Tác giả: ĐẠI ĐOÀN KẾT
Bài đã được xuất bản.: 12/07/2011 05:00 GMT+7
Sóng mỗi lúc một lớn, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, mọi người nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng.
Biển, trời, bão tố, kẻ thù… và tổ quốc thiêng liêng (phần 1)
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giữa thời bình, biết bao những chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh quên mình vì chủ quyền biển, đảo. Trong sự hy sinh cao cả ấy, có cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1. Các anh xứng đáng là những anh hùng của thời đại mới.
Trong cuộc đời lính biển, tôi không thể nào quên được những giờ phút khốc liệt nhất chống chọi với sóng cuồng bão giật giữa biển khơi trong đêm tối mịt mùng cách đây 13 năm về trước. Cơn bão số 8 tháng 12 năm 1998 đã làm 3 đồng đội của tôi vĩnh viễn nằm lại biển xanh. 13 năm rồi mà cứ ngỡ hôm qua, cái giờ phút kiên cường ấy đọng lại trong ký ức tôi về tình đồng chí đồng đội, thương yêu đùm bọc trong gian nan hoạn nạn giữa bão tố cuồng phong.
Lao xuống biển không rời cờ Tổ quốc
Ngày ấy vào trung tuần tháng 12 năm 1998, cơn bão số 8 có tên Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển nước ta. Sức gió mạnh cấp 12 giật trên cấp 12, vùng biển thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu đúng tâm mắt bão. Mệnh lệnh cấp trên: Tất cả nhà giàn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà đổ. Các tàu trực ở khu vực nhanh chóng về Côn Đảo trú bão…
Nhận được lệnh, Chỉ huy trưởng Phúc Nguyên 2A, Đại úy Vũ Quang Chương đã nhanh chóng hội ý chi bộ, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng gió. Lúc 16 giờ ngày 12 tháng 12 năm 1998, trên vùng biển thềm lục địa không còn hình bóng một con tàu, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một lớn hơn, càng về chiều sóng càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm cho nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít giật ầm ầm. Tất cả các cửa hướng đông của trạm đều đóng kín. Lúc đó chỉ cần sơ sẩy là bị gió hất tung xuống biển.
Trước tình hình phức tạp của sóng bão, đại úy Vũ Quang Chương bình tĩnh động viên anh em giữ vững tư tưởng, lệnh các tổ chuẩn bị mọi mặt như áo phao cá nhân, phao bè, lương thực thực phẩm , thuốc quân y, dây ròng rọc… sẵn sàng rời nhà.
18 giờ 30 phút, một con sóng cực lớn đánh trùm làm nhà giàn nghiêng hẳn một bên, lắc lư như ngọn cây. Chuẩn úy Lê Đức Hồng đang nằm trên giường, liền bị chiếc bàn bóng bàn chạy trượt đến chận lên người. Lúc này, chiến sĩ Hoàng Xuân Thủy đang ở phòng chỉ huy cùng Đại úy Vũ Quang Chương xem trên bản đồ hướng đi của bão, nghe tiếng Hồng kêu lớn "Tao bị bàn bóng chận đau quá" liền chạy ra phòng câu lạc bộ thì bị chiếc tủ sắt đổ vào người toạc máu ở bụng.
Tình thế lúc này cực kỳ nguy kịch, những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, Nhà giàn chao đảo, chiếc ti vi trên bàn đổ xuống sàn nhà, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế xô đi xô lại, máy phát điện bị chập tắt ngấm. Chiến sĩ Hoàng Xuân Thủy nhanh chóng vào phòng thông tin lên máy gọi đài canh SCH Quân chủng về tình hình sóng gió, khả năng trụ vững của nhà giàn, đề nghị cho tàu đến cứu.
Sóng mỗi lúc một to. Tất cả 9 anh em mặc sẵn áo phao, lấy giây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển, thì vẫn tìm thấy nhau, chết thì vẫn còn xác. Chỉ huy phó quân sự Dương Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn chân giường tránh va đập, liền bị toàn bộ giá gạo đổ sập xuống vai. Trong tiếng thét gào của gió mưa, đại úy Vũ Quang Chương hô lớn: "Tất cả phải thật bình tĩnh, bằng mọi cách phải nối thông tin liên lạc. Mọi người sẵn sàng rời trạm, dùng bao gạo chèn vào chân giường".
Lúc 22 giờ ngày 12-12-1998, máy nổ vụt tắt lần 2 do sóng đánh chập điện. Dây ăng ten thông tin bị đứt. Chiến sĩ cơ điện nhanh chóng kiểm tra sự cố chập điện. Trong đêm tối mịt mùng, nhân viên báo vụ Hoàng Xuân Thủy, tay cầm đèn pin nhanh nhẹn cúi sát người, bò lên lan can cầu thang lần mò nối lại dây ăng ten và tiếp tục liên lạc với sở chỉ huy đất liền và đài canh thông tin Quân chủng.
