Chọn những buồng chuối xiêm thật già đem về giú cho chín muồi để ép phơi khô. Cách ngào chuối phơi khô tuy đơn giản nhưng cũng đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo từ việc ép chuối, phơi chuối cho tới xắt chuối, ngào và bảo quản. Công đoạn quan trọng nhất là lúc ngào sao cho chuối dẻo và thơm ngon. Nếu đường tới quá, chuối sẽ cứng và đóng cục, ngược lại khi đường thắng non, chuối sẽ bời rời, không ngon và khi cho vào đĩa trang trí sẽ mất thẩm mỹ.
Nguyên liệu chính dùng cho món chuối khô ngào đường
Muốn cho đĩa chuối ngào đường đạt đến trình độ ẩm thực cao, cho vào miệng cảm thấy ngọt ngào, vị béo, thơm ngon, không dai, không bở, nên xắt chuối theo chiều xuôi, mịn, đều đặn, giống như cọng đu đủ bào, đồng thời phối hợp với một số phụ liệu như gừng, đậu phộng rang và nước cốt dừa để làm tăng thêm hương vị đậm đà.
Cho nước cốt dừa vào chuối ngào
Việc đầu tiên là thắng nước đường cho vừa tới, sau đó cho chuối vào xào thật đều tay. Kế đến, cho nước cốt dừa và gừng xắt nhuyễn vào ngào chung cho đến khi chuối bốc mùi thơm lừng mới rắc thêm đậu phộng. Chuối ngào đường có thể dùng suốt cả tháng mà vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng. Cũng giống như bánh tét, bánh phồng, tuy không phải là cao lương mỹ vị, cũng không thể sánh với các loại bánh sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hiện đại, nhưng lại là món bánh truyền thống, ngoài hương vị thơm ngon, mùi đặc trưng tết, món này còn mang đậm ý nghĩa dân gian.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị