Voi Koshik trong vườn thú Everland, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Bà Angela Stoeger-Horwath, chuyên gia về ngôn ngữ sinh học của Đại học Vienna tại Áo, cùng các đồng nghiệp đang nghiên cứu khả năng nói của Koshik. Bà cho rằng Koshik đã tập luyện để có thể phát ra âm thanh,Livescience đưa tin.
"Có công mài sắt, có ngày nên kim. Khao khát bắt chước tiếng của những người mà Koshik tiếp xúc hàng ngày đã thôi thúc nó nghĩ ra một cách hoàn toàn mới để tạo ra âm thanh", Stoeger-Horwath phát biểu.
Khi các nhà khoa học phân tích những âm thanh của Koshik, họ nhận thấy chúng hoàn toàn khác những âm thanh thông thường của loài voi. Koshik đã bắt chước chính xác âm sắc, cao độ và các yếu tố khác của tiếng người.
"Đây là thành tựu rất đáng nể, bởi kích thước cơ thể và các bộ phận phát âm của voi đều to hơn người rất nhiều", Stoeger-Horwath bình luận.
Stoeger-Horwath nói thêm rằng Koshik chỉ tiếp xúc với người trong một giai đoạn mà tâm lý và trí tuệ của nó đều phát triển mạnh. Có lẽ đây là yếu tố mang tính quyết định đối với nỗ lực "học" tiếng Triều Tiên của nó.
"Chúng tôi nhận định Koshik bắt đầu học cách bắt chước tiếng người để tăng mức độ gắn bó với những nhân viên vườn thú. Những loài động vật có khả năng bắt chước âm thanh đều thực hiện hành vi tương tự", bà cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng kỹ năng bắt chước tiếng Triều Tiên của Koshik có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn khả năng học những âm thanh phức tạp của động vật. Khả năng đó rất quan trọng đối với quá trình tiến hóa của giọng nói người và âm nhạc. Những nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp họ khám phá cách thức giao tiếp bằng âm thanh của voi.