Lúc này, tất cả thông tin được nói trực tiếp qua máy I -Com chứ không qua qua mã dịch cơ yếu. Tiếng Thủy lạc đi trong sóng gió: "Hiện nay sóng đã trùm lên sàn ở, nhà chao đảo mạnh, một số vật dụng trong câu lạc bộ bị đổ vỡ, anh em vẫn bình tĩnh đối phó, đề nghị cấp trên cho rời nhà". Xác định không thể trụ thêm được nữa, sở chỉ huy cấp trên quyết định cho anh em rời nhà giàn. Đại úy Vũ Quang Chương hô: "Tất cả rời trạm, tổ 2 thả phao bè xuống trước, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao". Lúc đó là 0 giờ 30 phút ngày 13 tháng 12 .
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa Tổ quốc |
Sóng mỗi lúc một lớn, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, mọi người nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng.
Không thể trụ được nữa, đại úy Vũ Quang Chương chỉ huy tốp 2 nhảy xuống biển và bám vào phao cứu sinh. Trên tốp 2 có Trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, Thuật- chiến sĩ pháo thủ. Trên nhà giàn lúc này chỉ còn Thủy, Chương và chiến sĩ cơ điện.
Trước khi rời nhà Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa lại nếu trạm đổ thì anh em không bị nước hút vào trong. Anh ôm lá cờ Tổ quốc vào ngực mình rồi gấp gọn cùng với cuốn sổ vàng truyền thống cho vào bao bảo quản gói chặt. Còn Thủy đem theo một súng tín hiệu và 6 viên đạn, các tài liệu mật của ngành thông tin rồi lên máy lần cuối nói với đài canh. Giọng Thủy nghẹn ngào dặn chị Vân ở đài canh Sở Chỉ hủy Hải Phòng: "Chị Vân ơi. Em là Hoàng Xuân Thủy. Quê em ở Mỹ Sơn, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh. Em chết thì nhờ chị viết thư về báo tin cho nhà em biết". Nói xong, Thủy ôm bao gạo cùng Chương lao xuống biển trong tiếng gào thét đồng đội trạm Phúc Nguyên 2B phát qua máy I - Com sóng cực ngắn "Thủy ơi, nhảy đi, nhảy đi, nhà đổ rồi, nhảy đi".
Giữa sóng gió và trời tối đen như mực không nhìn thấy gì dù trong gang tấc, Chương hô lớn: "Tất cả anh em bám chặt vào phao bè và ra khỏi vòng xoáy". Đúng lúc đó, một con sóng kinh hoàng dựng lên như vách núi đập mạnh làm cho Nhà giàn đổ hoàn toàn. Chương, An và Hồng bị hất tung không bám được vào dây nữa. Thủy chỉ nghe tiếng Chương kêu "Thủy ơi, cứu anh. Bám vào dây em ơi" rồi cuốn vào sóng dữ.
Chống chọi giữa đêm đen
Giữa sóng cuồng bão giật. Thủy nhìn thấy 4 người trên phao cứu sinh là Hoan, Dụng, Thuật, Tôn đang gào thét cố bám chặt lấy mảnh phao bè. Thủy gọi: Thằng Thơ đâu. (Lúc này Thơ bám được bao gạo đã bị sóng đánh ra xa).
Cả đêm hôm đó, 5 con người trên chiếc phao cứu sinh nhỏ bé quần lộn với sóng bão, ai cũng nghĩ nếu hy sinh, vẫn phải kiên cường, phải chống chọi đến hơi thở cuối cùng.
Bỗng Thủy phát hiện có 1 thanh gỗ trôi gần đó. Anh lao ra vớt thanh gỗ bẻ đôi làm mái chèo. Mọi người thay nhau chèo ra khỏi vòng xoáy nhưng thực ra chẳng biết chèo đi đâu. Đúng lúc ấy thì phát hiện thấy Thơ đang bám vào bao gạo, mặt nhợt nhạt. Thủy lao ra dìu Thơ và giúp trèo lên phao cứu sinh, cởi áo cho Thơ mặc. Thủy bình tĩnh lấy súng tín hiệu bắn 3 phát báo hiệu cấp cứu. Viên đạn cuối cùng Thủy đưa cho Hoan bắn, nhưng cơn sóng mạnh đã cuốn trôi khỏi tay Hoan. Cứ thế 6 anh em trên chiếc phao cứu sinh chống chọi với sóng gió. Mọi người lấy lương khô và tỏi ra ăn và uống nước biển cầm hơi.
