Công an thị xã Kỳ Anh cho biết rạng sáng 5/2 (mùng 1 Tết), nhà chức trách mật phục, thành lập nhiều tổ tuần tra lưu động, bắt 50 người đưa về trụ sở lập biên bản, xử lý về hành vi đốt pháo.
"Tình hình nổ pháo trước, trong và sau thời điểm giao thừa trên địa bàn năm nay giảm hẳn so với năm ngoái, không xảy ra nổ mìn và tai nạn thương tích do pháo, tuy nhiên vẫn còn nhiều người vi phạm", lãnh đạo công an thị xã Kỳ Anh nói.
Tại huyện Nghi Xuân, hàng chục cảnh sát đồng loạt tới 19 xã, thị trấn trên địa bàn, bắt quả tang 45 người đốt pháo sau giao thừa.
Nhóm người đốt pháo trái phép rạng sáng 5/2 được đưa về trụ sở Công an thị xã Kỳ Anh để chờ xử lý. Ảnh: BHT |
Theo nhà chức trách, việc mật phục bắt người nổ pháo rất khó vì họ ném pháo sau đó rời đi; công an phải trực nhiều giờ và huy động nhiều lực lượng. Những người bị bắt đã được thả về, sau Tết sẽ phải nộp phạt hành chính.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở huyện Hương Sơn. Đây là địa bàn giáp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nên pháo được đưa qua biên giới khiến cơ quan chức năng khó phát hiện.
"Sau giao thừa, công an phát hiện 54 vụ đốt pháo, 38 người sẽ bị xử lý vì có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ", một cán bộ công an cho hay.
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Thủ tướng ra chỉ thị từ 1/1/1995, nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài bị tịch thu tang vật còn bị phạt tiền.