(Minh họa: Ngọc Diệp)
Và cũng không thể nói hết được nỗi đau đớn tận cùng của cha mẹ, người thân cháu bé. Những ai có con, cứ đặt trường hợp đứa bé đó là con mình tất sẽ hiểu và chia sẻ được điều này.
Đứa bé vô tội, thơ ngây bị sát hại. Kẻ thủ ác bị tâm thần. Đúng là chỉ có kẻ tâm thần mới đi sát hại một đứa bé vô tội.
Đã có nhiều vụ người bị bệnh tâm thần lên cơn gây án giết người xảy ra. Mới đây tại TPHCM, hai phụ huynh đang đứng đón con tại Trường Tiểu học Tân Tạo A, quận Bình Tân, thì bị một kẻ lạ mặt dùng dao đột ngột xông vào sát hại. Rất may là cả hai được cấp cứu kịp thời, vết thương chưa cướp đi tính mạng của các cháu. Sau đó, hung thủ được xác định là người bị bệnh tâm thần.
Về nguyên tắc pháp luật, người bị bệnh tâm thần không chịu trách nhiệm hình sự vì họ không đủ năng lực để kiểm soát hành vi. Cho nên dù án mạng có do họ trực tiếp gây ra, thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Như vậy, rõ ràng nạn nhân không thể làm gì khác hơn là chịu mọi thiệt hại, kể cả mạng sống mà không nhận được bất cứ sự bảo đảm công bằng nào khác.
Không chỉ sát hại người khác, họ có thể làm những việc như gây ra hỏa hoạn, cướp giật. Những hành vi đó được xem như là không có năng lực vì xuất phát từ một người bị bệnh tâm thần, nhưng hậu quả của nó vẫn là người chết, nhà cháy. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải có biện pháp bảo vệ cộng đồng khỏi những tác động nguy hiểm do người bị tâm thần gây ra.
Đối với bệnh nhân tâm thần, cách tốt nhất là phải chữa thật tốt, bác sĩ xác định là ổn định mới trả về gia đình để điều trị cộng đồng. Có nhiều trường hợp, tuy chưa chữa bệnh ổn định, nhưng gia đình vẫn yêu cầu bác sĩ cho bệnh nhân về nhà. Những trường hợp này rất nguy hiểm, vì khả năng họ lên cơn đột xuất rất cao. Đôi lúc chính người thân của họ là nạn nhân của những đợt lên cơn này.
Đối với người tâm thần, phải chăm sóc, giúp đỡ, yêu thương, nhưng cũng không thể để họ hòa nhập vào cộng đồng khi chưa đảm bảo ổn định. Trước đây tại Lạng Sơn, khi vụ một người tâm thần sát hại dã man cháu Hoàng Thị Duyên, sinh năm 2002, công an mới xác định địa phương có đến 680 bệnh nhân tâm thần được “thả rông”. Chẳng ai quản lý họ, họ vẫn đi uống rượu, say xỉn và có thể gây án bất cứ lúc nào.
Rõ ràng, án của người điên gây ra nhưng lỗi là do người tỉnh.
Hiện nay cả nước có bao nhiêu bệnh nhân tâm thần đang được “thả rông” trong cộng đồng? Nếu không có biện pháp quản lý khẩn cấp thì sẽ không chỉ có thêm những đứa bé chết oan, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân.