Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/SanKhau/afamily.vn/Co-Be-Ban-Diem-Thien-Menh-Anh-Hung-va-cau-chuyen-ve-khan-gia-Viet/7615702.epi 27-12-2011 07:00:00
[size=4]Mọi người nên đọc hết bài báo rùi bình lựn nha. 3bye3 3bye3[/size]
Sính ngoại, chê nội và quá tự ti vào nền phim ảnh nước nhà. Và liệu bấy nhiêu đó đã đủ để vẽ nên bộ mặt của một bộ phận khán giả Việt hôm nay?
Những năm gần đây, dù chất lượng các bộ phim có thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận nền phim ảnh Việt Nam đang có một bước tiến rất lớn và rất dài so với bản thân mình.
Trong một nền phim ảnh đang có một bước chuyển mình mạnh mẽ thì sự phân hóa về chất lượng của các tác phẩm lẽ dĩ nhiên sẽ không thể tránh khỏi. Không thể bắt buộc những phim trong thời kỳ này đều phải hay và ngược lại không phải cứ phim trong giai đoạn này thì sẽ dở. Bên cạnh sự cố gắng không ngừng nghỉ của những ê-kip làm phim thì khán giả xem phim cũng là một vấn đề mà nếu không nói tới thì thôi mà nói tới thì lại càng… bực.
Với điều kiện kinh tế như ngày nay, khán giả Việt có một cái nhìn rất rộng và rất xa. Họ không chỉ gói gọn thưởng thức phim ảnh nước nhà như trước nữa mà mở rộng ra phạm vi toàn thế giới. Thế nên, các nhà làm phim không thể có bất cứ mánh khóe nào để qua mặt họ được ngoài một việc duy nhất là "cố gắng không ngừng". Nhưng, bên cạnh một bộ phận khán giả luôn ủng hộ nền phim ảnh nước nhà với một cái nhìn công tâm và khách quan thì cũng tồn tại không ít những khán giả mà khi nhắc tới các nhà làm phim chỉ biết than trời. Đó là những khán giả có những cái nhìn "quá đỗi cao siêu" mà các nhà làm phim có làm cách nào đi chăng nữa thì cũng không thể thỏa mãn họ.
Những khán giả "nguy hiểm": họ là ai?
Gọi "nguy hiểm" vì họ chính là những người luôn săm soi, xét nét, "tiêu diệt" sự háo hức của những khán giả bình thường và là kẻ phá hoạt ngầm của nền điện ảnh Việt.Tất cả những gì mà những nhà làm phim cố gắng, dù cố gắng hết mình cũng đều nhận về những sự bới móc, tìm tòi đến mức gần như là… "coi thường" những tác phẩm do chính Việt Nam thực hiện. Trong mắt họ, gần như điện ảnh Việt là một nền điện ảnh… không thể phát triển. Những dự án, những khám phá, thử nghiệm của điện ảnh Việt cứ như một thứ chẳng đáng cho họ bận tâm. Đối với những khán giả này, chỉ có phim nước ngoài, ê-kip nước ngoài thực hiện thì mới gọi là đáng ủng hộ, đáng xem. Còn phim Việt thì chỉ là những bộ phim "không bắt chước thì cũng là dở tệ về nhiều thứ".
Tạo hình Tuyên Từ Thái Hậu của Vân Trang
Điểm qua những tác phẩm điện ảnh được chú ý gần đây, có thể thấy rằng lượng khán giả "nguy hiểm" này không hề ít khi những lời nhận xét của họ dành cho phim Việt đều là những lời mà phải bình tĩnh lắm nhà sản xuất mới có thể "dám lắng nghe".
Đầu tiên, Bóng Ma Học Đường tác phẩm 3D đầu tiên của phim Việt đã phải nhận về vô số lời gièm pha lẫn dè bỉu của vô vàn khán giả mà trong đó, không phải là ai cũng nhận ra được một điều quan trọng: "Kỹ thuật 3D trong phim do Việt Nam thực hiện là không hề tệ nếu như không muốn dùng một lời khen". Vừa mới đây, bộ phim cổ trang Thiên Mệnh Anh Hùng ngay khi ra mắt trailer chính thức cũng phải nhận về không ít lời mỉa mai "phim Trung Quốc nhãn Việt", hay gần nhất là phim hoạt hình 3D Cô Bé Bán Diêm ra mắt dịp giáng sinh 2011 thì "gặt hái" về vô vàn những nhận xét kiểu "có gì đâu mà hay ho, kỹ xảo, kỹ thuật dở tệ".
Đằng sau những phô trương kiến thức là những con người tự ti
Không thể phủ nhận, những khán giả này là những người rất "sành sõi" về phim ảnh. Họ xem rất nhiều, biết rất nhiều, thậm chí còn có những trải nghiệm mà nhiều khi các nhà làm phim trong nước còn chưa có dịp thử. Nhưng tiếc rằng, thay vì sử dụng những kiến thức đó để có một cái nhìn rộng hơn thì họ lại vận dụng chúng thành những đánh giá hết sức cực đoan và một chiều.
