Trụ sở của hãng Lamborghini đặt tại Bologna, Italy.
Là một trong những thương hiệu siêu xe hàng đầu thế giới, nhưng chỉ cách đây chừng 3 thập kỷ, người Ý sẽ cười vào mặt bạn nếu bạn nhắc đến cụm từ kiểu như “chất lượng Lamborghini”. Hãng siêu xe có trụ sở tại Bologna được thành lập từ năm 1963 bởi một người “ghét Ferrari” là Ferruccio Lamborghini. Trải qua nhiều lần đổi chủ nhưng Lamborghini vẫn chưa thực sự tạo được danh tiếng lớn cho đến khi người Đức vào cuộc.
Audi “thâu tóm” Lamborghini từ năm 1998, đầu tư về mặt công nghệ nhưng không thay đổi tên cũng như trụ sở chính của hãng này, giống như cách mà “ông trùm” Volkswagen đã làm với Bugatti (Pháp) và Bentley (Anh). Từ đó, Lamborghini bắt đầu “hóa rồng” với những mẫu siêu xe hết sức ấn tượng như Gallardo, Murcielago hay Reventon. Lamborghini đánh dấu sự thành công vượt bậc của mình trong năm 2010 khi chiếc Gallardo thứ 10.000 được bán ra.
Mới đây nhất, tại triển lãm Geneva 2011, hãng này đã chính thức giới thiệu dòng siêu xe mới của mình, mang tên Aventador LP700-4. “Siêu bò” này được trang bị động cơ V12 dung tích 6,5 lít, cho công suất 700 mã lực, khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong 2,9 giây và tốc độ tối đa là 350 km/h. Ngay lập tức, siêu xe này đã tạo được sức hút mãnh liệt đối với những tín đồ của “bò tót”, và cháy hàng trên diện rộng cho đến hết năm 2012.
Phần mái bằng sợi carbon của Aventador đang được lắp ráp với mui trước.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà siêu xe mới của Lamborghini lại “hút khách” đến như vậy. Có được thành công đó là nhờ sự đầu tư mang tính chiến lược mà nhà sản xuất siêu xe nước Ý dành cho đứa con cưng của mình. Người ta nói, để kể hết những công đoạn sản xuất siêu xe này từ khi còn là một bộ khung bằng sợi carbon cho đến khi lăn bánh trên đường, phải dùng đến một cuốn sổ dày 300 trang.
Nhiều công đoạn như vậy nên việc xảy ra những sai sót nhỏ trong quá trình sản xuất là điều không thể tránh khỏi. Do đó, luôn có một mô hình mô phỏng không gian ba chiều trên máy tính đặt cạnh mỗi chiếc xe được lắp ráp để các kỹ sư của hãng có thể nắm bắt từng thông số của chiếc xe tại công đoạn mà mình tham gia.
Một robot cảm biến được đặt ở gần khu vực lắp ráp để truyền lại hình ảnh mô phỏng trên máy tính.
Trong các chi tiết của chiếc siêu xe này, bộ khung liền khối của nó là thành phần được quan tâm đặc biệt nhất. Dựa trên những kỹ thuật từng dùng để sản xuất siêu xế triệu đô Reventon, Lamborghini đã bắt tay với hãng Boeing để phát triển kết cấu khung xe liền khối monocoque hết sức phức tạp và gia cố bằng sợi carbon-polime.
Siêu xe tốc độ 350 km/h này sở hữu khoảng hơn 2.000 bộ phận, được sản xuất từ 500 công ty khác nhau, trải rộng trên biên giới của 30 nước. Chẳng hạn, hệ thống đèn pha của xe được cấu thành từ 84 bộ phận, đến từ 14 nhà cung cấp với sai số cho phép là 1 milimét.
Những công đoạn lắp ghép được kiểm tra hết sức kỹ lưỡng để đảm bảo không có bất cứ sai sót nào xảy ra.
Tuy nhiên, một số bộ phận khác bên trong nội thất của xe, chẳng hạn như các bộ cảm biến, đòi hỏi độ chính xác đến tuyệt đối. Do đó, mỗi ngày Lamborghini chỉ sản xuất được khoảng 3,5 chiếc, tức là khoảng 1.200 chiếc/năm. Mỗi chiếc Aventador đều được lái thử từ 15 đến 20 dặm trước khi đến tay khách hàng.
Khác với nhiều hãng xe khác sẵn sàng chiều theo ý của khách hàng từ A-Z cho chiếc xe mà họ sở hữu, Lamborghini có những nguyên tắc của riêng mình để giữ được nét văn hóa riêng của thương hiệu. “Bạn không thể yêu cầu một chiếc xe màu xanh lá cây với nội thất màu vàng hoặc hồng”, Tổng giám đốc Maurizio Reggiani cho biết.
Mặc dù phần lớn quá trình lắp ráp được làm thủ công, robot vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các dây chuyền sản xuất.
Một nồi hấp khổng lồ được sử dụng để tổng hợp vật liệu sợi cacbon, chế tạo các linh kiện của xe.
Lắp ráp phần thân xe là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất. |
Chuẩn bị nội thất.
Tất cả động cơ của Lamborghini đều được sản xuất tại Sant’Agata Bolognese, Bologna, Italy, bao gồm cả khối động cơ V12 của Aventador.
Thân xe được phủ một lớp nhựa để tránh những xây xát không đáng có trong quá trình lắp ráp. |
Hệ thống treo được lắp ráp thủ công. Lamborghini đang cố gắng hạn chế sử dụng robot trong các công đoạn sản xuất của mình. |
Một chiếc Aventador chuẩn bị "ra lò". |
Xuống đường thử cùng với một tay lái chuyên nghiệp. |
Và bon bon trên phố cùng với chủ nhân của nó. |