[size=4]Để đến với trung tâm xã Lũng Vân, chúng tôi phải vượt qua những con dốc, ngọn đèo cao chót vót. Có những góc cua gấp khúc, đứng ở phía dưới có thể ngước lên nhìn thấy con đường ngoằn nghèo phía trên. Tiếp chúng tôi tại trụ sở của UBND xã, ông Đinh Thanh Dững, chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Lũng Vân cho biết: "Trước đây, nếu đi từ trung tâm huyện Tân Lạc lên đến bản, phải mất ngày đường mới đến nơi, phần vì đi bộ, phần vì đường sá đi lại chủ yếu trèo đèo, lội suối. Nhưng giờ thì khác rồi, dân bản được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, xe ô tô đã vào tận bản. Người dân đã trao đổi hàng hóa, giao lưu được với bên ngoài nên cái đói đã gần như bị triệt tiêu".[/size]
[size=4][/size]
[size=4]Một góc bản Mường Chậm[/size]
[size=4]Ông Dững cũng cho hay, Lũng Vân là một trong những địa phương nghèo nhất nhì của huyện. Nhưng người dân nơi đây tự hào về số lượng những người cao tuổi nhiều nhất nhì không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn của cả nước. "Riêng số người trong độ tuổi thất thập cổ lai hy thì không đếm xuể, nhiều lắm. Còn những người từ 80 - 90 tuổi có cả trăm người và hàng chục cụ tuổi từ 90 đến trên 100. Hằng năm, mỗi dịp đầu xuân năm mới, địa phương lại tổ chức thượng thọ cho các cụ cao niên trong xã".[/size]
[size=4]Nhiều người đến Lũng Vân thấy cuộc sống nơi đây còn khó khăn, nhưng nhiều cặp vợ chồng lại sống với nhau "bách niên giai lão" thì hết sức ngạc nhiên. Nếu so với mực nước biển thì Lũng Vân có độ cao gần nghìn mét. Đây là thung lũng cao nhất trong khu vực. Khí hậu nơi đây chia làm hai mùa rõ rệt: mùa đông và mùa hè. Ông Dững chỉ về phía sườn đồi rồi bảo, ở ngoài đó nếu nhìn nắng nóng thế đấy, nhưng nếu đo nhiệt độ chỉ có khoảng 22 độ C, rất mát mẻ. Nhiệt độ vào mùa này nó cứ thế, tối đến có hôm phải đắp chăn bông ấy. Nhưng vào mùa đông thì rất lạnh. Ông Dững từng chứng kiến cảnh băng tuyết ở các thôn bản của mình, đó là một buổi sáng sớm khi ông thức dậy thì băng tuyết đã rơi ngập các mái nhà, các vũng nước bên con suối đều bị đóng băng. Rét làm cho những con trâu ở đây cũng không chịu được mà ngã xuống, ấy vậy mà những người già nơi đây thì vẫn bình chân như vại.[/size]
[size=4]Ăn củ mài, rau rừng…[/size]
[size=4]Chúng tôi đã được ông chủ tịch Hội Người Cao tuổi dẫn đến thăm và tận mắt chứng kiến cuộc sống của "những người không chịu về trời" ở đây. Cụ Bùi Thị Ón (xóm Chiềng, Lũng Vân) năm nay đã gần 100 tuổi. Nếu không được giới thiệu trước có lẽ chúng tôi không dám nghĩ cụ đã sống qua ngần ấy cái Tết. Cụ Ón đon đả mời khách vào nhà, cụ nói tiếng Kinh còn lơ lớ: "Mời các chú vào xơi nước. Mấy cái con, cái cháu đi gặt cái lúa hết rồi. Già ở nhà lấy ít giống lúa trong cối, phơi cho kịp nắng để cho chúng nó chuẩn bị đưa giống lúa xuống đồng".[/size]
[size=4][/size]
[size=4]Cụ Ón bên con cháu[/size]
