Chúng ta hãy cải tiến hành vi cá nhân của mình và gia tăng gấp đôi các nỗ lực của mình để bảo vệ những người thân của chúng ta và môi trường của chúng ta khỏi sự tấn công dữ dội của hình ảnh sách báo khiêu dâm.
Mùa hè năm ngoái Chị Oaks và tôi trở về sau hai năm ở Phi Luật Tân. Chúng tôi yêu thích công việc phục vụ của mình ở đó, và chúng tôi cũng yêu thích được trở về nhà. Khi ở xa, chúng tôi thấy môi trường quanh mình theo một quan điểm mới, với lòng biết ơn gia tăng và đôi khi với nhiều mối quan tâm mới.
Chúng tôi quan tâm khi thấy những sự xâm nhập của hình ảnh sách báo khiêu dâm vào Hoa Kỳ trong khi chúng tôi ở xa. Trong nhiều năm, các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đã cảnh cáo về nguy cơ của hình ảnh và lời nói nhằm khơi động những ham muốn tình dục. Giờ đây, ảnh hưởng suy đồi của hình ảnh sách báo khiêu dâm, được sản xuất và phổ biến vì lợi nhuận thương mại, đang càn quét xã hội chúng ta giống như một trận cuồng phong tàn ác.
Tại đại hội vừa qua của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dành hết một bài nói chuyện về đề tài này, cảnh cáo bằng những từ dễ hiểu nhất rằng “đây là một vấn đề rất nghiêm trọng ở giữa chúng ta (“Một Điều Xấu Xa Bi Thảm ở giữa Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 61). Đa số các vị giám trợ mà chúng tôi họp trong các đại hội giáo khu giờ đây tường trình những mối lo âu nghiêm trọng về vấn đề này.
Các bạn của tôi mà cùng nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và cũng như các thiếu niên của chúng ta, tôi muốn được nói chuyện với các anh em hôm nay về hình ảnh sách báo khiêu dâm. Tôi biết rằng nhiều người trong các anh em đang dính líu vào điều này và nhiều người trong các anh em đang bị tiêm nhiễm bởi điều này.
Khi tập trung bài nói chuyện của tôi vào đề tài này, tôi cảm thấy giống như tiên tri Gia Cốp, là người đã bảo những người dân thời ông rằng điều làm cho ông đau buồn là ông phải dùng đến những lời lẽ nghiêm khắc để nói trước mặt vợ con họ, là những người nhạy cảm. Nhưng mặc dù sự khó khăn của việc đó, ông nói rằng ông đã nói cho những người đàn ông ấy về đề tài này bởi vì Thượng Đế đã truyền lệnh cho ông (xin xem Gia Cốp 2:7–11). Tôi cũng làm như vậy cùng với lý do giống như thế.
Trong chương hai của sách mang tên ông, Gia Cốp lên án những người đàn ông về “sự trụy lạc” (các câu 23, 28) . Ông bảo họ rằng họ đã “làm đau khổ trái tim của người vợ hiền của [họ], và làm mất sự tin tưởng của con cái [họ], vì [họ] nêu guơng xấu trước mặt [chúng]” (câu 35).
Những sự “trụy lạc” cực kỳ đồi bại này là gì? Chắc chắn là một số người đã có lỗi về những hành động tà ác. Nhưng trọng tâm chính của bài thuyết giảng tuyệt luân của Gia Cốp, không phải là những hành động xấu xa đã phạm vào, mà là những hành động xấu xa đang dự tính làm.
Gia Cốp bắt đầu bài thuyết giảng của mình bằng cách nói cho những người đàn ông biết rằng “từ truớc tới giờ [họ] đã tuân theo lời của Chúa” (Gia Cốp 2:4). Tuy nhiên, sau đó ông nói cho họ biết rằng ông đã biết được những ý tưởng của họ, rằng họ đang “bắt đầu hành động trong tội lỗi, và tội lỗi ấy rất khả ố… đối với Thượng Đế” (câu 5). Ông nói thêm: “Tôi phải làm chứng cùng các người về những điều tà ác trong lòng các người” (câu 6). Gia Cốp đang nói như Chúa Giê Su đã nói khi Ngài phán: “Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Ma Thi Ơ 5:28; xin xem thêm 3 Nê Phi 12:28; GLGƯ 59:6; 63:16).
