Tàu Zafirah đã được đưa vào Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng chức năng kiểm tra tàu. Ảnh: Anh Nguyễn |
Qua kiểm tra cho thấy, sau khi cướp được tàu Zafirah, nhóm hải tặc đã "làm mới" gần như toàn bộ hình dạng bên ngoài của con tàu để đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Thân tàu từ màu xanh lá cây được sơn lại màu đen, đổi tên thành SEA HORSE, quốc tịch Malaysia chuyển thành Honduras và các dòng chữ trên cabin, phao, thuyền cứu sinh cũng được sơn phết lại.
Cướp biển đã sơn lại màu đen và đổi tên tàu nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Ảnh: Anh Nguyễn |
Chiều cùng ngày, công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có mặt để rà phá bom mìn, vũ khí trên tàu Zafirah nhưng không phát hiện nghi vấn nào. Theo đại tá Đinh Văn Nghiêm (Phó Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 3), trước khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, có thể bọn cướp đã vứt hết vũ khí xuống biển để phi tang.
Vết đạn trên cabin tàu Zafirah. Ảnh: Anh Nguyễn |
Bà Rachmaida Ginting, đại diện Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP HCM đã đến Hải đội 2 Biên phòng để thăm hỏi 5 thủy thủ người Indonesia làm việc trên tàu Zafirah bị cướp biển tấn công. Được bộ đội biên phòng chăm sóc, bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo nên sức khỏe các thủy thủ bị nạn đã hồi phục, tinh thần ổn định.
Bà Rachmaida Ginting bày tỏ biết ơn ngư dân và cơ quan chức năng Việt Nam đã tận tình giúp đỡ các thủy thủ Indonesia gặp nạn. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang khẩn trương phối hợp cùng cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục để 9 thủy thủ tàu Zafirah sớm hồi hương, đoàn tụ gia đình.
Nơi thủy thủy tàu Zafirah bị cướp biển giam giữ. Ảnh: Anh Nguyễn |
Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã lệnh cho Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng quân tại TP Vũng Tàu) triển khai hai biên đội tàu (gồm 5 chiếc) ra hiện trường tìm kiếm và theo dõi hoạt động của các tàu nghi vấn. Sáng 22/11, một con tàu khả nghi đi vào vùng biển Việt Nam và liên tục chuyển hướng di chuyển tránh sự kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Xác định con tàu này chính là Zafirah bị cướp dù hình dạng bên ngoài có nhiều khác biệt, lập tức 5 tàu cảnh sát biển đã triển khai đội hình và bố ráp xung quanh. Lực lượng chức năng đề nghị những người trên tàu thả neo, buông súng đầu hàng nhưng không có kết quả.
Trước tình hình này, lúc 16h ngày 22/11, đại tá Lê Xuân Thanh, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 3 đã trực tiếp chỉ huy việc tấn công bọn cướp biển. Sau gần 1 giờ tác chiến, các trinh sát Vùng Cảnh sát biển 3 đã bắt gọn 11 hải tặc đang cố thủ trên tàu Zafirah và đưa vào vũng tàu ngay trong đêm.