17 giờ ngày 13 tháng 12 năm 1998, phát hiện thấy ánh đèn của nhà giàn bên cạnh. Mọi người chưa đoán được nhà giàn nào. Hoan động viên: "Sống rồi. Anh em cố gắng chèo đến gần lô đi". Bỗng Tôn ngoảnh lại thì nhìn thấy tàu lừng lững sau lưng mình. Ai cũng nghĩ đó là tàu nước ngoài đến cứu chứ không nghĩ là tàu HQ-606.
Tại sở chỉ huy ở đất liền, ngay khi nhận tin Trạm Phúc Nguyên 2A đổ, tất cả nhân viên của trạm đang gặp nạn, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã trực tiếp chỉ đạo thành lập biên đội tàu gồm: HQ-624, HQ-608, HQ-606, HQ-957 đang ở vị trí tránh bão nhanh chóng về tọa độ X và bằng mọi cách tìm kiếm cứu nạn.
Thiếu úy Hoàng Xuân Thủy |
Đêm đó cán bộ chiến sĩ tàu HQ-606 không ai chợp mắt, tất cả ra lan can quan sát tìm kiếm đồng đội. Đến gần sáng sóng giảm hơn, tầm quan sát được xa hơn. Thuyền trưởng Lê Văn Muộn nhận định: Có thể họ đã trôi rất xa so với tọa độ đầu tiên, phải nhanh chóng tìm bằng được kẻo không còn kịp nữa. Theo kinh nghiệm và phán đoán, thuyền trưởng cho tàu quay ngang cắt mũi về hướng tây bắc. Bỗng một chiến sĩ quan sát báo cáo phát hiện từ xa có một vật nổi trên biển hướng tàu đang đi tới. Khi cách vật nổi ấy 1 hải lý chiến sĩ quan sát hô to: "Kia rồi, họ kia rồi các đồng chí ơi".
Lúc này 6 anh em trên chiếc phao bè mệt lả, quần áo rách tả tơi, da nhợt nhạt do sóng quần và ngâm lâu trong nước mặn. Thuyền trưởng Lê Văn Muộn chỉ huy thủy thủ trên tàu quăng phao tròn, tiếp sức từng người một, tất cả an toàn. Sau khi cứu vớt các anh được chăm sóc sức khỏe. Lúc đó là 18 giờ 30 phút ngày 13-12-1998.
Tốp 1 đã được cứu vớt, lệnh SCH biên đội tiếp tục tìm kiếm tốp 2. Nhưng hết ngày thứ 2, ngày thứ 3 và những ngày tiếp theo vẫn không tìm thấy những người còn lại. Việc tìm kiếm tiếp tục bằng con đường ngoại giao, thông báo với các nước bạn vùng lân cận về những người bị mất tích thông qua đại sứ quán. 6 tháng sau, không có sự trả lời của nước bạn về tin tức của các anh, vậy là đã rõ: Các anh đã hy sinh, đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh.
Nghĩa trang đặc biệt
Trong khi đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30 để lại cho gia đình bao tiếc thương, đồng đội bao cảm phục, thì liệt sĩ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ tận Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người con gái mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới…
Thời gian rồi sẽ xoa dịu đi những mất mát thương đau, nhưng thiên tai làm sao lường trước được. Đây đó ở quê nhà người vợ, người mẹ, người em của những người lính nhà giàn vẫn luôn dõi mắt ra biển khơi bao nỗi lo toan. Thời gian có thể làm cho họ thêm già nua, thay đổi, nhưng nỗi đau, tình thương về người thân thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua.
9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 đã vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi kể từ khi nhà giàn được thành lập đến nay cũng đủ để khẳng định công lao và sự hi sinh anh dũng quên mình vì Tổ quốc. Thi thể các anh hòa lẫn vào san hô nằm tận biển sâu mà chúng tôi quen gọi là Nghĩa trang đặc biệt. Bởi Nghĩa trang này không có bia, mộ, không có phần đất, chỉ có những ngọn sóng bạc đầu, lúc nổi lên giữ dội, lúc hiền hòa lặng lẽ.
Theo thông lệ, mỗi đoàn công tác đi qua vùng biển thềm lục địa đều làm lễ tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang đặc biệt này đều không cầm được nước mắt khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Và tôi, người đã từng công tác 12 năm ở nhà giàn DK1 càng nghẹn ngào khi biết thêm về những câu chuyện kể về những người nằm xuống.
- [*](Ghi theo lời kể của Thiếu úy Hoàng Xuân Thủy nguyên là chiến sĩ báo vụ1, trạm Phúc Nguyên 2A -người sống sót trở về sau cơn bão lịch sử tháng 12-1998)
[*]
[size=small]xin mod đừng chuyển box.xin đc để bài này ở mục Thần Tượng của bạn box sao.[/size] [size=small]tổ quôc tôi,tôi thần tượng tổ quốc và những người chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ tổ quốc,đã hy sinh…[/size]