Cách đây hơn 30 năm, tôi đã nài nỉ các sinh viên tại trường BYU phải tránh “các tài liệu quảng cáo về những mối quan hệ tình dục bất chính” trong những gì mà họ đọc và xem. Tôi đã đưa ra phép loại suy này:
“Các câu chuyện và hình ảnh khiêu dâm hay gợi dục thì còn tệ hại hơn thức ăn nhơ bẩn và nhiễm độc. Cơ thể có sự phòng thủ để trừ khử thức ăn độc hại. Với một vài ngoại lệ gây tai họa chết người, thức ăn độc hại sẽ chỉ làm cho ta bị bệnh nhưng không gây nguy hại vĩnh viễn. Trái lại, một nguời say mê những câu chuyện nhơ bẩn hoặc hình ảnh sách báo khiêu dâm hay gợi dục ghi chúng vào trong bộ nhớ kỳ diệu này mà chúng ta gọi là trí não. Trí não sẽ không nôn ra những thứ nhơ bẩn. Một khi đã ghi vào rồi, thì nó sẽ luôn luôn phải chịu để nhớ lại, chiếu trở lại những hình ảnh tồi tệ trong tâm trí của ta và lôi kéo ta xa khỏi những sự việc lành mạnh trong cuộc sống.”1
Thưa các anh em, ở đây, tôi phải nói cho các anh em biết rằng các vị giám trợ và những người cố vấn chuyên môn của chúng ta đang nhìn thấy một con số ngày càng gia tăng những người đàn ông đang dính líu đến hình ảnh sách báo khiêu dâm, và nhiều người này là các tín hữu tích cực. Một số người mà dính líu với hình ảnh sách báo khiêu dâm hiển nhiên giảm thiểu sự nghiêm trọng của nó và tiếp tục sử dụng chức tư tế của Thượng Đế vì họ nghĩ rằng không một ai biết về sự dính líu này của họ. Nhưng thưa các anh em, người dính líu điều này biết và Chúa cũng biết.
Một số người đã đề nghị rằng hình ảnh sách báo khiêu dâm phải được đặt ra như một câu hỏi riêng rẽ về điều này trong cuộc phỏng vấn xin giấy giới thiệu đi đền thờ. Đã có những loại câu hỏi như thế rồi. Có ít nhất năm câu hỏi khác nhau mà gợi ra một sự thú nhận và thảo luận về đề tài này nếu người được phỏng vấn có sự nhạy cảm thuộc linh và sự thành thật mà chúng ta kỳ vọng nơi những người thờ phượng trong ngôi nhà của Chúa.
Một trong những lời giảng dạy đáng ghi nhớ nhất của Đấng Cứu Rỗi áp dụng cho những người đang lén lút xem hình ảnh sách báo khiêu dâm:
“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha Ri Si, là kẻ giả hình! vì các ngươi rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy dẫy sự ăn cướp cùng sự quá độ.
“Hỡi người Pha Ra Si mù kia, trước hết phải lau bề trong chén và mâm, hầu cho bề ngoài cũng được sạch sẽ” (Ma Thi Ơ 23:25–26; xin xem thêm An Ma 60:23).
Đấng Cứu Rỗi tiếp tục lên án những người tôn trọng những gì thấy được nhưng lại xao lãng việc thanh tẩy ở bên trong con người:
“Các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy.
“Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi” (Ma Thi Ơ 23:27–28).
Những kết quả thuộc linh trực tiếp của sự giả hình như thế thì đầy sức hủy hoại. Những người tìm kiếm và sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm thì đánh mất quyền năng chức tư tế của họ. Chúa đã phán: “Khi chúng ta muốn che giấu những tội lỗi của mình… này, thiên thượng sẽ tự rút lui; Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay thẩm quyền của người ấy” (GLGƯ 121:37).
Những người xem hoặc đọc hình ảnh sách báo khiêu dâm cũng đánh mất sự đồng hành của Thánh Linh. Hình ảnh sách báo khiêu dâm sản xuất ra những ý nghĩ kỳ quặc mà sẽ hủy diệt nếp sống thuộc linh. “Chăm về xác thịt sinh ra sự chết”—cái chết thuộc linh (Rô Ma 8:6; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:39).
