Trung Quốc điều tàu và máy bay cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ảnh: Reuters |
"Có những nơi thậm chí còn không để đủ cho người ta 12 hải lý lãnh hải theo luật biển quốc tế. Nhưng đây chỉ là đường hư ảo trên bản đồ, trước nay chưa từng công khai miêu tả cụ thể bằng kinh vĩ độ. Quốc tế cũng không công nhận", người dùng trên viết. "Vị trí hạ đặt giàn khoan cách xa Trung Quốc lục địa, cứ nhìn bản đồ là thấy rõ".
Hôm 1/5, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan nước sâu 981 đến định vị tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đưa tàu cả quân sự và hải giám hải cảnh đến, đâm húc vào tàu Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Những lời tuyên truyền của giới chức Trung Quốc rằng CNOOC đang hoạt động bình thường không che được hết các ý kiến trái với họ.
Người dùng có tên Huangtangshaoye viết trên mạng xã hội Sohu rằng: "Bản đồ hàng hải do một phía vẽ ra liệu có chứng minh được chủ quyền không? Chẳng nhẽ Magellan vẽ bản đồ hàng hải thế giới, thì Tây Ban Nha có quyền thống trị cả thế giới à? Đường chín đoạn của Trung Quốc cũng có tính chất tương tự".
Trước việc tàu và máy bay Trung Quốc ngăn cản lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thi hành nhiệm vụ, người dùng có tên Kuangyelangren viết: "Sao tôi xem chương trình 'Tin tức 360' thấy tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và tông húc vào tàu Việt Nam? Lại còn đưa mấy chục tàu ra để bảo vệ?".
Trước thông tin tàu Trung Quốc hăm dọa, dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, khiến kiểm ngư viên bị thương, tàu bị tổn hại… không ít người Trung Quốc tỏ ra bất bình. Khi xem những hình ảnh về tình hình trên biển những ngày qua, bạn đọc trên diễn đàn Xfjs viết: "Rõ ràng là chúng ta ức hiếp phía Việt Nam".
Độc giả bình luận sau bài báo đăng trên QQ cũng viết: "Chỗ nào cũng la đánh. Cần phải biết rằng ngoài vũ lực còn có những cách khác… Chiến tranh là tàn khốc".
Một lời bình luận khác có đoạn: "Đánh nhau là hạ hạ sách, bất kể thắng hay thua. Thực lực mà Trung Quốc khó khăn lắm mới có được sẽ gặp vấp váp. Hơn nữa như thế không có lợi cho hình tượng hòa bình của Trung Quốc trong mắt bạn bè thế giới".
Một độc giả ký tên Bắc Bắc viết gay gắt hơn: "Tôi đọc thấy có quá nhiều bạn la lên 'đánh, đánh, đánh'. Nhưng các người có bao giờ nghĩ rằng đánh nhau mang lại gì cho chúng ta? Một khi đánh rồi sẽ gây tổn thất kinh tế. Hơn thế là người dân thương vong. Hãy nhìn sang tình hình ở Syria - đó là ví dụ điển hình nhất…".
Ngoài mạng xã hội, báo chí Trung Quốc cũng đăng những ý kiến tương tự. South China Morning Post, tờ báo uy tín nhất Hong Kong, dẫn lời Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ là "nạn nhân lớn nhất" nếu như vụ giàn khoan 981 không được giải quyết sớm.
"Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại Biển Đông", ông Vi nói.
Báo này trước đó cũng đăng bài bình luận của Phó giáo sư Mike Rowse thuộc đại học Trung văn Hong Kong cho rằng, lập trường của Trung Quốc không có chỗ đứng trong dư luận quốc tế và Bắc Kinh nên cân nhắc lại về tuyên bố đường lưỡi bò.
Trong bài viết mới nhất trên blog cá nhân hôm 11/5, học giả Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu Trung Quốc về biển và luật biển, một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, ông Lý đã có một loạt các bài viết thẳng thắn, khách quan, yêu cầu chính phủ nước này tuân thủ theo Công ước, cần tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển.