Ngược đãi, hành hạ, tận diệt động vật luôn là vấn đề nhức nhối trong mọi xã hội văn minh. Vì mưu sinh và đặc biệt là niềm tin vào tập quán, một số người bất chấp sự tồn tại bền vững của thiên nhiên, thẳng tay tàn sát các loài động vật xung quanh chúng ta…
Nằm cách thủ đô Kathmandu, Nepal 160km về phía Nam, đó chính là ngôi làng Bariyarpur, nơi có đền Gadhimai gần biên giới với Ấn Độ. Vùng đất bình yên này cứ 5 năm lại “dậy sóng” một lần, ngập tràn trong máu động vật của lễ hội hiến tế Gadhimai.
Đền Gadhimai thờ nữ thần quyền lực trong Hindu giáo - Gadhimai. Lễ hiến tế là một phần quan trọng nằm trong hội này, kéo dài trong suốt 1 tháng, từ tuần đầu tiên tháng 11 cho tới đầu tháng 12.
Lễ hội xuất phát từ truyền thuyết từ thế kỷ XVIII, liên quan tới 2 nhân vật là Chaudhary - địa chủ phong kiến và Dukha Kachadiya - thầy thuốc theo đạo Hindu.
Tương truyền, Chaudhary khi còn sống đã từng bị bỏ tù. Trong ngục, Chaudhary mơ rằng, nếu hiến tế máu cho thần Gadhimai thì sẽ được Nữ thần gỡ giải tai ương sau này.
Khi ra tù, ông đem câu chuyện tới kể cho Kachadiya và xin lời khuyên. Vị thầy lang cho rằng, đó là điềm báo mộng và dặn Chaudhary làm theo. Nghe lời, địa chủ này đã tổ chức lễ hiến tế máu động vật dâng thần Gadhimai, cầu xin thần phù hộ và bảo vệ cho mình. Dần dà, theo thời gian, lễ hội này được tất cả người dân tin theo và cùng thực hiện.
Từ đó, người dân theo lệ cứ đến tháng 12 tổ chức lễ hội hiến tế máu. Họ tới đây với mong muốn cầu xin sự may mắn và thịnh vượng mà Nữ thần Gadhimai phù hộ. Lễ vật họ mang tới thường là một con dê, gà, lợn hoặc trâu…
Anh Mahesh Yadav - một nông dân đã lặn lội từ rất xa tới đây bằng xe đạp để cảm tạ Nữ thần vì đã ban cho anh một cậu con trai. Anh chia sẻ: "Tôi có 7 cô con gái vì vậy tôi hứa sẽ hiến tế một con dê nếu ngài ban cho đứa con trai. Giờ mọi chuyện đã trở thành hiện thực”.
Lễ hội Gadhimai thu hút được rất nhiều sự chú ý. Năm 2009 - lần gần nhất mà lễ hội được tổ chức, số người tham gia đã lên tới hàng triệu. Họ phần lớn là các tín đồ Hindu giáo, không chỉ tới từ khắp Nepal mà còn ở quốc gia láng giềng Ấn Độ tới.
Trong suốt 2 ngày hội, lễ hiến tế chính là tâm điểm của mọi sự chú ý. Các loại động vật như trâu, lợn, dê, gà, vịt, chim bồ câu… chính là những vật hy sinh phổ biến nhất ở đây. Theo truyền thuyết, món đồ tế yêu thích của nữ thần Gadhimai chính là loài trâu nước, hay còn được gọi là “PaaDa”.
Quá trình chuẩn bị đồ tế lễ diễn ra quy củ từ mấy ngày trước hội. Khoảng 20.000 con trâu nước sẽ được lùa nhốt và canh giữ cẩn thận trong khu vực đặc biệt. Vào buổi lễ, chúng sẽ lần lượt bị chọc tiết cho tới chết. Máu của trâu sẽ được các thầy tu Hindu tưới lên các biểu tượng tôn giáo.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng động vật bị giết chết lớn hơn rất nhiều. Năm 2009, con số được thống kê là khoảng nửa triệu con. Phần lớn trong số chúng được các tín đồ mang đến tình nguyện dâng lên nữ thần Gadhimai. Sau khi dâng lễ trong đền, những con vật này được đưa tới một địa điểm gần đó, chờ đợi giây phút hành quyết.
Khoảng hơn 200 thợ mổ trực sẵn với gươm và đao. Khi được lệnh, họ đồng loạt chém, đâm vào các con vật hiến tế cho tới khi chết. Với số lượng 500.000 con, trung bình mỗi thợ mổ phải sát hại hàng nghìn sinh linh. Tất cả những gì còn lại sau khi buổi lễ kết thúc chỉ là những xác động vật nằm chỏng trơ, lìa đầu, chân, tay và be bét máu.
Dưới góc độ tôn giáo, không thể phủ nhận đây là một truyền thống ăn sâu bám rễ vào phần lớn người dân ở Nepal. Nhiều người vô cùng phấn khích và háo hức chờ đợi lễ Gadhimai.
Song đứng trên lập trường của xã hội hiện đại, rõ ràng đây là một lễ hội tàn bạo, tàn sát vô số động vật. Nhiều nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như Maneka Gandhi, Brigitte Bardot đã kịch liệt phản đối và công khai lên án hành động nói trên của các tín đồ Hindu.