Trong cuộc họp tổ chức đầu tháng 7/2013 tại Việt Nam, phía Pháp cho biết Larroque Olivier (52 tuổi, bác sĩ, quốc tịch Pháp) mang lệnh truy nã quốc tế, can tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, xâm hại tình dục và hiếp dâm trẻ em ở nhiều nước, có thể đang lẩn trốn tại Việt Nam.
Nhà chức trách nhận định khả năng các bị hại bị ép sử dụng ma túy, trong khi nghi can thường xuyên di chuyển giữa các nước Việt Nam, Pháp, Thái Lan. Vụ việc được giao cho Phòng 5 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đảm nhiệm.
Cục đánh giá Olivier là bác sĩ có tay nghề cao, nhất là bệnh về đường ruột, nếu sang Việt Nam sẽ rất dễ tìm việc, song chỉ những bệnh viện lớn mới đủ sức thuê. Tập trung rà soát các bệnh viện ở những thành phố lớn, nơi nào có bác sĩ quốc tịch Pháp làm việc, đơn vị cử người tới xác minh. Tưởng dễ dàng thực hiện hóa ra lại gặp không ít khó khăn. Bởi khi nghe đề cập, lãnh đạo nhiều bệnh viện lại tỏ ra thờ ơ vì sợ rằng việc phát hiện nghi can đang làm ở bệnh viện mình sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ…
Sáng 19/7/2013, trinh sát phát hiện một người tình nghi có lai lịch, nhận dạng giống Larroque Olivier đang làm tại một bệnh viện danh tiếng ở Hà Nội. Vị này thuê trọ trên phố Tông Đản (Hoàn Kiếm) nhưng khi tìm đến, các trinh sát được chủ nhà cho biết khách rất ít khi về, chủ yếu ở tại bệnh viện.
Về phía bệnh viện, lãnh đạo yêu cầu phải có đề xuất của Lãnh sự quán Pháp và ý kiến của Bộ Y tế mới hợp tác. Ngay khi phát hiện Công an Việt Nam làm việc với lãnh đạo bệnh viện, vị bác sĩ tình nghi liền bỏ trốn song không thoát. Tại cơ quan điều tra, ông này khai nhập cảnh Việt Nam năm 2000 và với tay nghề của mình đã được ký hợp đồng theo chế độ mỗi năm làm việc 6 tháng, thời gian còn lại có thể đi nước khác hành nghề hoặc về nước.
Bác sĩ Larroque Olivier tại cơ quan công an. |
Theo thông tin từ cơ quan chức năng Hàn Quốc, từ ngày 19/5 đến 31/8/2010 tại TP Ansung (Hàn Quốc), Seo Cheol Jae được ủy thác thực hiện hợp đồng khai thác mỏ ở miền Bắc Việt Nam và đã chiếm đoạt 67/150 triệu won tiền cọc để sử dụng cho mục đích cá nhân. Tháng 8/2010, tại TP Gimpo, Hàn Quốc, Seo Cheol Jae lừa đảo chiếm đoạt 150 triệu won của nhiều nạn nhân khác bằng việc hứa hẹn cung cấp độc quyền sản phẩm thịt từ một trong những lò mổ lớn nhất tại Seoul. Ông ta bị Tòa án quận Incheon chi nhánh Bucheon kết án 2 năm 6 tháng tù, nhưng trước khi bản án được phê chuẩn, ngày 15/8/2013 đã trốn sang Việt Nam.
Lấy lời khai của Seo Cheol Jae. |
Khác với nghi can người nước ngoài, đa số nghi can Việt Nam trốn sang các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có người thân ở nước ngoài nên có trăm phương ngàn kế che giấu nhân thân. Chính vì thế việc tìm ra chỗ ẩn náu của chúng là cả quá trình xác minh công phu, vất vả, như lần đi bắt Hồng Quang Huy (sinh năm 1979, trú quận Đống Đa, Hà Nội) có lệnh truy nã quốc tế về hành vi giết người.
Huy là võ sư nhưng tính tình nóng nảy. Trong một lần đi hát karaoke với nhóm bạn ở phố Ngô Sỹ Liên, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa Nguyễn Trung Kiên, Huy đã rút dao đâm Kiên tử vong. Ngày 15/9/2009, Huy có lệnh truy nã quốc tế số A-35/1-2013 của Ban tổng thư ký Interpol về tội Giết người.
Sau nhiều năm lần theo dấu vết Huy, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an thành phố Hà Nội nhận được thông tin hắn đã trốn ra nước ngoài nhưng không biết cụ thể. Tìm hiểu mối quan hệ những người thân trong gia đình Huy, trinh sát nhận được nguồn tin mẹ Huy có người bạn học đang làm ăn ở Lào.
Sau nhiều ngày xác minh, phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an thành phố Hà Nội, trinh sát đã xác định được nơi ẩn náu của Huy tại thủ đô Viêng - chăn, Lào trong vỏ bọc một người kinh doanh. Trưa 21/6/2013 Công an Việt Nam đã tiếp cận, bắt giữ Huy khi hắn đang ngủ trưa tại xưởng tái chế nhựa, kết thúc hành trình 4 năm trốn nã.
