5 giờ sáng, giờ mở bến xe Giáp Bát, cũng là lúc những người xe ôm bắt đầu xuất hiện. Lúc đầu chỉ một, hai chiếc rồi dần dần là một đội quân xe ôm hùng hậu xuất hiện.
Những chủ xe ôm đang túm tụm nói chuyện bỗng chốc tỏa ra khi xe khách về bến. Vài người khách tay xách, nách mang chưa xuống khỏi xe đã được vài chủ xe ôm chạy tới nhanh nhảu chào mời: “Về đâu, đi xe không?”. Cuộc mặc cả diễn ra chóng vánh sau đó cả chủ và khách bắt đầu cuộc hành trình.
Một số chủ xe ôm ở khu vực bến xe Giáp Bát coi nghề xe ôm giống như nghề đi câu. Nếu câu được “cá sộp”, tức bắt được những khách hào phóng thì có ngày họ kiếm được cả trăm nghìn đồng, nhưng cũng có cả những ngày họ phải về không.
Anh T, một người có thâm niên hàng chục năm trong nghề lái xe ôm tâm sự: "Nghề xe ôm tưởng đơn giản nhưng thực ra là một nghề khó, khổ và nguy hiểm sát sườn. Cả ngày phải chầu chực bắt khách, có khi còn bị khách chửi mắng vì không thạo đường. Mỗi ngày chạy xe có khi hàng trăm km, dầm mưa, dãi nắng là chuyện thường tình".
Đó là chưa kể những trường hợp "dở khóc, dở cười" khi gặp phải "thượng đế rởm". Có lần, anh T nhận chở một "khách sộp" "giàu nhất thành phố Thái Nguyên" nhưng khi về đến nhà "thượng đế", nhìn cha, mẹ thượng đế nằm liệt ở hai góc nhà, đứa con ngây dại, anh T chỉ biết ngậm ngùi ra về tay không.
Ở bến xe Giáp Bát, ngoài lực lượng xe ôm tự do hoạt động tại 3 cửa phía ngoài bến, mỗi cửa có đến trên 100 người, phía trong bến còn có một đội xe ôm thuộc công ty Đại Phát thuê địa điểm hoạt động và trực tiếp quản lý.
Theo những người lái xe ôm tự do hoạt động tại bến xe Giáp Bát, muốn được vào đội xe ôm Đại Phát, họ phải đăng ký với công ty và hàng tháng phải nộp cho công ty 300 đến 400 nghìn đồng, phải đi làm đều và đúng giờ, thường từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Bù lại, lái xe ôm Đại Phát được trang bị quần áo bảo hộ mang tên của công ty, được tự do ra vào trong bến đón khách. Thu nhập của mỗi lái xe ôm công ty Đại Phát khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi đó những xe ôm tự do chỉ được khoảng hơn 1 triệu đồng.[/size] [size=3]
[/size] [size=3]
[/size]
[size=3]Xe ôm Hà Nội. Ảnh minh hoạ[/size]
[size=3]Hành nghề xe ôm ở Hà Nội cũng có dăm, bảy loại người. Có người lấy đó làm nghề chính để mưu sinh, cũng có người tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi làm để kiếm thêm tiền, nhất là sinh viên. Ai cũng có thể làm xe ôm, miễn là người đó sắm được một chiếc xe máy, trang bị kiến thức về Luật Giao thông đường bộ và thông thạo đường phố Hà Nội.
Anh D, một lái xe ôm vốn là công nhân nghỉ hưu coi việc làm thêm nghề xe ôm như "đi câu”. Đã 3 năm nay anh gắn bó với nghề xe ôm bởi nghề này tự do đi muộn, về sớm, lương lại cao hơn cả lương thợ xây nặng nhọc, vất vả. Mặc dù với nghề này, "nay câu được con săn sắt, mai được con cá rô" nhưng thu nhập anh kiếm được cũng giúp anh trang trải cho cuộc sống.
Có thể nói, trong các loại vận tải hành khách công cộng như taxi, xe buýt, xe ôm nghe có vẻ "kém sang" nhưng về độ tiện lợi thì ít phương tiện nào bì kịp. Lúc tắc đường, tất cả taxi, xe buýt bị chặn lại thì xe ôm vẫn có thể luồn lách để đến được đích trước các loại phương tiện kia, thậm chí trước hàng giờ.
Nhớ lại trận ngập lụt lịch sử đầu tháng 11 năm ngoái, trong khi nhiều ôtô, taxi bị chặn đứng trước các điểm úng ngập, tắc đường thì các lái xe ôm vẫn hoạt động hết công suất bởi sự linh hoạt, cơ động. Ngập nặng thì xe ôm lên xe đò, tắc đường thì xe ôm có thể "luồn lách" để đưa hành khách đi đến nơi, về đến chốn. Có lẽ vì sự tiện lợi nên xe ôm không lúc nào vắng khách mặc dù giá cả không rẻ hơn là mấy so với taxi.
Ở Hà Nội, ngoài dịch vụ vận chuyển hành khách, một số tổ chức, đơn vị cũng đã từng xây dựng các mô hình xe ôm du lịch, xe ôm chất lượng cao, đội xe ôm tình nguyện tiếp sức mùa thi…
Những người lái xe ôm ngoài việc chở khách để mưu sinh còn là những hướng dẫn viên du lịch hoặc những thành viên tích cực tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS… Tuy nhiên, duy trì hoạt động của các mô hình này không phải là điều đơn giản.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay, hoạt động xe ôm trên địa bàn Hà Nội còn rất lộn xộn, dễ nảy sinh tình trạng mất trật tự an ninh và mỹ quan thành phố.
Thành phần hoạt động xe ôm rất phức tạp, nhiều dân ngoại tỉnh không thuộc diện quản lý của địa phương lại thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động. Bản thân người lái xe ôm không có đồng phục riêng dễ lẫn lộn với những người bình thường. Xe ôm dừng đỗ đón trả khách trên vỉa hè, lòng đường lộn xộn, phương tiện chưa chắc đã an toàn. Xe ôm hoạt động tự phát, không có tổ chức, không ai quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra những vụ cướp xe ôm, hay một số người lợi dụng hoạt động này để làm những chuyện bậy bạ.
Trước đây, những người muốn hành nghề xe ôm phải được chính quyền phường, xã cho phép thì mới được hoạt động. Nhưng sau đó quy định này bị xóa bỏ, hoạt động xe ôm bung ra hoạt động tự phát, không ai quản lý.
Ông Linh cho biết, để giải quyết những tồn tại về trật tự an ninh, văn minh đô thị do xe ôm gây ra, đồng thời giảm bớt những rủi ro cho những người hành nghề xe ôm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang đề xuất thành phố đưa ra quy định quản lý hoạt động xe ôm, về phương tiện, con người, địa bàn…, vừa tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm tăng thu nhập, vừa không gò bó, trói buộc họ.
Hà Nội đang chỉnh trang đô thị chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, do đó, việc có một đội ngũ lái xe ôm văn minh, hiện đại cùng với các loại hình dịch vụ hành khách công cộng khác phục vụ khách tham quan Thủ đô là rất cần thiết.[/size]