Phút đối mặt với tử thần
Chính thức nhập “xóm chạy thận” năm 2006, tính tới nay cũng vừa tròn 6 năm và cũng chính trong thời gian này, chị Nguyễn Thị Thuật đã dần mất tất cả từ sức khỏe cho tới hạnh phúc gia đình…
Chị buồn bã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện bất hạnh của cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, heo hút nên việc kiếm được đồng tiền là rất khó khăn đối với chị.
Ngày chưa phát hiện mình mắc bệnh, vợ chồng chị ngày ngày lam lũ, lăn lộn với ruộng đồng nhưng cũng chẳng đủ ăn. “Nhà em nghèo lắm, nghèo tới mức em không dám đẻ cháu thứ hai, mặc dầu cháu đầu là gái …”.
Những tưởng cứ chăm chỉ làm ăn là có ngày nở mày nở mặt. Nào ngờ, chưa kịp lên kế hoạch sinh con thứ hai thì chị phát hiện mình mắc bệnh suy thận. Cầm bệnh án trên tay, chị cảm giác đã rơi xuống tám tầng địa ngục. Có lẽ đó cũng là cảm giác tự nhiên của một con người khi phải đối mặt với cái chết.
Chị tâm sự: “Em biết đây là căn bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm, trước sau gì cũng chết. Có lọc máu cũng phải mất tiền, mất rất nhiều tiền mà cảnh nghèo như nhà nông chúng em thì đào đâu ra. Có bán hết gia sản cũng chỉ chạy chữa được vài tháng. Nghĩ vậy nên em quyết định chết sớm cho người nhà đỡ khổ…”.
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thuật ngày còn khỏe mạnh.
Trước khi “đi sang thế giới bên kia”, chị Thuật cùng mẹ tới nhà người em trai mới lấy vợ ở Hà Nội chơi. Từ ngày cưới em, chị chưa một lần ghé chân đến nhà nên định bụng, trước khi “ra đi” sẽ lên thăm em một lần cho khỏi phải áy náy gì.
Vừa tới nhà em trai được vài tiếng, chị Thuật thấy khó chịu trong người, vội một mình tìm đường ra bến xe trở về quê nhà. Vừa cố gắng lết được tới bến xe thì chị ngã vật xuống ghế đá, nằm bất tỉnh khoảng hơn một tiếng.
Sau khi hồi tỉnh, chị ngồi dậy, bắt xe về nhà. Cả quãng đường dài, chị thấy người mình tê dại đi, nhiều lúc không còn cảm giác gì nữa. Tuy nhiên, chị vẫn tự nhủ: “Mình phải cố gắng”.
May mắn, khi vừa đặt chân về tới nhà cũng là lúc chị kiệt sức, ngã vật xuống. Chồng chị thấy vậy đã bế vợ vào nhà rồi gọi điện báo cho em trai và mẹ chị ở Hà Nội về quê gấp. Sáu ngày liền chị Thuật nằm bất động, chân tay tê liệt, miệng chảy máu, không ăn uống được gì.
Nghĩ mình sẽ chết, chị Thuật gọi mẹ đẻ rồi dặn dò chuyện hậu sự: “Bà cố gắng chăm cháu cho con…” sau đó không đủ sức cất thêm một lời nào nữa cho dù vẫn nghe được những người xung quanh nói gì.
Mẹ chị lo lắng, khóc nức nở bên cô con gái và cho gọi cả họ hàng tới để chuẩn bị việc hậu sự cho chị khi thấy tới miếng thuốc nghiền nát, hòa với nước chị cũng không thể nuốt trôi. Tuy nhiên, người em trai của chị lại không đồng ý, nhất quyết “còn nước còn tát”.
Ngay lập tức chị Thuật được người nhà chuyển tới bệnh viện tỉnh rồi đưa ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để chữa trị. Một lần nữa may mắn lại mỉm cười với người đàn bà nghèo khó này.
Sau một ngày được cứu chữa tích cực, chị Thuật mở mắt bừng tỉnh, nhìn trân trân lên trần nhà. Chị nhận ra đây không phải tổ ấm hạnh phúc của mình. Tuyệt vọng, chị không còn nghĩ được gì nữa ngoài việc hét gọi con gái: “Mẹ chết rồi Xuân ơi”. Chị Thuật nhớ lại cảm giác của mình lúc đó:
“Em sợ tới mức người cứng đơ lại không còn cảm giác gì nữa…” Và rồi chị hiểu mình đang ở đâu khi được chồng giải thích: “Sao lại chết, em vẫn còn sống. Đây là bệnh viện”.
Nghe thấy vậy chị Thuật mừng lắm. Vậy là chị vẫn còn cơ hội được ở cạnh, chăm sóc con gái mình. Tới lúc này chị mới hiểu sự sống với chị quan trọng tới chừng nào. Sau lần đó, chị Thuật không còn dám ngủ vì sợ mất đi cơ hội được sống.
Mỗi khi nhắm mắt ngủ chị lại có cảm giác mình bị “âm binh” tới kéo đi nên không dám chợp mắt. Cả tháng sau đó chị luôn bị ám ảnh, mê man tới mức không thể nhận biết được xung quanh mình.
Thương chồng, thương con, ngay khi hồi phục sức khỏe, chị Thuật chính thức hối thúc chồng mình đi lấy người đàn bà khác với ý nghĩ mong anh tránh khỏi cảnh cha già con cọc ngày sau, đỡ khổ. Hơn nữa, chị cũng muốn biết người đàn bà sau của anh là người thế nào cho yên lòng…
Mới đầu anh nhất định không nghe, dứt khoát: “Cả đời này anh sẽ sống với em và không thay đổi”. Mừng mừng, tủi tủi, ngỡ lấy được người đàn ông chung tình. Nào ngờ, một tháng sau chính anh lại lên Hà Nội gặp, xin chị chia tay để lấy vợ mới.
Người phụ nữ anh lựa chọn chính là cô bạn thân của chị, từng học cùng lớp, nhà ở cùng xóm, đã quá lứa nhỡ thì. Thấy vậy chị yên tâm lắm, tin tưởng là chỗ bạn bè thì vợ mới của chồng sẽ không đành lòng mà bạc đãi con bạn.
Sống trong đắng cay
Nào ngờ người bạn đã không nể tình mà biến con gái chị thành “người giúp việc”. Tới bữa, đôi khi cháu X con gái chị chẳng được lấy một hạt cơm. Những lúc như thế cháu lại lủi thủi sang nhà bà ngoại xin ăn. Không muốn mẹ buồn, X âm thầm chịu đựng cho tới khi chị Thuật vô tình phát hiện, cháu mới ôm lấy mẹ mà khóc.
Người bạn ấy cũng chưa bao giờ tình cảm với con gái chị dù chỉ một lần. Cách xưng hô cũng thật lạ, luôn dùng “mày – tao” để nói chuyện với con chồng. Chồng chị từ ngày lấy vợ mới cũng không còn nhớ rằng chị vẫn còn tồn tại trên đời…
Đôi mắt nhòa lệ, chị Thuật vui buồn lẫn lộn khoe: “Cháu học giỏi lắm, từ khi đi học tới giờ năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Năm ngoái còn đạt giải nhì môn Địa lý cấp huyện. Năm lớp 5 giải nhì văn cấp tỉnh. Năm tới cháu vào cấp 3, các cô giáo nói cháu có khả năng học tập nên cho thi trường chuyên.
Nhưng điều kiện gia đình túng bấn chưa chắc cháu đã được đi học theo ý nguyện. Còn em nhiều hôm để có tiền ăn đã khó lấy đâu tiền đóng học cho con gái. Giờ còn sống, còn nhìn thấy con được đi học, em chết rồi, không ai sát sao khéo con em thành thất học…”
Nỗi lo ấy với chị Thuật thật không thừa bởi “mấy đời bánh đúc có xương”. Xót con tới nẫu lòng nhưng chị chẳng biết làm gì khác ngoài việc động viên con nhẫn nhục. Giá như chị có tiền, có sức đã không để con phải chịu khổ thế.
Xót con bị dì ghẻ hành hạ đã đành, chồng chị cũng không hơn gì vợ mới. Có lần anh đùng đùng gọi điện cho chị lúc nửa đêm để báo: “Con X nó bị ô tô đâm chết rồi…”. Sau đó cúp máy, không nói thêm lời nào. Nhận điện thoại, chị hoảng hốt gọi điện cho mẹ đẻ hỏi thăm tình hình con gái.
Nhưng không có người trả lời điện thoại càng khiến chị thêm hoảng hốt. Quá lo lắng, sợ hãi vừa la, vừa khóc chị Thuật lao như điên về phòng trọ, hoảng hốt thu dọn vội quần áo, tìm cách về quê ngay trong đêm, những mong được gặp mặt con lần cuối.
Lúc đó đêm đã muộn nên nhiều người khuyên chị bình tĩnh, thử tìm cách liên lạc lại về quê hỏi sự tình. Chị Thuật lập cập nghe theo, gọi điện cho người bạn cũ cũng là mẹ kế của con gái hỏi thăm cơ sự. May mắn, người phụ nữ ấy nghe máy và trả lời:
“Con gái chị vẫn khỏe, không có việc gì xảy ra. Mọi chuyện có lẽ do anh ấy cả giận mất khôn…”
Nghe xong lời khẳng định của cô bạn, chị Thuật như trút được gánh nặng. Nhưng nỗi ấm ức, uất nghẹn lại trào dâng lên cổ. Chị không hiểu nổi vì cớ gì mà một người cha như anh ta lại “bạc miệng” với con gái ruột của mình như vậy.
Nhất là cú điện thoại ấy lại dành cho chị, người đàn bà không biết sống chết thế nào. Sự sống của chị có chăng đều gửi cả vào con gái. Thức trắng cả đêm, sáng sớm hôm sau bỏ lại cả lịch “chạy thận”, chị quyết về quê làm cho ra lẽ.
Việc đầu tiên khi trở về quê là chị thu dọn quần áo cho con gái, đưa về nhà bà ngoại nhờ nuôi nấng. Sau đó chị tới nói chuyện trực tiếp với chồng mới vỡ lẽ anh “phũ mồm” như thế cũng chỉ vì con gái chị mách chuyện bị mất 50 ngàn trong con lợn đất. Vỡ lẽ câu chuyện, lòng chị càng thêm cay đắng. Nhưng vì hoàn cảnh buộc lòng chị phải để con gái sống cùng bố.
Nước mắt lưng tròng, chị kể về cuộc sống hiện tại của mình: Mỗi tháng chị phải chi 500 ngàn đồng tiền chạy thận (do chị đã có bảo hiểm y tế dành cho người nghèo), 500 ngàn tiền thuê nhà trọ (thuê chung với hai người khác với diện tích chưa đầy 10m2) chưa kể chi tiêu ăn uống.
Để có tiền sinh hoạt, chữa bệnh hàng tháng, hôm nào mưa thuận gió hòa, không ốm đau mệt mỏi là chị xách bộ đồ bán nước trà chén dạo sang cổng Bệnh viện Bạch Mai, bán mỗi chén trà kiếm 2.000 đồng. lấy tiền ăn uống, sinh hoạt và đóng viện phí.
Trước chị và một số người bạn còn bán thêm chiếu ở khu nhà Việt Nhật, mỗi chiếc chiếu cũng được lãi vài ngàn đồng. Tuy nhiên, sau hai lần bị đám bảo vệ ở đây thu hàng, chị không còn dám bán nữa.
Theo lời chị Thuật, hai lần bị bắt và thu hàng, tổng số chị đã mất khoảng hơn 400 ngàn đồng. Chị Thuật nhẩm tính: “Để bù lại số tiền này em đã phải bớt khẩu phần ăn của mình trong mấy tháng…”
Cố ngăn dòng nước mắt, chị giãi bày: “Giá như có một điều ước, em sẽ ước được đổi mạng mình lấy tiền cho con gái được đi học tới nơi tới chốn. Em rất sợ, khi em mất đi rồi, nhà nghèo không đủ tiền đóng học cho con, con em sẽ lỡ dở cả đời…”.
Một số người hàng xóm của chị Thuật cho biết, không ít lần, chị Thuật không có tiền ăn phải bỏ bữa. Có hôm đói quá phải đi vay hàng xóm gói mì tôm nhai sống, rồi uống thật nhiều nước cho no bụng. Vậy mà khi được ước, chị không dám ước điều gì cho mình…
Rất mong những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ chị Thuật vượt qua khó khăn trước mắt. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Nguyễn Thị Thuật, xóm chạy Thận. Điện thoại liên lạc : 0165. 3422 182.
Kim Hoa
Nguồn : Phunutoday