Bà chủ Hạnh của quán 'Hạnh Kha" đang phục vụ phở cho khách |
Chị Hạnh đã sống ở Ukraina được 17 năm, chủ yếu làm nghề làm cỗ cho đồng bào tại đây, nhưng mới đây mới chuyển sang bán phở cùng chồng. Chị bảo, phở của chị là "chất lượng Khâm Thiên". Không có gì ngạc nhiên, vì mẹ chị Hạnh bán phở ở Khâm Thiên, là bà Cả Thuận. Và hỗ trợ cho chị, với nụ cười rất duyên và đầy chân thành là anh Kha, chồng chị, người đã từng có thời là bếp trưởng của một khách sạn lớn ở Hà Nội. Tôi nghĩ, thành thật mà nói, thật khó định nghĩa xem "phở Hạnh" theo "trường phái" nào, Bắc hay Nam, nhưng cứ đi những chuyến công tác dài ngày như thế này, mà có cơ hội được ngồi cùng với đồng bào mình ở một mảnh đất xa lắc xa lơ nào đó, quê hương bỗng gần lại khi khái niệm về không gian không còn tồn tại. Tôi đã ăn phở Việt ở Ý, ở Pháp, ở Đức, ở Áo, Thụy Sĩ và nhiều nơi khác, mỗi nơi một vị, một cách nấu, tùy theo nguồn gốc xuất thân của người chủ Việt kiều. Giờ đến lượt tôi ăn phở Kiev, và không lâu nữa, sẽ là ở Kharkov, nơi có nhiều người Việt Nam nhất trên mảnh đất này. 12 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại nơi đã từng một thời gắn bó với chúng ta một cách hữu cơ. Hôm chúng tôi qua chào sứ quán, nữ đại sứ Minh Nguyệt bảo rằng, người Việt mình bên này làm ăn và học tập chăm chỉ, đoàn kết và theo cộng đồng để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau theo các sinh hoạt của cộng đồng. Chúng tôi cảm nhận được điều ấy khi đi đến bất cứ nơi nào có người Việt ở Kiev đều được tạo điều kiện tối đa cho tác nghiệp. Họ cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào chúng tôi cần. Bát phở của "nhà hàng Hạnh Kha" giữa cơn mưa tầm tã trong một căn lều bị dột cũng thế. Và chúng tôi không thể quên họ.
Quán phở "Hạnh Kha" trong cơn mưa tầm tã, nhưng vẫn rất ấm cúng |
Trước bát phở ấy, là những chiếc bánh ngọt của chị Huệ, một người phụ nữ Huế góa bụa sống trong một khu phố mà đường xá rất khó đi ở ngay trong thành phố. Những chiếc bánh của người phụ nữ đã 20 năm sống trên mảnh đất này mới làm, còn nóng khiến chúng tôi xúc động. Xúc động vì sự ấm nóng của những tấm lòng. Đi đâu cũng thế, dù xa hay gần, dù thân hay sơ, thì tình cảm đồng bào lúc nào cũng đáng quý, khi hai chữ "quê hương" được hiểu theo đúng nghĩa của nó. Cơn mưa vẫn chưa dứt dù bát phở đã ăn xong. Tiếng nói cười của những người Việt xa quê, dù xa dài hay ngắn của những người rồi đây cũng sẽ trở về hoặc những người muốn tiếp tục ở lại lâu nữa, vẫn vang lên vui vẻ trong tiếng nước rớt tong tỏng từ mái lều thủng…