[justify]
Người dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đang xôn xao về trường hợp chị Nguyễn Thị L., 37 tuổi, nông dân xã Vĩnh Tân, đến bệnh viện sinh nhưng bác sĩ chẩn đoán chị không hề mang thai. Chị L. to bụng sau khi chữa vô sinh bằng "phương pháp huyền bí" với một thầy lang ở Đồng Nai nên nghĩ là có bầu. Sau 9 tháng, thấy đau bụng, nghĩ là dấu hiệu chuyển dạ, chị đến Bệnh viện Đa Khoa Quảng Trị để vượt cạn và nhận được kết luận gây sốc kể trên.
Theo tìm hiểu của Đất Việt, ở Quảng Trị có nhiều phụ nữ khác "mang bầu" kiểu chị L.
Có thai 14 tháng không đẻ
Chị O., giáo viên một trường tiểu học tại thành phố Đông Hà, lấy chồng 7 năm nhưng không có con. Một hôm, người bạn mách có ông thầy lang ở Tây Nguyên biết “làm phép”, cho uống một thứ thuốc từ rễ cây là có thể giúp phụ nữ mang bầu. Theo yêu cầu qua điện thoại của người bạn đó, thầy lang đã gửi thuốc ra cho chị O. kèm theo chỉ dẫn “sau khi có thai không được siêu âm và không được kể chuyện này với người khác, nếu không sẽ có thể hư thai hoặc nguy hại đến bản thân”.[/justify]
[justify]
[/justify][justify]Thông thường, quá trình mang thai ở người chỉ kéo dài hơn 9 tháng.
[/justify][justify]Sau gần hai tháng uống thuốc của thầy lang theo kiểu nấu uống như nước chè, chị O. bị tắt kinh và bụng bắt đầu to lên. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 14 tháng nhưng vẫn chưa trở dạ. Theo quan sát của phóng viên Đất Việt, chị O. có vẻ ngoài giống như mọi phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh khác, với cái bụng lớn và dáng đi nặng nề. Chị cho biết do tin thầy nên không để ý địa chỉ của thầy, mà chỉ thông qua người bạn để lấy thuốc uống và tuân thủ các chỉ dẫn. Mỗi lần thầy gửi ra khoảng 5 gói nhỏ, với giá 3 - 5 triệu đồng và để có thai, chị mất khoảng trên 10 triệu đồng.
Một trường hợp khác là chị C. ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, được bạn từ Tây Nguyên gửi thuốc thầy lang cho uống và đã "có bầu" 5 tháng nay. Chị U. ở đường Hàm Nghi, thành phố Đông Hà, cũng "mang bầu" hơn một năm vẫn chưa sinh được. Chị cho biết lúc đầu vui sướng lắm, nhưng sau thấy mãi không sinh thì đứng ngồi không yên.
Các "thai phụ" đều từ chối đi khám
Lo lắng, sợ hãi là tâm trạng chung của những "bà bầu" trên. Mặc dù biết sự thai nghén của mình là không bình thường nhưng vì sợ những hậu quả mà thầy lang đe dọa có thể xảy ra nếu không tuân theo hướng dẫn nên họ cứ "đố đấm ăn xôi", tiếp tục chờ đợi. Ngay cả khi vụ chị L. đi đẻ mới biết không có thai gây xôn xao dư luận, cả chị O, chị C. và chị U. vẫn không đi khám.
Lãnh đạo cơ quan nơi chị O. công tác xác nhận, họ thấy chị O. có bầu đã lâu mà chưa thể sinh nên đã hỏi thăm và khuyên đến bác sĩ, nhưng chị nói: “Em lỡ dại, giờ chẳng biết nói gì hơn”. Người phụ nữ "mang bầu" 14 tháng này cho phóng viên Đất Việt biết chị sẽ tiếp tục chờ đợi ngày đứa bé ra đời.
Tương tự, chị C. tâm sự: “Vẫn biết đây là một phương pháp lạ, không hợp với quy luật, nhưng do muốn có con nên đã liều tìm thầy, hy vọng mình sẽ được làm mẹ. Giờ thì phó mặc cho trời, đâm lao phải theo lao thôi”.
Còn chị U. thì nói tuy không biết thực hư về khả năng chữa bệnh bằng phép lạ của ông lang thế nào, nhưng nếu đi khám, làm trái lời thầy mà gặp họa thì càng sợ hơn nên đành chờ vậy.
Về vụ việc khó hiểu này, tiến sĩ Trần Kim Phụng. Phó giám đốc Sở y tế Quảng Trị, cho biết, các trường hợp "mang thai theo kiểu lạ” này cần được đưa đến trung tâm y tế làm các xét nghiệm, siêu âm để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháo xử lý, nếu không rất có thể ảnh hưởng đến mạng sống.[/justify]