“Một khung xương vững như bàn thạch, bộ hàm hộp cứng như thép, một hệ cơ bắp mà không loại chó nào phát triển mạnh như nó, một hệ tuần hoàn với trái tim lớn và một chiến ý không thể dập tắt” - Đó là những lời người ta phải thốt lên khi nhìn thấy loài chó Pitbull (Pit) trong một cuộc ẩu đả.
Khi đã lâm trận, loài chó này còn “cuồng” hơn cả chó điên. Điều nguy hiểm là, chó Pit được nhập về Hà Nội, được nuôi dưỡng, huấn luyện sai cách và trở thành một “sát thủ máu lạnh”, sẵn sàng tấn công một người nào đó đến chết.
Chó Pit có điên?
Chẳng có gì là lạ khi anh Long - một người đam mê huấn luyện chó Pit, ở phố Bạch Mai bật mí với tôi: “Những người mua Pit toàn là dân có số má, nếu không thì cũng là những tay ngỗ ngược. Họ muốn có con Pit như là một thứ vũ khí nguy hiểm để phòng thân”. Nghe thế cũng đã đủ biết độ quái của loài chó này.
Có rất nhiều lời đồn thổi về giống chó Pit. Có lẽ một phần vì ngoại hình quá dữ dằn của chúng. Dù kích thước tổng thể không quá to như kiểu chó ngao Tây Tạng, song Pit có một bộ khung xương vững chãi “như bàn thạch”, khắp thân là những múi cơ bắp săn chắc, vai trước vạm vỡ. Đặc biệt là đôi mắt, sắc lạnh và lầm lì, nằm ở dưới cái trán to gồ lên. Có không ít con Pit trên người chằng chịt những vết sẹo, càng làm tăng lên ác cảm và sự sợ hãi đối với người lần đầu tiên tiếp xúc.
Nhiều người rỉ tai nhau rằng, loài chó này có một cơ hàm khác biệt, có cấu tạo như khớp khóa, do đó khi nó đã cắn vật gì, hay đối thủ thì không bao giờ nhả ra. Người ta còn tin rằng, Pit là loài chó không biết đau nhờ hệ thần kinh… có vấn đề; dù bị con khác cắn tơi bời cũng chẳng xi-nhê gì, thậm chí có xịt hơi cay vào mặt nó cũng vô tác dụng. Chính vì thế nhiều người cho rằng, loài chó này thường điên điên.
Vừa mới đây, theo chân anh Long, tôi cũng được dịp chứng kiến màn chọi chó Pit có một không hai. Địa điểm xảy ra trận thư hùng là bãi cỏ giữa phố Hào Nam. Khán giả lúc đầu chỉ có mấy thanh niên choai choai, về sau là chen chúc những người đi đường vì hiếu kỳ mà dừng lại xem. Giữa bãi cỏ, hai con Pit đực, mỗi con nặng gần 30kg lao vào nhau cắn xé bằng sức mạnh bản năng. Luật chơi thực ra đã được chính loài chó này quy định. Rằng là, chỉ khi đối thủ nằm xuống ngắc ngoải hoặc chết thì bên kia mới chịu dừng lại. Quả thực, những người yếu tim không nên xem màn chọi chó này, bởi cả hai con đều be bét máu, có những vết cắn toạc cả thớ thịt, thỉnh thoảng chúng thủ thế và tranh thủ liếm máu tươi trên chính cơ thể mình. Tiếng hò reo của cả đám người huyên náo cả một dãy phố. Sau khoảng 30 phút kịch chiến, một con Pit dính đòn tợp họng, mất quá nhiều máu, kiệt sức mà ngã xuống, chỉ còn giãy nhẹ và thoi thóp thở. Chỉ đến khi ấy, chủ của con chó thắng cuộc mới lao vào dùng xích sắt tròng cổ nó lại để lôi ra.
Tôi chợt rùng mình nghĩ, nếu đối thủ của hai con Pit kia vô tình là con người thì người ấy chỉ có nước “đi Hoàn Vũ”.
Và tôi thề rằng, đây là lần cuối cùng tôi xem chọi chó, bởi đối xử với vật nuôi nổi tiếng trung thành thế này thì quá mức tàn tệ!
Hiểm họa từ chó Pit
Anh Long cho biết, con chó Pit đầu tiên được du nhập về Việt Nam vào năm 2003 do anh Mai Quang Tuấn ở Hải Phòng mua. Sau đó, thỉnh thoảng người ta mới nhìn thấy một con Pit xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh. Chỉ khoảng hơn một năm trở lại đây, chó Pit mới được ào ạt nhập về Việt Nam và phong trào huấn luyện và chọi chó Pit mới rộ lên.
