>> Bí thư Hà Nội: “Cơ quan chống tham nhũng độc lập khó khả thi”
UB độc lập chống tham nhũng thuộc Quốc hội hay Chủ tịch nước?
Các phương án tổ chức mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN) và thành lập cơ quan điều tra độc lập về tham nhũng là nội dung nổi lên trong buổi thảo luận tại hội trường về dự thảo luật PCTN sửa đổi sáng nay, 9/11.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề xuất, bên cạnh Ban chỉ đạo PCTN cần thành lập UB điều tra độc lập về tham nhũng, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Người đứng đầu UB này do Quốc hội phê chuẩn, kinh phí hoạt động của UB này do Quốc hội phê duyệt.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, Ban chỉ đạo TƯ về PCTN được chuyển về bên Đảng thay vì bố trí ở Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu như vừa qua là hợp lý. “Những đối tượng nguy cơ tham nhũng cao nhất nằm chính trong Ban chỉ đạo nên phải thay đổi” - ông Thuyền lập luận.
Ông Thuyền cũng ủng hộ việc thành lập cơ quan điều tra độc lập để chuyên xử lý tội phạm về tham nhũng. Đại biểu nhấn mạnh quan điểm, cần coi tội phạm tham nhũng nguy hiểm như ma túy, như tội phản quốc. Phải tuyên chiến với tham nhũng bằng tất cả những công cụ, cách thức có được.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng dành một phiếu thuận cho phương án không quy định Ban chỉ đạo PCTN TƯ trong luật này nhưng cũng nên thiết kế một điều luật riêng nêu rõ nội dung Ban chỉ đạo do Đảng quản lý, Tổng Bí thư đứng đầu.
Còn để Ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả, thực quyền, ông Nghĩa đặt vấn đề, UB điều tra độc lập về tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ban. Đại biểu đề xuất điều Cục trưởng phòng chống tham nhũng Bộ Công an sang phụ trách UB điều tra độc lập này, với những cơ chế đặc thù nhất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa ủng hộ việc thành lập UB điều tra độc lập về tham nhũng
Thêm một ý kiến khác ủng hộ phương án thiết kế UB quốc gia về phòng chống tham nhũng độc lập thuộc Quốc hội đến từ đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam).
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) có quan điểm khác. Ông cho rằng, cơ quan điều tra tham nhũng độc lập thuộc UB Thường vụ Quốc hội là hợp lý vì đây là nhiệm vụ trước tiên của Chính phủ, Quốc hội là cơ quan lập pháp chứ không phải cơ quan điều hành.
Ông Thường nêu kinh nghiệm nhiều nước thành lập cơ quan điều tra về tham nhũng độc lập với Chính phủ, do Tổng thống nắm giữ, được quyền phát hiện, khởi tố, điều tra sau đó chuyển cho CQĐT thuộc Chính phủ tiếp tục công việc. Đến giai đoạn đó, cơ quan điều tra độc lập lại đóng vai trò là cơ quan giám sát trong quá trình tố tụng đối với tội phạm tham nhũng.
Dẫn đến câu chuyện trong nước, ông Thường cho rằng, lập cơ quan độc lập này phải xác định vị trí trực thuộc Chủ tịch nước.
Tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” có lỗi của Quốc hội
Tán thành quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) có những phân tích cặn kẽ về vấn đế. Ông Quốc lật lại mốc thời gian 7 năm trước, luật PCTN được ban hành khi đó đã đã được coi như “thượng phương bảo kiếm” để có thể trừ khử tham nhũng; nhưng thực tế, vấn nạn tham nhũng dường như mỗi lúc thêm trầm trọng.
Nghịch lý được đại biểu chỉ ra: “Theo lý thuyết đáng ra việc chống tham nhũng ở ta phải là nhiệm vụ dễ nhất vì giống như chống dịch bệnh, khu biệt được khu vực là sẽ dập được dịch. Nhưng ở đây, ta đã khu biệt được đối tượng người có chức có quyền, cụ thể hơn là quyền định đoạt tài sản công, mà những người có quyền chức, tuyệt đại đa số là Đảng viên, nhưng vẫn chưa hiệu quả. Vậy thì cần biện pháp rất mạnh mới khu biệt được”.
Nêu khẩu hiệu “đấu tranh nay là trận cuối cùng” đối với tệ tham nhũng, nhưng ông Quốc không giấu xót xa, trận cuối cùng 7 năm qua vẫn chưa có kết quả. Điều đó chứng tỏ quy định pháp luật hiện hành đã không có hiệu quả. Đại biểu cho rằng, phải thẳng thắn nhận thất bại mới mong sửa thành công.
Một điểm thất bại, sai lầm đại biểu chỉ ra là cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” - Ban chỉ đạo PCTN lại được thiết kế nằm dưới sự quản lý của Chính phủ. Vậy mà Quốc hội khi đó vẫn bấm nút thông qua. Ông Quốc thẳng thắn nhìn nhận, đó chính là trách nhiệm của Quốc hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Nếu không có quyết định sai lầm của Quốc hội, chúng ta không phải trả giá quá nhiều".
“Lỗi” của Quốc hội dẫn đến hệ quả lãng phí thời gian 7 năm qua, giờ phải sửa lại luật, làm lại từ đầu. Nếu không có quyết định sai lầm đó, đã không có rất nhiều sự trả giá, không có những Vinashin, Vinalines như vừa qua, ông Quốc “tự phê”.
“Cuộc chiến được cả nước, người dân ủng hộ. Khi xung trận thì súng nổ rất to nhưng không sát thương được ai vì đạn có nổ mà không có đầu. Và rồi nhận ra thấy quân xanh quân đỏ đều là quân ta cả” – đại biểu khái quát. Không những thế, không ít trường hợp cả nước phải ngỡ ngàng khi chứng kiến việc người từng bị kết án, phạt tù lại thành người được giải oan; còn người có công chống tham nhũng lại bị phát hiện là kẻ có tội.
Ông Quốc lo trong cuộc chiến sắp tới, luật quy định là bỏ sót phần đầu não không ghi trong luật. Phương án chuyển Ban chỉ đạo PCTN từ Chính phủ sang bên Đảng, không phải ở Quốc hội cũng vẫn làm đại biểu băn khoăn.
Lật lại bài học lịch sử, ông Dương Trung Quốc kể, năm 1945 ngay khi ký quyết định thành lập cơ quan hành pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra sắc lệnh thành lập Ban thanh tra đặc biệt, không nằm trong cơ quan hành pháp để chuyên xét xử quan chức cao cấp vi phạm luật pháp. Ban Thanh tra đặc biệt do Chủ tịch nước đích danh chỉ đạo do và do những nhân sỹ như cụ Bùi Bằng Đoàn (dù là quan chế độ cũ nhưng am hiểu pháp luật có uy với dân), nhà thơ Cù Huy Cận (là người trẻ tuổi có danh vọng trong dân)… phụ trách.
Tuy Ban thanh tra này chưa phát huy nhiều hiệu quả vì chiến tranh nổ ra ngay sau đó, không tiếp tục hoạt động nhưng ông Quốc cho rằng, bài học về vấn đề kiểm soát quyền lực, tổ chức cơ quan chống tham nhũng độc lập vẫn đầy đủ ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.