Dẫn Hồng Quang Huy về nước. |
Chuyện Hạnh "Sự" thường xuyên từ Lào sang Singapore có mặt tại các sòng bài đã được trinh sát Phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm nắm khá đầy đủ, thế nhưng để bắt đưa về Việt Nam xét xử không phải dễ dàng bởi lúc này Hạnh là công dân mang tên và quốc tịch Lào. Sau khi báo cáo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, tổ công tác 4 người của Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm đã lên đường sang Singapore, đến Đại sứ quán Lào nhờ giúp đỡ truy bắt. Đại sứ quán Lào tại Singapore đã có công hàm gửi cơ quan chức năng của Singapore thông báo về việc này. Hộ chiếu của Hạnh đã nằm trong tầm kiểm soát và tổ công tác triển khai kế hoạch để có thể đưa nghi can về nước ngay sau khi bị Tòa án Singapore xét xử.
Sáng 5/6/2012, ngay sau khi Tòa án Havelock Square cho Hạnh "Sự" tại ngoại, Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore đã ra lệnh bắt giữ, trục xuất khỏi lãnh thổ. Hạnh không ngờ rằng trong số những người tham dự phiên tòa hôm ấy có mặt một tổ công tác đặc biệt của Cảnh sát Việt Nam.
Bị trục xuất, Hạnh "Sự" đã có phương án đối phó với cơ quan chức năng. Trên chuyến bay đưa Hạnh về nước có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè. Nhằm tránh sự kiểm soát, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi trên máy bay và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo. Ngồi lặng lẽ ở các hàng ghế khác nhau trên máy bay, 4 sĩ quan cảnh sát vẫn không rời mắt khỏi mục tiêu.
Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, 7 ôtô chở khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đã tập kết tại địa điểm được phân công. Lúc này, do được Hạnh báo trước, hàng chục người chờ đón Hạnh cũng xuất hiện. Khi nhóm đàn em mở đường xuống nhà ga, Hạnh "Sự” vừa đứng dậy lập tức tái mặt khi nghe tuyên bố: “Chúng tôi là cảnh sát Việt Nam, yêu cầu chị chấp hành việc bắt giữ; nếu chống đối, chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh…”. Biết không thể thoát tội, Hạnh “Sự” đã theo chân trinh sát xuống nhà ga bằng lối đi đã được chuẩn bị trước. Cho đến nửa đêm, khi Hạnh “Sự” được đưa vào trại giam an toàn, đàn em của cô ta mới biết thì đã muộn…
Cam go và thử thách nhất phải kể đến chuyến áp giải kẻ có lệnh truy nã quốc tế Hoàng Minh Đức (55 tuổi, quê Quảng Bình) từ Bờ Biển Ngà về Việt Nam. Trước khi trở thành tội phạm, Đức là Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch hàng không. Từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành này, Đức mở công ty, dùng chiêu trò quảng bá rằng đây là doanh nghiệp uy tín với các chiến lược kinh doanh quy mô, sau đó nhận tiền, hứa hẹn đưa nhiều người xuất khẩu lao động sang Anh, Tanzania… Tin những lời ''có cánh'' của Đức, gia đình anh Nguyễn Quốc Toản (ở Quảng Bình) đã nhờ Đức lo thủ tục đưa anh Toản sang Anh làm ăn với giá 31.000 USD. Sau khi nhận hơn 100 triệu đồng đặt cọc, Đức chỉ đưa anh Toản sang Tanzania và yêu cầu phải chuyển nốt số còn lại mới tiếp tục sang Anh được. Nhận đủ tiền, Đức trốn sang Bờ Biển Ngà, để anh Toản bơ vơ tại châu Phi.
Khi Interpol ra lệnh truy nã quốc tế Đức về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì 6 tháng sau, Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được thông tin từ cảnh sát Bờ Biển Ngà cho biết tại sân bay quốc tế Felix Houphouet Boigny, cảnh sát đã phát hiện ra Đức…
Thượng tá Hà Văn Hường, Trưởng phòng 1, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, người trực tiếp cùng đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng 2, sang Bờ Biển Ngà dẫn giải Đức về nước, cho biết khoảng 15h ngày 12/12/2012 sau khi tiếp nhận do Cảnh sát Bờ Biển Ngà bàn giao, các anh làm xong thủ tục, chuẩn bị lên máy bay thì bất ngờ một phụ nữ người Việt chạy vào khu vực gửi hành lý kêu khóc. Bộ phận an ninh của Hãng hàng không Emirates đã trả lại hành lý, không cho Đức lên máy bay vì lo ngại vấn đề an toàn. “Vậy là mất một đêm trắng chờ đưa đối tượng về nước”, thượng tá Hường nhớ lại.
Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi hãng hàng không chỉ đồng ý cho tổ công tác được lên máy bay với điều kiện phải có 2 sĩ quan an ninh của họ đi cùng với chi phí 12.000 USD, một khoản tiền không nhỏ nên anh Hường đã gọi điện về xin ý kiến cấp trên. Đoàn sau đó đổi lịch trình, đáp chuyến bay của hãng khác để đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí.
Theo Công an TP HCM