Theo anh Long, hiện ở nhiều nước trên thế giới đã cấm nhân giống và nuôi loài chó này vì Pit liên tục nổi cơn điên và giết người.
Là bởi, để huấn luyện thành công một con chó Pit ngoan ngoãn, nghe lời chủ là một việc cực khó khăn. Huấn luyện nó thành một con chó chiến đấu thì càng công phu hơn nữa. Để cho cơ bắp rắn chắc, chó Pit thường được ra hồ tập bơi. Với trọng lượng vài chục kilogram, chú chó cứ cắm đầu lôi chủ đi xềnh xệch. Chó Pit có cơ bắp phát triển và lực cắn khỏe nhất trong tất cả các loài chó. Chúng có thể đốn hạ một cây có đường kính 40cm trong thời gian ngắn. Muốn huấn luyện chúng, người chủ phải có sức khỏe của Hecquyn mới mong nó nghe lời. Ngoài bơi còn có những môn Pit phải thường xuyên luyện tập là kéo… lốp xe hơi, leo cây, leo cầu thang, chạy dài, vượt chướng ngại vật… để tăng cường sức khỏe.
Một bài tập rất quan trọng, đó là luyện thần kinh cho chó. Pit được ngồi lên xe, chở đi quanh phố để làm quen với tiếng ồn, bởi chú chó dù giỏi đến đâu nhưng thần kinh kém, khi lên võ đài sẽ bị hoảng loạn bởi tiếng ồn, có khi bỏ chạy trước khi bị đối thủ tấn công…
Đối với chó nghiệp vụ, khi huấn luyện cần phải dùng quân xanh (con người làm mồi) nhưng với chó chọi có thêm một phương pháp mới, đó là cho “chó đấu chó” thì chúng mới mau trưởng thành được. Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ, đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn. Vì vậy, trong quá trình huấn luyện những loại chó mới mua về, người nuôi cần phải đề phòng. Khi bị cắn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.
Ở Hà Nội người ta đã bắt đầu nhập về giống chó Pit từ Mỹ, Thái Lan… Họ nhập đủ các thành phần từ chó trưởng thành, chó con và những cặp chó giống để nhân giống. Huấn luyện chó Pit cũng không tuân theo bài bản nào cả. Đã manh nha xuất hiện cả trang trại chó Pit giữa Hà Nội.
Nhiều người cho rằng, loài chó Pit đích thị là chó điên, là thần kinh có… vấn đề vì nó quá hung dữ, sẵn sàng vô lý tấn công bất cứ ai. Tuy nhiên, xét cho cùng, chính những người chủ của chúng đã vô tình tạo nên bản tính ấy cho chúng. Xuất phát từ phong trào đấu chó, dân đấu chó chỉ tìm cách làm sao nhân giống ra những con hung dữ nhất để đấu thắng những con chó khác, còn những yếu tố khác họ bỏ mặc. Nhưng khi huấn luyện một bầy chó thì chỉ chọn được 1, 2 con để đấu. Những con khác tuy bị dân đấu chó loại ra nhưng cũng hung dữ vô cùng và những con này sẽ được bán cho người nuôi. Chúng trở thành hung thần với bất cứ ai nếu bị xổng xích. Những con chó Pit trưởng thành được nhập về Việt Nam chủ yếu nằm trong diện này.
Phong trào đấu chó phát triển bừa bãi không đi đôi với ý thức và trách nhiệm của người nuôi, nhân giống một cách vô lương tâm và lại bán bừa bãi cho những người chủ vô trách nhiệm thì loài chó Pit thực sự là một hiểm họa với cộng đồng.
Nếu như giới đấu chó chỉ thu gọn trong thế giới của họ, thì những con Pit hung dữ hay điên cuồng cũng không nhiều. Nhưng khi nó là một phong trào rẻ tiền thì sẽ thực sự nguy hiểm.
Anh Long cho biết: Việc nhân giống không suy nghĩ hậu quả, bán chó bừa bãi cho những người chủ vô trách nhiệm, qua nhiều lần nhân giống sẽ tạo ra những con chó thần kinh có vấn đề. Những con chó này đúng là những trái bom nổ chậm vì không thể nào biết trước được lúc nào nó lên cơn. Những ai nghĩ rằng, những con chó cho dù hung dữ cỡ nào cũng có thể huấn luyện được và mua chó không rõ nguồn gốc, ham rẻ thì nên suy nghĩ lại.