữ gìn vệ sinh rất tử tế, nhất là vùng “cô bé”. Đọc sách báo nhiều, tớ cũng biết không nên “lạm dụng” các loại dung dịch vệ sinh làm sạch nên tớ thường chỉ chăm sóc cho “em í” bằng nước ấm thui.
Nhưng hôm đó dì tớ ở miền Nam gửi quà ra cho cả nhà, trong đó phần của tớ là 1 chai nước hoa, 1 thỏi son và 1 lọ nước phụ khoa trông rất “xịn”. Lọ dung dịch vệ sinh này nhìn “iu” quá nên tớ mang ra dùng thử, mùi lại thơm thơm nhẹ nhàng nữa khiến tớ càng khoái. Thế là từ đó “hắn” được tớ “sủng ái”, cứ cách ngày lại mang ra “xài” một lần (tớ cũng không dám dùng nhiều quá, sợ viêm nhiễm “vùng kín” như trên báo nói mừ).
Được một thời gian khá dài, bỗng nhiên tớ phát hiện thấy ở “cô bé” của mình xuất hiện một vết đo đỏ trên da. Ban đầu tớ cũng không để ý lắm vì nó giống như một vết ngứa do gãi thông thường thui, nhưng cả tuần liền vẫn không thấy nó hết nên tớ bắt đầu lo lo. Mấy hôm sau, mảng da đỏ “đáng ghét” í bắt đầu nổi những hạt mụn nước li ti khiến tớ “lo sốt vó”. Nghĩ rằng có thể do mình giữ vệ sinh không sạch sẽ nên tớ lại càng “chăm chút” cho “cô bé” hơn, tớ còn stop hẳn không dùng lọ nước phụ khoa yêu thích kia nữa. Nhưng tình hình không hề được cải thiện tí teo nào, thậm chí những hạt mụn nước ở đó còn dần dần bị vỡ ra và đóng vảy, rồi những đám mụn nước khác lại “xuất đầu lộ diện” cũng ngay trên mảng da đỏ đỏ đó. Sợ quá, tớ nghĩ mãi mà không biết làm cách nào (nói với mẹ thì không dám rùi vì mẹ tớ vốn “dị ứng” với các loại mỹ phẩm lắm, mẹ tớ còn chả bao giờ dùng son môi cơ). “Vắt óc” mãi, cuối cùng tớ cũng nghĩ ra “diệu kế”!!!
Tớ lên phòng mẹ, lấy gạc, bông băng, một lọ nước muối pha sẵn về phòng và bắt đầu “hành sự”. Nén đau hết sức, tớ… lấy tay nặn hết nước trong đám mụn ở mảng da màu đỏ đỏ của “cô bé” ra. Trời ơi là đau! Đau hơn là tớ tưởng rất nhiều (tớ cứ nghĩ chỉ đau hơn nặn mụn trứng cá trên mặt tí thui, ai dè…). “Can đảm” nặn được gần hết chỗ mụn đó thì tớ “chào thua” vì quá đau, đành phải dừng lại. Lấy bông làm sạch xong tớ dùng nước muối rửa kĩ càng rồi… dùng gạc băng kín lại. Khoảng 2 lần như thế thì “đại họa” xảy ra! Tớ nhận ra vết đo đỏ ở “cô bé” hình như lan rộng hơn, những mụn nước không hề mất đi, và kinh khủng nhất là “vùng kín” của tớ bị sưng tấy, ngứa ngáy và đau nữa. Đến nước này, tớ đành “thú tội” với mẹ. Mẹ lập tức đưa tớ đến bệnh viện (nhưng vẫn “kịp” cho tớ một bài “sấm sét”… như mọi khi!).
Và hậu quả tai hại
Cô bác sĩ sau khi khám cho tớ và nghe tớ “tường thuật” lại “diệu kế” chữa bệnh thì tròn mắt nhìn tớ: “Trời đất, sao cháu liều lĩnh vậy? Biết mình bị bệnh gì đâu mà tự chữa? Có biết làm như thế bệnh càng nặng hơn không? Lỡ mà bị nhiễm trùng thì sao?!”.
Mẹ tớ vừa liếc tớ một cái “cắt da” vừa thanh minh: “Cháu nhà em lớn rồi nhưng tồ tẹt lắm chị ạ. Đã thế em dặn bao nhiêu lần là có gì phải nói cho mẹ biết ngay, thế mà nó có thèm nói đâu. Chị khám giúp xem cháu nó bị thế nào?”. Tớ lúc ấy cũng sợ run người (vì nghe nói đến hai từ “nhiễm trùng” mừ) lắp bắp: “Vâng, bác khám cho cháu với ạ! Cháu không nghĩ là lại có thể nhiễm trùng. Cháu chỉ nghĩ nó viêm do… bẩn nên cố gắng làm sạch nó thôi”.
Cô bác sĩ lắc đầu: “Cháu dại quá! Cháu bị bệnh chàm âm hộ, bệnh này chỉ có thể chữa dứt điểm nếu dùng đúng thuốc, đúng liều. Tự chữa phản khoa học như cháu thì chỉ làm bệnh nặng thêm thôi, để lâu có thể dẫn đến viêm nhiễm “vùng kín”, mà đã bị viêm nhiễm rồi thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bộ phận sinh dục lắm đấy”.
“Cô ơi, sao cháu lại bị chàm ạ? Cháu tưởng chàm là bẩm sinh, phải bị từ bé chứ ạ? Cái vết này của cháu mới xuất hiện được có 1 tháng thôi”. – Tớ ngơ ngác hỏi.
“Chàm không nhất thiết là bệnh bẩm sinh như cháu nghĩ. Thực chất đây là một bệnh da dị ứng, xuất hiện do phản ứng viêm của biểu bì ở những người có cơ địa nhạy cảm. Cháu không có vết chàm ở vùng da nào khác trên người thì có thể một vài tác nhân nào đó đã gây ra chàm, ví dụ như băng vệ sinh, dung dịch phụ khoa,…”.
Tớ len lén nhìn mẹ: “Vâng, gần đây cháu bắt đầu dùng dung dịch vệ sinh, nhưng chỉ vài ngày một lần thôi bác ạ”.
“Nếu cơ địa cháu đã không hợp thì một hay vài lần đều có thể bị phản ứng. Rất may là cháu không bị viêm nhiễm “vùng kín” vì bệnh này để lâu ngày không chữa có thể dẫn đến viêm nhiễm”.
Mẹ tớ chen vào: “Thế chữa bằng cách nào hả chị? Có bị đặt thuốc vào bên trong không ạ? Em sợ ảnh hưởng đến màng trinh của cháu…”
“Không cần đặt thuốc, chỉ dùng thuốc uống và bôi để điều trị như các dạng chàm khác. Có điều vì đây là chàm “vùng nhạy cảm”, da non nên phải lựa chọn thuốc thận trọng hơn. Không ảnh hưởng gì đến màng trinh của cháu hết, chị đừng lo”.
Nghe thấy thế, cả hai mẹ con tớ cùng thở phào. Còn một điều thắc mắc trong lòng, tớ ấp úng hỏi nốt: “Liệu cháu có bị chàm ở tít trong “vùng kín” không ạ? Cháu sợ… nó lan vào tận trong”.
Tớ vừa dứt lời cô bác sĩ đã cười ầm lên: “Không có chuyện đấy đâu cháu ạ. Bệnh chàm cho cho biểu hiện trên hầu hết ở các vùng da của cơ thể, thường mang tính chất đối xứng, hay gặp ở tứ chi, thân mình, mặt. Các vùng bán niêm mạc như môi, âm hộ, bìu cũng có thể bị chàm. Còn những vùng niêm mạc như miệng, âm đạo thì không bao giờ bị chàm đâu. Cháu yên tâm nhé!”.
Sau lần đó, tớ phải bôi thuốc một thời gian thì cái vết đo đỏ kia mới biến mất. Tớ stop luôn việc dùng nước rửa phụ khoa, riêng lọ dung dịch vệ sinh kia tớ giữ lại (để làm kỷ niệm cho 1 lần “tự làm bác sĩ” thật “ngốc xít” mừ!).