Những màn chiến đấu mới chỉ thoáng qua mà đã bị đánh giá là "võ Trung Hoa"
Với họ, việc một bộ phim Việt Nam có những thay đổi đáng kể là một điều… không thể chấp nhận. Cho nên, dù Thiên Mệnh Anh Hùng đã hết sức tránh những trang phục Trung Quốc để có thể cho ra những phục trang mang đậm chất Việt thì những khán giả này cũng tìm mọi cách để "soi". Không soi vai chính được thì soi vào vai phụ, và Tuyên Từ Thái Hậu (Vân Trang đóng) "lên dĩa" với khẳng định "trang phục Trung Quốc rõ ràng". Đến cả những màn đánh nhau đặc sắc trong phim dù chưa chiếu mà mới chỉ loáng thoáng vài phân cảnh cũng bị quy chụp "chắc là võ Trung Quốc".
Bộ phim hoạt hình ngắn 3D Cô Bé Bán Diêm được cộng đồng mạng yêu thích vì nội dung cảm động và do chính Việt Nam sản xuất cũng không thoát khỏi những khán giả "nguy hiểm" này với những đánh giá, nhận xét từ nhẹ nhàng kiểu "dở ẹt", hay đến nặng hơn như kiểu "từ đầu tới cuối, đầy lỗi, mang lên cho bạn bè quốc tế coi mà… mắc cỡ".
Cảnh trong Cô Bé Bán Diêm
Trong suy nghĩ của họ, phim Việt là những bộ phim không thể tiến bộ. Và không biết các nhà làm phim nên mừng hay nên vui khi họ luôn đem những tác phẩm bom tấn của quốc tế để so sánh với những bộ phim do điện ảnh Việt thực hiện. Là họ đánh giá cao phim Việt hay đó là một sự so sánh khập khiễng của những kẻ mang tư tưởng vọng ngoại?
Nhìn thoáng qua, những kiến thức họ đưa ra để đánh giá, bắt bẻ một bộ phim là không hề sai. Những phân tích, lý luận của họ nghe qua thì cũng có vẻ hợp lý đấy, "chuẩn" đấy, chính xác đấy. Nhưng nhìn kỹ lại thì… nếu đem những điều này ra mà dành cho phim của nước ngoài thì không khác là bao mà cũng có hàng tá lỗi. Làm điều gì cũng thấy sai, thấy sợ không phải là cách ứng xử của một người giỏi nhìn xa trông rộng mà là của một kẻ tự ti - không dám tin vào những năng lực của chính bản thân mình. Và chỉ có kẻ tự ti thì mới luôn "sống trong sợ hãi" như thế!
Tại sao không nhìn thấy rằng điện ảnh Việt đang phát triển mà cứ mãi phủ nhận những thứ do nó tạo ra? Bạn sẽ nghĩ sao nếu như một tác phẩm bạn làm ra bị đánh giá theo kiểu "bới lông tìm vết" như thế này? Và… tại sao không dám thừa nhận một thực tế rõ ràng là điện ảnh Việt đang tiến mà cứ phải loay hoay đi khẳng định điều ngược lại?
Tạm kết
Không chỉ với Thiên Mệnh Anh Hùng mà tất cả các dự án phim cổ trang Việt Nam đều bị gán cho cái mác "giống Trung Quốc" bằng nhiều cách. Không nhiều thì cũng ít, nói tóm lại là cứ cổ trang Việt là thế nào cũng bị chê là "giống Trung Quốc". Vâng, có thể họ đúng nhưng chỉ đúng mới phân nửa. Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ Trung Hoa cả ngàn năm thì hỏi sao trang phục không bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn đó, ngữ cảnh đó, sự ảnh hưởng đó thì việc trang phục mang dáng dấp Trung Hoa thì có gì là sai? Cũng giống như bây giờ, văn hóa Hàn đang tràn ngập xứ Việt đấy thôi. Giới trẻ chả phải cũng đang chịu ảnh hưởng nặng của Hàn Quốc cả về trang phục lẫn văn hóa đó sao?
Nhân vật Cô Bé Bán Diêm nhận được nhiều lời khen của cư dân mạng về tạo hình
Với những đánh giá về kỹ thuật của những phim 3D tại Việt Nam thì lại càng phải ủng hộ hơn là bỏ thời gian ra tăm tia từng khung hình và mỉa mai. Bạn không thể bắt một đứa trẻ chạy nhanh như một người lớn được. Điện ảnh Việt cũng vậy - chỉ là một đứa bé đang học từng bước bò, rồi tới đi chứ cũng chưa phải là chạy. Cho nên, hãy cổ vũ và động viên nó chứ đừng vội bắt nó chạy… trước tuối rồi sau đó lại chê rằng nó chạy… không nhanh.
Không ai cấm bạn đánh giá bình luận, góp ý cho một bộ phim. Nhưng hãy đem những kiến thức mình có được chia sẻ cho mọi người để cùng tiến bộ chứ đừng dùng nó để dè biểu, khinh thường hay phô truơng kiến thức với những điều mà mọi người đang cố gắng xây dựng. Nếu như bạn không muốn mình cũng như những người qua đường vô cảm trong câu chuyện về cô bé bán diêm - sẵn sàng bỏ mặc cho nền điện ảnh nước nhà chết dần chết mòn bên vệ đường dù vẫn có những ánh sáng bé nhỏ cháy lên…