Chặt trộm đuôi trâu để ban cho thương lái TQ
Gần đây, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng kẻ gian chặt trộm đuôi trâu, bò để bán với giá cao cho các thương lái Trung Quốc với mức giá cao đã thúc đẩy nhiều trâu tặc chặt trộm đuôi trâu.
Ngày 28/11, tin từ UBND xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị cho biết, con trâu cái khoảng 4 năm tuổi của vợ chồng ông Võ Viết Đốn, 58 tuổi và bà Nguyễn Thị Yến, 55 tuổi ở đội 5, thôn Phương Lang, xã Hải đã bị kẻ trộm chặt đứt đuôi khi đang được chăn thả trên đồng làng.
Ông Đốn cho biết, gia đình ông không hề có thù hằn với người khác cộng với mùa này không hề có lúa hay hoa màu giữa đồng khiến trâu ăn bậy, nên có thể loại bỏ khả năng trâu bị chặt đuôi do thù hằn, tức tối. Con trâu bị chặt đuôi đã sinh 2 con, đang rất béo tốt nhưng sau khi bị chặt đã ốm đi trông thấy rõ. Hiện gia đình ông Đốn đang ra sức chăm sóc, phục hồi sức khoẻ con trâu của gia đình.
“Con trâu là tài sản lớn đối với những gia đình nông dân như chúng tôi, bình thường hiện nay mỗi con trâu như vậy có giá cũng trên 20 triệu đồng nhưng nếu đã bị chặt đứt đuôi thì chắc chắn giá bán giảm đi rất nhiều, đặc biệt sức khoẻ của nó khó có thể hồi phục. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc, để người dân bớt hoang mang”, ông Đốn lo lắng cho biết.
Con trâu gia đình ông Đốn bị chặt đứt đuôi.
Cách đây hơn 10 năm, thương lái Trung Quốc dồn dập về các chợ nông thôn Việt Nam thu mua móng trâu với giá rất cao, thậm chí những cái móng từ 4 chân của một con trâu được bọn Tàu mua với giá hơn hẳn một con trâu. Và thế là nông dân Việt Nam và bọn "trâu tặc" ra sức chặt móng trâu đem bán,… vẫn còn lãi một con trâu thịt mang bán ở chợ.
Chỉ một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã triệt phá tan hoang sức kéo của nông dân nghèo Việt Nam. Tiếp đó, dân loan tin cho nhau, nườm nượp lái trâu từ bên Tàu tràn qua biên giới để "tiếp thị" bán trâu. Trong đó còn có cả kẻ tiếp thị bán trâu sắt (máy kéo). Đến lúc ấy dân tình vỡ lẽ mục đích mua móng trâu của thương lái TQ!
Kiểu mua bán quái đản của thương lái TQ
Nhiều năm trở lại đây, người dân Việt Nam (VN) đã nằm lòng những câu chuyện xoay quanh việc tận thu hàng hóa một cách rất "khó hiểu" của người Trung Quốc (TQ). Việc thương lái Tàu đi các chợ thu mua rễ hồi, tạo điều kiện cho những "hồi tặc" mở chiến dịch triệt phá rừng hồi, một dược liệu quý hiếm của Việt Nam đã để lại một bài học lớn. Chúng mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán và thiếu đói ở một bộ phận dân chúng xảy ra.
Hàng tốp thương lái TQ xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái TQ mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán.
Thế là các thương lái đã góp phần triệt hạ vùng nguyên liệu cho các nhà máy chè Việt Nam. Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp chè Việt Nam phải sang mua chè nguyên liệu từ TQ. Đến khi nông dân Việt Nam cần trồng lại đồi chè, thì cácthương lái tận tình từ bên kia biên giới mang giống chè từ Trung Quốc giới thiệu cho nông dân Việt Nam.
Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao "trên trời", đẩy từng đoàn "đồng tặc" lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia. Sau đó là thu mua cáp quang phế liệu với mức giá trên trời.
Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì dân chúng mới "ngã ngửa" ra mục đích sâu xa của chúng là phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam…
Tháng 8/2012, thương lái TQ thu mua đỉa với giá rất cao 180-200 nghìn đồng mỗi kg, thời gian qua, nhiều người dân một số tỉnh đã đổ xô xuống đồng săn đỉa bán lấy tiền, thậm chí có một số người đã tính đến việc nuôi đỉa để bán.
Trong khi đó, đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt con đỉa rất khó, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường”.
Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì không thể kiểm soát được đỉa tràn ra môi trường, trở thành tai họa, giống như hiện tượng nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ… trước đây.
Thương lái TQ thu mua đỉa với giá trên trời.
Mới đây nhất vào tháng 10/2012 thương lái Trung Quốc lại đang tìm cách mua cá cơm một cách bất thường tại một số địa phương ven biển Việt Nam. Cá cơm là nguyên liệu chính để sản xuất ra nước mắm.
Bởi vậy, việc Trung Quốc thu gom loại cá này một cách bất thường sẽ ảnh hưởng xấu tới sản xuất nước mắm tại nhiều nơi như Phú Quốc, Phan Thiết, Khánh Hòa. Đặc biệt trong bối cảnh nước mắm Phú Quốc-sản xuất từ cá cơm đang hứa hẹn sẽ được tăng cường xuất khẩu sang EU sau khi vừa được Ủy ban châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ tại Liên minh châu Âu.
Và sự việc thu mua đuôi trâu này, 1 lần nữa là bài học với người nông dân, để họ nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ chính tài sản của mình. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc tuyên truyền, cảnh báo đối với người dân về những âm mưu phá hoại sản xuất, để tránh khỏi việc người dân vì cái lợi trước mắt mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất.
An Khanh (Tổng hợp từ ANTT)
Nguồn : Phunutoday