Sôi nếp nương chấm cùng bột Chéo. Chéo làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.
Thời xa xưa, khi những cánh rừng đại ngàn còn che chở bản làng, khi thú rừng rong chơi và những người thợ săn vẫn đêm đêm lặn lội theo dấu con mồi, thì chéo nhất quyết không thể thiếu trong túi đồ thợ săn. Đồng bào Thái đen cho rằng, con thú sẽ được Thần rừng cho sống lại sau khi chết. Bởi vậy, mỗi khi bắn được con mồi, họ không bao giờ lấy bộ lòng.
Xả thịt con mồi ngay giữa rừng, thợ săn sẽ đặt lại toàn bộ tim, gan, ruột của nó lên tảng đá và khấn khứa, đại ý: “Thưa Thần rừng, hôm nay tôi mượn một con vật của Thần. Tôi đã để lại bộ lòng, xin Thần cho nó cái vỏ khác để nó lại được chạy nhảy…”. Bài khấn xong là lúc những người đi săn có quyền đánh chén phần còn lại của con thú. Và tục lệ bắt buộc phải ăn hết con mồi tại chỗ đã khiến việc sử dụng chéo xát vào bên trong, bên ngoài con vật trước khi nướng trở thành thông dụng.
Chéo là loại gia vị miền Tây Bắc đã đi vào huyền thoại, không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái đen được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén.
Mắc, theo tiếng Thái, có nghĩa là quả. Nhưng còn Khén thì không hề có chữ gì đồng nghĩa hay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy mắc khén mãi mãi sẽ là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đổi quen thuộc với con người. Thực tế Mắc Khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Người chốn sơn lâm chỉ việc lên sườn núi, tìm những cành Mắc Khén chín về phơi khô rồi xoa cho quả rời cành.
Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được Chéo, giống như một dạng muối vừng với người Kinh. Quả Mắc Khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm phức, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗ hợp trên thì tạo thành Chéo, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.
Chéo thông dụng nhất dùng để chấm những chõ xôi nếp nương, thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ, dưới chân đèo Khâu Phạ, chia đôi Nghĩa Lộ - Than Uyên, thì chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng: “Nếp Tú Lệ/Tẻ Mường Lò/ Xòe Kinh Bạc”.
Mắc Khén khô trước khi chế biến cùng với các gia vị làm thành bột chéo. Loại gia vị này còn giúp thịt thú rừng trở nên thơm ngon đặc biệt. Không chỉ dùng cho những loài thú săn trên rừng, chéo còn được người Thái đen sử dụng trong cách nướng cá ”pa pẻng toh” có nghĩa là “cá nướng gập” đầy quyến rũ. Cá mang về nhà rửa sạch, mổ từ sống lưng trở xuống để lấy sạch ruột, xát chéo cả bên trong và bên ngoài, sau đó banh ra gập ngang thân dùng que xiên, nướng.
Người chưa ăn không thể cưỡng lại được khi tưởng tượng, huống gì khách đã ăn quen. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của chéo tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.
Theo Báo Đất Việt