[size=4]Cụ Ón sinh hạ được 7 người con, 2 trai, 5 gái. Con trai đầu của cụ cũng đã gần 80 tuổi. Cháu của cụ cả nội cả ngoại cũng vài chục đứa. Còn chắt thì cụ không nhớ hết. Tính ra năm nay cụ Ón đã có chít rồi. Dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ Ón mỗi ngày vẫn ăn đều 3 bữa. Cụ ăn đầy đủ chất từ rau, quả, thịt. Nhưng cụ thích ăn rau nhất. Đó là cái thứ rau rừng cụ đã ăn gần trăm năm nay.[/size]
[size=4]Chúng tôi được gặp vợ chồng cụ Bùi Văn Kỉnh (gần 90 tuổi) và cụ Hà Thị Phiền (80 tuổi). Lúc gặp chúng tôi, ông bà Kỉnh đang chuẩn bị nấu cám cho lợn ăn buổi tối.[/size]
[size=4][/size]
[size=4]Tác giả bên cụ Kỉnh gần 90 tuổi[/size]
[size=4]Cụ Kỉnh trước đây từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau cách mạng, cụ làm mấy khóa bên Hội đồng nhân dân xã. Cụ Kỉnh bảo, cuộc sống xưa kia ở đây vất vả lắm, nhiều gia đình từ đời bố, sang đời con làm thuê cho bọn chủ đất. Thi thoảng bọn chúng bố thí cho nắm gạo cám, ngô mọt để ăn. Không ruộng đất, trâu bò để sinh sống. Đời sống của người dân cơ cực lắm. "Nhưng con người nơi đây đã hòa vào thiên nhiên. Nhờ ăn rau, quả, và những thứ có sẵn trong rừng nên ai nấy đều được khoẻ mạnh, trường tồn như những ngọn núi, con suối nơi đây".[/size]
[size=4]Uống nước cây rừng[/size]
[size=4]Tôi thắc mắc với ông Dững rằng, vào nhà dân bản đều thấy có uống thứ nước có màu mận chín, vị hơi chát, nhưng chép miệng thì ngọt và cảm giác rất mát dịu, không biết đó là thứ nước gì? Ông Dững bảo, đó là nước thuốc được nấu từ lá và rễ cây rừng. Các vị thuốc này được người dân lấy từ trong rừng về đun lên, cứ để trong góc nhà sàn uống dần trong ngày. Uống như uống nước trà của người dưới xuôi. Người dân Lũng Vân uống những loại nước cây rừng này như một loại nước để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa hè uống nước này, người uống có cảm giác rất mát, mùa đông lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt.[/size]
[size=4][/size]
[size=4]80 tuổi nhưng bà cụ Kỉnh vẫn nấu cám nuôi lợn hằng ngày[/size]
[size=4]Chia tay Lũng Vân, trở về phố thị, ấn tượng nhất trong tôi là hình ảnh những cụ già đã móm mém, luôn nở nụ cười tươi bên con cháu của mình. Họ sinh ra và lớn lên giữa thiên nhiên hoang dại, từ nếp ăn ở của họ cũng hồn nhiên như những đóa hoa rừng. Cuộc sống của họ cứ chậm rãi, trôi đi như thế. Ở đó không có sự đố kỵ, thù hằn với nhau. Có lẽ đó cũng là điều khác biệt so với những nơi khác. Những người giàu sang đều mơ ước có một cuộc sống trường thọ, họ đã phải bỏ số tiền lớn để mua những cao lương mỹ vị để ăn, mong sao tăng tuổi thọ. "Những người không chịu về chầu trời "phải chăng vẫn là mơ ước của nhiều người giàu sang mà chẳng dễ gì có được…[/size]
[size=4]Khi chúng tôi hỏi cụ bí quyết để cụ có sức khoẻ như hiện nay, cụ Ón nhoẻn miệng cười: "Ngày trước đói lắm, không có gì mà ăn. Mọi người rủ nhau vào trong rừng tìm cây lá ráy, rau rừng, măng tre để ăn. Có lúc ốm đau, cho con nhái vào trong ông nứa, thái củ măng cho vào trong đó, nấu lên để ăn. Đấy vừa là vị thuốc chữa bệnh vừa là món ăn tăng cường sức khoẻ. Còn khi vào mùa đông, rét mướt làm những con trâu nơi đây ngã gục, người dân làm thịt và phơi khô lên bỏ vào gác bếp để ăn dần".[/size]