Từ một tác phẩm trình diễn thuần Việt
[justify]QĐND - Hội họa giá vẽ ở Việt Nam khi đi đến trường phái hội họa trừu tượng đã chững lại với những tên tuổi quen thuộc như Trần Nhật Thăng, Lê Thiết Cương, Thành Chương… Trong khi chưa kịp làm quen với những bức tranh trừu tượng khó hiểu đến từ “trời Tây”, người hâm mộ mỹ thuật đã được tiếp xúc với hội họa phi giá vẽ thời thượng đòi hỏi người nghệ sĩ lẫn công chúng phải thay đổi triệt để tư duy về hội họa. Mấy năm trước đây, người xem vẫn còn kinh ngạc không thể hiểu tại sao giữa mùa xuân trời lạnh căm căm lại có những anh nghệ sĩ mình trần phủ đầy sơn như Đào Anh Khánh nhảy múa hò hét trong chương trình [/justify]Đáo xuân[justify]. Đa phần người xem cho rằng [/justify]Đáo xuân[justify] không phải là một tác phẩm nghệ thuật; còn chàng nghệ sĩ thì bị xem là đầu óc không bình thường hoặc là người thích chơi trội
[/justify]
[justify]Nghệ sĩ Phạm Huy Thông đang trình diễn tác phẩm “Sờ thấy vinh quang”.[/justify][justify] [/justify]Ảnh do nhân vật cung cấp
[justify]Song, qua những nỗ lực của các tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận, sự nhiệt tình của các nghệ sĩ và sự truyền bá tri thức của các nhà phê bình thì đến nay hội họa phi giá vẽ đã được nhìn nhận tích cực hơn. Khán giả đến xem hội họa phi giá vẽ đã bỏ thì giờ cố công tìm hiểu ý nghĩa tác phẩm. Bản thân các nghệ sĩ cũng đã nỗ lực sáng tạo các tác phẩm phù hợp với văn hóa, tầm tư duy và hiện trạng cuộc sống hôm nay ở Việt Nam chứ không bê nguyên ý tưởng của hội họa phi giá vẽ phương Tây.[/justify]
[justify]Năm qua, nhiều tác phẩm hội họa phi giá vẽ đã trình diễn thu hút được người xem quan tâm theo dõi. Đáng chú ý nhất là tác phẩm trình diễn Sờ thấy vinh quang của họa sĩ Phạm Huy Thông. Trong những ngày hè tháng Bảy nóng nực do tiết trời và sục sôi của kỳ thi đại học, Phạm Huy Thông đã quỳ bên các \"cụ\" rùa đá cõng bia tiến sĩ ở Văn Miếu gần một giờ đồng hồ, trên lưng anh có tấm biển bằng giấy “Xin đừng sờ đầu rùa!!!”. Đó là tất cả nội dung của của màn trình diễn.
[/justify]
Nếu nhìn qua, có vẻ màn trình diễn này… hơi đơn giản; song xét nguyên tắc sáng tạo thì nó được xuất phát từ một tư duy nghệ thuật độc đáo. Sờ thấy vinh quang là một tác phẩm theo trường phái nghệ thuật làm sẵn (readymade art), nó được tạo nên từ việc sử dụng một cách những vật bình thường không ai coi là nghệ thuật, do ngày thường chúng vẫn mang chức năng phi nghệ thuật. Ở đây, thân hình người nghệ sĩ và tấm biển giấy chính là những vật làm sẵn làm chất liệu cho tác phẩm. Ý nghĩa đầu tiên của tác phẩm quá rõ ràng đó là phản ứng lại hành vi xâm hại di tích lịch sử của cha ông để lại. Sâu xa hơn là nó đánh đổ thói quen của cộng đồng về niềm tin vào vận may trong thi cử nhờ sờ đầu rùa đá. Trên thực tế, hành động xấu trên đã được dư luận phê phán nhiều; song với tác phẩm nghệ thuật của mình, Phạm Huy Thông đã phê phán nó bằng hình tượng nghệ thuật và do đó sức ám ảnh sẽ lâu dài hơn. Tính tương tác trực tiếp của hội họa phi giá vẽ đã xóa bỏ khoảng cách giữa người xem với tác phẩm. Ngay trong buổi trình diễn đã có một sĩ tử đang thăm Văn Miếu tình nguyện làm “rùa” trong 5 phút thay Phạm Huy Thông.
Tác phẩm của Phạm Huy Thông đã tạo cảm hứng, kích thích các nghệ sĩ khác tìm tòi và sáng tạo ra các tác phẩm gắn chặt với đời sống, giúp người xem thưởng thức những tác phẩm gần gũi với cuộc sống của họ. Đó là con đường triển vọng mà nhiều nghệ sĩ đang miệt mài sáng tạo để tạo nên nhiều tác phẩm hội họa phi giá vẽ được “dán nhãn” của Việt Nam và theo kiểu Việt Nam.