Trở lại với chuyện đại gia lấy gái đẹp. Nếu một cô gái đẹp lấy một anh chồng nghèo rớt mùng tơi, suốt ngày bê tha nhậu nhẹt, miệng đời lại có câu mai mỉa "hoa lài cắm bãi cứt trâu". Vậy sao hoa lài không có quyền mơ ước đừng gặp… cứt trâu?
Thế mơ ước cưới đại gia có chính đáng không? Sao lại không, nó cũng như ta mơ đậu đại học, ta mơ thành nhà doanh nghiệp giàu có, ta mơ thành ngôi sao điện ảnh ngồi limousine… Ai không mơ ước được sống trong một xã hội văn minh, sung túc, không thất nghiệp, không đói khổ… vậy thì mong muốn lấy chồng hay vợ giàu nào có ra ngoài cái mơ ước chung lớn lao kia.
Hãy trở về với chuyện giàu nghèo. Một túp lều tranh, hai quả tim vàng chỉ là khái niệm tượng trưng cho hạnh phúc. Nhưng thực tế không giống mộng mơ: con cái sống, học hành ra sao nếu ngoài túp lều tranh thì hai trái tim vàng… không bán được đồng nào? Trần Minh khố chuối học ngoài hè, học với đèn đom đóm để mơ thành trạng nguyên với vinh hoa phú quý kia mà. Câu chuyện "Trăng sáng vườn chè" cũng đâu ra ngoài mơ ước hạnh phúc "chồng tôi cỡi ngựa vinh quy, hai bên có lính hầu đi dẹp đường…" Và tối hậu thư cho anh chồng phải dùi mài kinh sử là: "Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng". Vinh quy, đỗ đạt nghĩa là trở thành giai cấp khác. Có học thức, giàu có rồi, dễ thở rồi mới sống cho ra người được.
Các cô gái hôm qua hay hôm nay đều thế, đều có quyền mơ ước lấy người giàu có. Tài năng, tiền bạc là tài sản của đàn ông. Nhan sắc là tài sản của phụ nữ. Chả nhan sắc nào mơ lấy anh chồng vừa nghèo vừa bê tha. Chả anh đại gia nào mơ lấy một cô… không nhan sắc. Đến chuyện Chung Vô Diệm, người lừng danh xấu trong thiên hạ vẫn còn cái hậu đầy bất ngờ: cái vỏ xấu xí (giả vờ) trôi đi thì ra đấy là một mỹ nhân đủ đứng hàng siêu hoa hậu.
Hạnh phúc là phạm trù khác, còn mơ ước thì bình đẳng. Tôi không phê phán những mơ ước lấy đại gia của những người đẹp. Tôi cũng có một mơ ước cháy bỏng: mình thành… đại gia.