Theo khoản 1, điều 2 Nghị quyết 24 của Quốc hội khóa 13, kể từ ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính được công bố (2/7/2012): "Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật".
Trao đổi với VnExpress, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho hay, theo Nghị quyết này, từ ngày 2/7 đã dừng làm hồ sơ đưa người vào trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và thả ngay những người đang ở các trung tâm này. Trên thực tế, một số tỉnh như TP HCM bắt đầu thả. Và ở Hà Nội, khoảng 200 người bán dâm đang cải tạo, chữa bệnh, học nghề tại Trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội) chuẩn bị được về.
"Theo quy định thì phải thả hết những người này. Tuy nhiên, khi thả cần phải làm thủ tục, báo cáo xin ý kiến UBND địa phương vì có những người nhiễm HIV giai đoạn cuối, những người nghiện ma túy hay không nơi nương tựa thì vẫn phải giúp đỡ họ. Đó là chưa kể những người tình nguyện ở lại trung tâm", ông Hiền nói.
Nữ nhân viên quán tẩm quất thư giãn trên phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn |
"Quy định mới của luật là để tạo điều kiện triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với nhóm người bán dâm; đồng thời giúp họ có điều kiện được tiếp cận dễ dàng và tự nguyện các chế độ, chính sách và dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, đào tạo nghề… để họ có cơ hội việc làm ổn định cuộc sống và trở về hòa nhập với xã hội", ông Hiền nói.
Bên cạnh đó, biện pháp quan trọng là xử phạt nặng và tăng cường truy quét những người môi giới, tổ chức bán dâm. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý hành chính các cơ cở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" không tuân thủ các điều kiện phòng ốc, tiếp viên… để tránh trở thành tụ điểm mại dâm.
Ông Lê Đức Hiền cũng chia sẻ, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã giao các ngành chức năng nghiên cứu những mô hình về hoạt động mại dâm trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam, trong đó có nghiên cứu về quy định coi hoạt động này là một nghề hợp pháp. Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò mới đây của Cục, tới hơn 80% ý kiến đồng ý với việc cần phòng chống mại dâm như hiện nay, đồng thời tăng cường nâng cao hiệu quả hơn nữa.
"Theo tôi thời điểm hiện nay chưa thể nghĩ đến chuyện hợp pháp hóa hoạt động này. Điều đó không có lợi là trái với mong muốn của đại bộ phận người dân", ông Hiền nói.
Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện có 860 người bán dâm đang được chữa trị, giáo dục tại các trung tâm và gần 600 người ở cộng đồng. Trong khi đó, tổng số người bán dâm trên cả nước vào khoảng 30.000 người nhưng số có hồ sơ quản lý chưa tới một nửa. Tình hình tệ nạn mại dâm được đánh giá vẫn diễn biến phức tạp, ở hầu hết các tỉnh, thành, nhưng tập trung đông nhất vẫn là ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Vũng Tàu…
Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, tập trung ở cả các tụ điểm mại dâm công cộng và trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hoạt động mại dâm có tổ chức với quy mô lớn, thu nhập cao ngày càng gia tăng, đặc biệt là liên quan đến người mẫu, diễn viên, hoa hậu thông qua môi giới điều hành, sử dụng Internet, phương tiện liên lạc để tiếp thị, mại dâm theo tour du lịch. Độ tuổi của người bán dâm trẻ hóa, có sự tham gia của cả học sinh, sinh viên. Và đây là một trong những nguyên nhân chính lây truyền HIV/AIDS.