Thánh thư đã nhiều lần dạy rằng Thánh Linh của Chúa sẽ không ngự nơi đền tạm ô uế. Khi dự phần xứng đáng vào Tiệc Thánh, thì chúng ta sẽ được hứa rằng chúng ta sẽ “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (GLGƯ 20:77). Để hội đủ điều kiện cho lời hứa đó, chúng ta giao ước rằng chúng ta sẽ “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.” Những người tìm kiếm và sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm cho sự khích dục thì hiển nhiên vi phạm giao ước đó. Họ cũng vi phạm một giao ước thiêng liêng là không thực hành những điều tội lỗi và ô uế. Họ không thể có Thánh Linh của Chúa ở cùng với họ. Tất cả những người như thế cần phải lưu ý đến lời khẩn nài của Sứ Đồ Phi E Rơ: “Vậy, hãy ăn năn điều ác mình, và cầu nguyện Chúa, hầu cho ý tưởng của lòng ngươi đó họa may được tha cho” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:22).
Thưa các anh em, các anh em đã thấy rằng tôi không thảo luận những tác động của hình ảnh sách báo khiêu dâm đến sức khỏe tâm thần hoặc hành vi phạm tội. Tôi đang thảo luận những tác động của nó đến phần thuộc linh—đến khả năng của chúng ta để có sự đồng hành của Thánh Linh của Chúa, và năng lực của chúng ta để sử dụng quyền năng của chức tư tế.
Hình ảnh sách báo khiêu dâm cũng gây ra những tổn hại khủng khiếp cho mối quan hệ cá nhân quý báu nhất của chúng ta. Trong bài nói chuyện của ông cùng những người nam của chức tư tế vào tháng Mười năm ngoái, Chủ Tịch Hinckley đã trích dẫn bức thư của một phụ nữ mà đã yêu cầu ông cảnh giác các tín hữu rằng hình ảnh sách báo khiêu dâm “có hậu quả phá hoại tận cùng những tâm hồn và linh hồn, hủy diệt những mối quan hệ” (Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 60).
Tại một đại hội giáo khu mới đây, một phụ nữ đã đưa cho tôi một bức thư tương tự. Chồng của người ấy cũng đã phục vụ trong những sự kêu gọi quan trọng trong Giáo Hội trong nhiều năm trong khi đam mê hình ảnh sách báo khiêu dâm. Người này kể về sự khó khăn lớn lao trong việc yêu cầu các vị lãnh đạo chức tư tế lưu ý đến vấn đề hình ảnh sách báo khiêu dâm này: “Tôi nhận được đủ loại câu trả lời—mà giống như tôi phản ứng quá mạnh hoặc đó là lỗi của tôi. Vị giám trợ hiện giờ của chúng tôi thì rất là tuyệt vời. Và giờ đây sau 15 năm, chồng của tôi đang cố gắng giải quyết sự đam mê của mình, nhưng giờ đây 15 năm thì khó hơn cho anh ấy để bỏ và sự mất mát thì không lường được.”
Hình ảnh sách báo khiêu dâm làm suy yếu khả năng của một người để vui hưởng mối quan hệ bình thường, tình cảm, thơ mộng, và thuộc linh với người khác phái. Nó soi mòn sức mạnh luân lý mà ngăn cản hành vi không thích đáng, bất bình thường, hoặc bất hợp pháp. Khi lương tâm trở nên chai đá, những người xem hình ảnh sách báo khiêu dâm bị dẫn dắt đến việc hành động theo điều mà họ đã thấy, bất chấp những tác động của nó đến cuộc sống của họ và cuộc sống của những người khác.
Hình ảnh sách báo khiêu dâm cũng gây đam mê. Nó làm suy yếu khả năng chọn quyết định và nó “gây say mê” nơi những người sử dụng nó, lôi cuốn ám ảnh họ càng ngày càng nhiều hơn. Một người say mê hình ảnh sách báo khiêu dâm và ma túy bất hợp pháp đã viết cho tôi về điều so sánh này: “Theo ý tôi, cocain không so sánh được với điều này. Tôi đã thử cả hai…. Việc từ bỏ ngay cả ma túy ghiền nhất cũng không thể so sánh với việc [cố gắng từ bỏ hình ảnh sách báo khiêu dâm]” (bức thư đề ngày 20 tháng Ba năm 2005).
Một số người tìm cách bào chữa sự ham mê của họ bằng cách cãi lẽ rằng họ chỉ xem hình ảnh sách báo khiêu dâm “xấu đôi chút” chứ không phải “xấu nhiều”. Một vị giám trợ khôn ngoan đã gọi việc từ chối nhìn nhận sự xấu xa này là sự xấu xa. Ông nêu ra những người tìm cách bào chữa cho những chọn lựa để xem bằng cách so sánh chẳng hạn như “đâu có tệ như” hoặc “chỉ là một cảnh xấu.” Nhưng cách thức đo lường sự xấu xa không phải bằng mức xấu xa của nó mà bằng loại hậu quả nào mà nó có trên người ta. Khi những người mà giải trí với những ý tưởng xấu quá lâu đủ để Thánh Linh rút lui, thì họ đánh mất sự bảo vệ thuộc linh của họ và họ phải chịu lệ thuộc vào quyền lực và sự hướng dẫn của quỷ dữ. Khi họ sử dụng mạng lưới Internet hoặc hình ảnh sách báo khiêu dâm khác cho điều mà vị giám trợ này mô tả là “gợi dục khi thèm muốn” (bức thư đề ngày 13 tháng Ba năm 2005), thì họ đã chìm sâu trong tội lỗi.
