Khi Facebook, Twitter và Instagram ngày càng thịnh hành, một hiện tượng gây ít nhiều khó chịu đã nảy sinh. Thay vì trực tiếp khoe (“Tôi thắng giải rồi!”) hoặc thể hiện sự chân thành (“Tôi rất cảm kích ba mẹ đã làm việc cật lực để tôi có thể theo đuổi nghệ thuật.”), người ta lại có cách chia sẻ khác. Họ sẽ coi nhẹ sự giàu có, đáng nể của mình bằng bằng cách dùng những lời than phiền giả tạo.
Việc này đã trở nên quá quen thuộc và có hẳn một tên riêng là “humblebrag”, với cả định nghĩa chính thức – “một câu nói bề ngoài có vẻ khiêm tốn hay không bằng lòng nhưng mục đích thực sự là để hướng sự chú ý của mọi người đến một thứ mà người viết tự hào”, theo từ điển Oxford, và từ này được thêm vào năm ngoái. Có một quyển sách về “nghệ thuật giả khiêm tốn”; có một bảng xếp hạng những người giả khiêm tốn, bao gồm Oprah; và có cả một bài báo của tờ New York Times phản ánh về vấn đề này.
Cần gì nói rằng bạn đã thắng giải trong khi bạn có thể kể lể về những khó khăn để đạt được chiếp cúp?
Nhưng giả khiêm tốn không chỉ là một cách tồi để làm bản thân bạn trông tốt đẹp trong mắt bạn bè, mà nó còn có thể làm mọi chuyện xấu đi.
Một nghiên cứu toàn diện được triển khai tại Đại học Kinh doanh Harvard vào mùa xuân vừa rồi đã cho thấy cách thức và lý do việc giả khiêm tốn đang nhan nhản nhưng lại là một điều sai lệch. Các nhà nghiên cứu Ovul Sezer, Francesco Gino, và Michael Norton, tò mò muốn biết người khác nhìn nhận như thế nào về những người giả khiêm tốn, họ đã nghiên cứu trên 300 người phản ứng với giả khiêm tốn, khoe khoang, phàn nàn, trong những tình huống khác nhau. Dù là ở hoàn cảnh nào, mạng xã hội hay đời thực, những người giả khiêm tốn luôn được ít cảm tình nhất.
“Giữa khoe khoang thẳng và giả vờ khiêm tốn để khoe, những ai muốn tôn vinh bản thân nên chọn khoe khoang thẳng,” các nhà nghiên cứu viết “ít nhất bạn sẽ có được thành quả nhờ vào lời nói thật lòng.”
Thật vậy, giả khiếm tốn có hai vấn đề: việc này bao gồm khoe khoang, điều mà chẳng ai thích, và ý định che giấu sự khoe khoang ấy, nhưng lại rất dễ nhận biết và khiến bạn trở nên không chân thành trong mắt người khác.
Nếu bạn là người đã chứng kiến người khác giả khiêm tốn trên Facebook hay Twitter, bạn có thể dễ dàng hiểu được. Nhưng những người giả khiêm tốn có thể không hề biết tác dụng ngược của những lời nói ấy.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người giả khiêm tốn trải nghiệm hiệu ứng tích cực từ việc khoe khoang và cảm xúc tích cực khi họ không thực sự khoe khoang, trong khi đó, người khác lại có phản ứng tiêu cực với cả việc tự tôn vinh bản thân lẫn khi bạn cố gắng che giấu nó.”