[size=4]Yum, yum, kẹo chewing gum![/size]
Suốt hai năm trời, Thomas Adams cố chế tạo một chất liệu mới thay thế cho cao su. Một ngày kia, ông cho một miếng lên miệng nếm thử và… sửng sốt vô cùng!
Nếu bạn là một người Mỹ, trung bình mỗi năm bạn sẽ nhai khoảng 300 thanh kẹo cao su. Nhưng dân Mỹ ngày xưa không được may mắn đến thế đâu! Như chúng ta biết, kẹo cao su mới được phổ biến cách đây một trăm năm - mặc dù trước đó người ta không phải là không có thứ gì để nhai cho đỡ buồn!
Đã hàng trăm năm nay, người dân da đỏ ở miền Trung nước Mỹ thường nhai một loại "cao su" gọi là chicle. Thứ "cao su" ấy giống như sáp mủ của cây hồng xiêm vậy. Người da đỏ bẻ từng miếng và ngậm cho hàm khỏi bị tê cứng khi đi đường xa.
Thổ dân Wampanoog ở vùng Bắc Mỹ lại hay nhai một thứ nhựa cây vân nam. Họ đã trao đổi những "viên kẹo" này cho những người Âu đi xâm chiếm thuộc địa vào đầu thế kỷ 17. Kẹo nhựa cây vân nam rất cứng và có mùi hăng hắc, chẳng hiểu ngày xưa, người ta thích thú nó vì lẽ gì?
Loại kẹo nhựa cây này được John Curtis, người vùng Maine, đem đi bán khắp nơi năm 1848, ông ta đã tự hào gọi nó là "Kẹo gôm vân sam tinh khiết xứ Maine" và quả thật hương vị của nó cũng khá hơn so với miếng nhựa cây ngày trước. Một số nhà sản xuất khác cũng bắt đầu chế tạo kẹo cao su từ chất parafin và đặt cho chúng những cái tên rất kêu như "Cam thảo Lulu" và "Kẹo kem đường". Đôi khi những lời quảng cáo cho các sản phẩm này xem chừng quá đáng. Ví dụ như người ta bảo rằng có một loại kẹo nhai có khả năng chữa bệnh đường tiêu hóa và bệnh say sóng!
Đến năm 1870, Thomas Adams tấn công vào bí mật mà dân da đỏ miền Trung Hoa Kỳ đã biết từ lâu: chicle. Trong 2 năm ròng, ông thí nghiệm đủ kiểu với loại chicle Mexico và tìm cách chế tạo ra một chất liệu mới thay thế cho cao su từ chicle. Nhưng mãi ông vẫn không thu được kết quả. Một ngày kia, vì quá thất vọng và mệt mỏi, Adams đã đãng trí quệt một mẩu chicle đưa vào miệng. Và khi nhai thử, mắt ông chợt sáng lên. Ngon quá! Từ giây phút đó, kẹo cao su có một tương lai xán lạn.
Lúc đầu, Adams gặp rất nhiều khó khăn khi chào hàng sản phẩm mới của mình. Một vài chủ tiệm bánh kẹo mua hàng cho ông nhưng khách hàng của họ chẳng bao giờ đếm xỉa đến. Trong cơn tuyệt vọng, Adams bèn bảo những người chủ tiệm hãy tặng loại kẹo cao su của ông cho khách hàng nào vào mua bất cứ thứ gì trong cửa tiệm. Không ngờ đây là một cách quảng cáo tuyệt vời cho sản phẩm của Adams. Nhưng chỉ khi ông cho đường và hương liệu vào kẹo nhai chewing gum, công việc kinh doanh của ông mới thực sự phát đạt. Ít lâu sau, ông đã có thể trộn được cả nửa tá các loại hương vị trái cây vào thanh chewing gum trong đó có hương bạc hà, hương quế…
Một tên tuổi lớn khác trong việc chế tạo chewing gum là William Wrigley. Wrigley bước vào nghề buôn bán các loại bột làm bánh ở tuổi 30. Là một người khôn khéo, ông bán kèm một túi chewing gum cho mỗi thùng bột. Chẳng mấy chốc khách hàng của Wrigley chỉ đòi mua chewing gum chứ không phải mua bột làm bánh. Wrigley hiểu ngay và lập tức chuyển sang làm kẹo chewing gum. Ngày nay, cả loại kẹo của Adams lẫn của Wrigley đều được bán khắp thế giới.
Năm 1933, một loại kẹo nhai mới xuất hiện: kẹo chewing gum thổi được. Bạn chắc phải ngạc nhiên khi biết rằng suốt 15 năm đầu kể từ khi có mặt trên thị trường, loại kẹo này chẳng được tiêu thụ bao nhiêu. Đến năm 1947, công ty Topps Chewing Gum tung ra thị trường loại kẹo thổi "Bazooka". Thanh kẹo này có tên là "Bazooka" bởi vì, dù chỉ nặng cỡ một đồng xu, nhưng thanh kẹo lại có hình dạng tương tự như loại súng bazooka dùng trong Đệ nhị Thế chiến. Loại chewing gum "Bazooka" bắt đầu được bán rất chạy đến tận ngày nay. Đến năm 1953, công ty Topps cho bỏ vào mỗi thanh kẹo một tấm hình "Bazooka Joe" ngộ nghĩnh. Ngày nay, công ty có hơn 700 mẫu hình khác nhau. Những hình vẽ này được lặp lại sau chu kỳ 7 năm, vì thế chúng trở nên mới mẻ đối với từng độ tuổi của dân ghiền nhai chewing gum.
Các loại kẹo nhai không đường xuất hiện lần đầu vào năm 1940 và ngày nay chiếm 10% số lượng kẹo nhai bán ra. Đối với những ai đang muốn sụt cân, loại kẹo nhai không đường này chẳng phải là giải pháp thích hợp. Tuy rằng, mỗi mẫu chewing gum không đường chỉ chứa từ 6 đến 7 calory - nhưng loại chewing gum thường cũng chứa có 8 calory mà thôi!
Hàng loạt loại chewing gum mới liên tục ra đời. Bây giờ là loại chewing gum mà khi nhai, sẽ "trào" ra từ nhân của nó một loại nước đường. Rồi sẽ đến loại nào nữa? … Các nhà sản xuất đang tìm cách chế tạo một loại chewing gum có thể thổi được và bong bóng của nó có thể phát sáng trong bóng tối! Đó mới thực sự là thứ để chúng ta nhai đỡ buồn!