Bài giảng tuyệt vời của Vua Benjamin mô tả những hậu quả khủng khiếp. Khi chúng ta rút lui khỏi Thánh Linh của Chúa, thì chúng ta trở thành kẻ thù của sự ngay chính, chúng ta có một ý thức mãnh liệt về tội lỗi của mình, và chúng ta “lánh xa khỏi nơi hiện diện của Chúa” (xin xem Mô Si A 2:36–38). Ông kết luận rằng: “Lòng thương xót không còn hiệu lực gì nữa đối với kẻ đó, vậy nên số phận cuối cùng của hắn là phải chịu một cực hình bất tận” (câu 39).
Hãy xem tấm gương bi thảm của Vua David. Mặc dù là một người có phần thuộc linh mạnh mẽ ở Y Sơ Ra Ên, ông đã để cho mình tìm kiếm điều mà đáng lẽ ông không nên nhìn (xin xem 2 Sa Mu Ên 11). Bị cám dỗ bởi điều mà ông đã nhìn thấy, ông đã vi phạm hai trong số Mười Điều Giáo Lệnh, bắt đầu với “Ngươi chớ phạm tội tà dâm” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14). Trong cách thức này, một vị vua tiên tri đã sa ngã khỏi sự tôn cao của mình (xin xem GLGƯ 132:39).
Nhưng tin lành là không một ai cần phải đi theo con đường tà ác dẫn đến sự giày vò. Mọi người dính líu với hình ảnh sách báo khiêu dâm mà đã mang đến cho mình sự xuống dốc khủng khiếp đó đã có chìa khóa để đảo ngược hướng đi của mình. Người ấy có thể thoát khỏi. Qua sự hối cải, người ấy có thể được trong sạch.
An Ma Con mô tả điều đó như sau:
“Phải, cha đã nhớ lại tất cả những tội lỗi và những điều bất chính của mình, và vì thế cha phải bị giày vò với những nỗi đau đớn của ngục giới.
“… Chỉ mới có ý nghĩ là mình sẽ đến trước mặt Thượng Đế cũng đủ xâu xé tâm hồn cha một cách ghê sợ khôn tả….
“Và chuyện rằng, trong lúc cha bị khốn khổ với cực hình trong lúc cha bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới bao tội lỗi của mình, này, cha bỗng nhớ lại lời tiên tri của phụ thân cha đã tiên tri cho dân chúng biết về sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.
“Bấy giờ, khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết.
“Và bấy giờ, này, cha vừa nghĩ xong điều ấy, thì cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa.
“Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khắc chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy!” (An Ma 36:13–14, 17–20).
Thưa các anh em của tôi mà đang sa vào sự đam mê này hoặc gặp rắc rối bởi sự cám dỗ này, thì có một cách thức để thoát ra.
Trước hết, hãy nhận ra tội lỗi. Đừng bào chữa cho nó hoặc cố gắng tự biện hộ cho mình. Trong ít nhất một phần tư thế kỷ các vị lãnh đạo của chúng ta đã khẩn nài với những người nam, cũng như những người nữ và trẻ em, hãy tránh điều xấu xa này.2 Các tạp chí hiện nay của Giáo Hội chứa đầy những lời cảnh cáo, thông tin, và giúp đỡ về đề tài này—hơn 20 bài báo đã được hoặc sẽ được xuất bản trong năm nay và năm ngoái mà thôi.3
Thứ nhì, tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa và các tôi tớ của Ngài. Hãy nghe và chú tâm đến những lời nói của Chủ Tịch Hinckley:
“Hãy khẩn nài với Chúa từ đáy lòng mình để Ngài sẽ cất các anh em khỏi thói nghiện ngập mà biến các anh em thành nô lệ. Và cầu xin cho các anh em có được lòng can đảm để tìm kiếm sự hướng dẫn nhân từ của vị giám trợ của các anh em và, nếu cần, lời khuyên nhủ đầy lo lắng của những nhà chuyên môn” (Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 62).
Thứ ba, hãy làm hết sức mình để tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm. Nếu các anh chị em thấy mình đang bị ảnh hưởng của nó—điều đó có thể xảy ra cho bất cứ ai trên thế gian nơi mà chúng ta sống—hãy noi theo gương của Giô Sép ở Ai Cập. Khi sự cám dỗ đổ chụp lên ông, ông đã rời sự cám dỗ và “bỏ chạy ra ngoài” (Sáng Thế Ký 39:12).
Đừng chiều theo bất cứ mức độ cám dỗ nào. Hãy ngăn ngừa tội lỗi và tránh đương đầu với sự hủy diệt quen thuộc của nó. Vậy nên, hãy đè nén! Hãy nhìn sang chỗ khác! Hãy tránh nó bằng mọi giá. Hãy hướng ý nghĩ của mình vào các đường lối lành mạnh. Hãy nhớ đến các giao ước của mình và luôn trung tín trong việc tham dự đền thờ. Vị giám trợ khôn ngoan mà tôi đã trích dẫn lời trên đây đã báo cáo rằng “việc mà một người nắm giữ chức tư tế đã làm lễ thiên ân sa vào vòng hình ảnh sách báo khiêu dâm thì không bao giờ xảy ra trong thời gian thờ phượng đều đặn trong đền thờ; nó xảy ra khi người ấy trở nên xao lãng trong sự thờ phượng trong đền thờ” (bức thư đề ngày 13 tháng Ba năm 2005)
Chúng ta phải luôn luôn hành động để bảo vệ những người mà chúng ta yêu thương. Các cha mẹ đặt hệ thống báo động để báo cho biết nếu gia đình của họ đe dọa bởi khói hoặc chất carbon monoxide. Chúng ta cũng phải gắn máy bảo vệ khỏi những đe dọa thuộc linh, chẳng hạn những sự bảo vệ giống như những hệ thống lọc trên mạng lưới Internet, và những màn ảnh theo dõi để những người khác có thể thấy được điều đang xem. Và chúng ta cũng phải xây đắp sức mạnh thuộc linh của gia đình mình bằng những mối quan hệ đằm thắm, những lời cầu nguyện chung gia đình, và sự học hỏi thánh thư.
Cuối cùng, chớ mua tài liệu khiêu dâm. Đừng dùng khả năng mua của mình để hỗ trợ việc giảm giá trị các tiêu chuẩn đạo đức. Và thưa các em thiếu nữ, xin hiểu rằng nếu ăn mặc hở hang, thì các em đang làm vấn đề trầm trọng thêm bằng cách trở thành hình ảnh khiêu dâm đối với một số người đàn ông mà nhìn thấy các em.
Xin hãy lưu ý đến những lời cảnh cáo này. Chúng ta hãy cải tiến hành vi cá nhân của mình và gia tăng gấp đôi các nỗ lực của mình để bảo vệ những người thân của chúng ta và môi trường của chúng ta khỏi sự tấn công dữ dội của hình ảnh sách báo khiêu dâm mà đe dọa phần thuộc linh, hôn nhân, và con cái chúng ta.
Tôi làm chứng rằng đây là điều mà chúng ta nên làm để vui hưởng các phước lành của Ngài là Đấng mà chúng ta thờ phượng. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, sự sáng và sự sống của thế gian, mà Giáo Hội này thuộc vào, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
[size=2]Ghi chú[/size]1. Challenges for the Year Ahead (quyển sách nhỏ, 1974), 4–5; được in lại trong “Things They’re Saying,” New Era, tháng Hai năm 1974, 18.
2. Chẳng hạn, xin xem Gordon B. Hinckley, “Một Điều Xấu Xa Bi Thảm ở giữa Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 59–62; David E. Sorensen, “Chớ Đùa với Rắn Chuông,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 48–50; Thomas S. Monson, “Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm—Mầm Bệnh Chết Người,” Ensign, tháng Mười Một năm 1979, 66–67; David B. Haight, “Đạo Đức Cá Nhân,” Ensign, tháng Mười Một năm 1984, 70–73.
3. Chẳng hạn xin xem Rory C. Reid, “The Road Back: Abandoning Pornography,” Liahona, tháng Hai năm 2005, 28–33; Arianne B. Cope, “Internet Café,” New Era, tháng Ba năm 2005, 34–37; Nycole S. Larsen, “The Decision,” Friend, tháng Ba năm 2004, 40–41.