Teen 24h 2013-06-19 01:53:51

Trào lưu 'ném đá hội đồng' làm xấu mặt giới trẻ Việt - trẻ trâu VN mọi lúc mọi nơi :))


Lập trang anti bừa bãi, 'khủng bố' Facebook người nổi tiếng khiến teen Việt mất điểm trầm trọng.
 
Lập page anti vô tội vạ
Giữa tháng 6, cộng đồng xôn xao trước sự xuất hiện của hàng loạt fanpage được lập ra nhằm công kích một nữ sinh có nick-name P.T.T. Sở hữu ngoại hình không mấy ưa nhìn, P.T.T trở thành mục tiêu trêu ghẹo của một bộ phận bạn trẻ thích hưởng ứng trào lưu “ném đá” hội đồng. Trong những page anti trên, hình ảnh cá nhân của cô bạn tội nghiệp được đăng lên đầy rẫy, kèm theo các dòng bình luận mỉa mai, xỉa xói vẻ ngoài của nhân vật, cùng những biểu tượng cảm xúc tỏ ý khoái trá, thích thú.

Lập page anti không rõ mục đích là một trong những trò lố thiếu suy nghĩ của nhiều bạn trẻ Việt. Ảnh chụp màn hình.
Một số bạn trẻ vào tận trang cá nhân của P, trực tiếp bày tỏ thái độ và lời lẽ chê bai một cách tục tĩu. Cá biệt, những bức ảnh của P. còn được photoshop lồng ghép các mẩu hội thoại hài. Lời kháng cự yếu ớt của P. trên trang cá nhân cũng không làm giảm bớt những trận “ném đá” hăng máu của nhiều bạn trẻ.
Trong vô vàn những phát ngôn chửi bới nữ sinh này, không ai cắt nghĩa được vì sao cô bạn lại trở thành mục tiêu của dân mạng, ngoại trừ những lời mạt sát P. cho rằng cô bạn “đã xấu lại còn tự tin” (?). Sự việc trên gợi nhớ nhiều trường hợp khác từng bị cư dân mạng “tuyên án” bất cần lý do, như “hot girl Big C”, “hot girl Thắm Tây”. Chủ nhân của các trò "ném đá" có thể dễ dàng quên những gì mình đã viết, chỉ còn sự tủi hổ, đau đớn in thành sẹo trong lòng các nạn nhân.

Nếu a dua, nói xấu người khác trên mạng, teen rất dễ trở thành quân bài bị lợi dụng hằm mục đích hạ bệ người khác. Ảnh chụp màn hình.
Không chỉ công kích cá nhân, nhiều trang anti được lập ra nhằm nói xấu, chửi bởi cả một tập thể, tiêu biểu là vụ chỉ trích công khai các hot teen Đà Nẵng. Thông qua trào lưu confessions, những người đứng sau page anti này bôi nhọ hình ảnh của nhiều hot teen Đà Nẵng theo cách “ném đá giấu tay”. Trang mạng trên đã trở thành một “ổ” nói xấu, bới móc đời tư người khác của một bộ phận dân mạng. Không ít người nghi ngại đằng sau trào lưu “ném đá hội đồng”, nhiều bạn trẻ đã thành những con rối cho một số mưu đồ hạ bệ, công kích cá nhân có toan tính.
Khiêu chiến với fan quốc tế
Hùa theo trào lưu khủng bố bằng “mưa” bình luận, không ít fan Vpop đã “thành công” trong việc dựng nên một hình ảnh giới trẻ Việt hiếu chiến, hăng say chửi bới trên các mạng xã hội dành cho cộng đồng yêu nhạc quốc tế, đặc biệt là YouTube. Nhiều người vẫn còn nhớ mùa Vietnam Idol 2010, Uyên Linh trở thành hiện tượng gây bão với khả năng hát nhạc US-UK khá “chất” cùng phong cách trình diễn lôi cuốn.
Hàng loạt ca khúc US-UK được Uyên Linh trình bày trong cuộc thi như Fallin’ (Alicia Keys), Take Me To The River (Annie Lenox) và sau cuộc thi như Someone Like You (Adele), Mercy (Duffy) được nhiều fan Việt hâm mộ cuồng nhiệt. Ngay lập tức, đông đảo fan Vpop đã ùa vào trang YouTube của bài hát gốc đổ một cơn mưa bình luận với những lời đại loại “Uyên Linh đã đưa tôi đến đây”, “Like nếu Vietnam Idol đưa bạn đến đây”…

Hiện tượng Uyên Linh từng kéo theo nhiều cuộc tranh cãi căng thẳng giữa fan Việt với fan nước ngoài. Ảnh: Internet
Khi các fan nước ngoài bày tỏ sự khó chịu, thắc mắc vì sao có quá nhiều bình luận bằng tiếng Việt ở đây, fan Vpop liền đáp trả bằng những lời tục tĩu cả tiếng Anh lẫn tiếng mẹ đẻ. Sự đánh giá cảm tính của một số fan cho rằng ca khúc US-UK do nghệ sĩ Việt cover "còn hay hơn cả bài hát gốc" khiến không ít cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra. Quá xấu hổ trước tinh thần hiếu chiến của một số fan Việt, nhiều bạn buộc phải đăng những dòng comment bằng ngoại ngữ xin lỗi cộng đồng fan quốc tế, song không vì thế mà những trận “đem chuông đi đánh xứ người” bớt phần xôm tụ.
Những show truyền hình thực tế sau đó, fan Vpop cũng gây xôn xao bằng hành động tương tự. Giọng hát Việt mùa đầu tiên năm 2012, khi Đinh Hương tung hoành với bản cover ca khúc Forever And One, không ít fan đã vào tận trang YouTube của ban nhạc Đức Helloween thể hiện để bày tỏ chính kiến, tranh luận bản nào đáng nghe hơn. Những dòng bình luận bằng tiếng Việt ồ ạt lấn lướt các thứ tiếng khác.

Fan Việt nhiều phen khiến cộng đồng phải xấu hổ với những bình luận đậm tính đôi co, hiếu thắng của mình với fan quốc tế. Ảnh chụp màn hình.
Trước đó, cũng với bài hát trên qua sự trình bày của rocker Đinh Ngọc Hoàng ở Vietnam’s Got Talent 2012, teen Việt đã phải “muối mặt” trước những trận tranh luận tương tự với fan quốc tế của fan Vpop. Nhiều người ngao ngán tự hỏi, không biết bao giờ fan Việt mới đủ lớn để tôn trọng người khác và bớt “manh động” trong những lần lời qua tiếng lại trên mạng xã hội.
'Khủng bố' Facebook người nổi tiếng
Nếu lập một cuộc bình chọn những scandal của cộng đồng mạng Việt nửa đầu 2013, thì trào lưu ném đá Facebook người nổi tiếng hẳn sẽ xứng đáng đứng ngôi đầu bảng. Đầu tháng 4, trong cơn sốt về cô nàng người Thái Happy Polla, đông đảo bạn trẻ Việt thi nhau bình luận bằng tiếng Việt lên fanpage của nhân vật này. Bên cạnh những dòng “comment” trêu chọc, mỉa mai về ngoại hình Happy Polla, trào lưu “điểm danh”, “nhuộm đỏ Facebook bằng avatar cờ Việt Nam” cũng khiến trang cá nhân của một người nước ngoài ngập lụt trong sự đổ bộ của hàng chục nghìn bạn trẻ Việt.

Những dòng bình luận với avatar đỏ rực trên Facebook "trai đẹp Ả Rập" khiến nhiều teen phải xấu hổ. Ảnh chụp màn hình.
Không lâu sau đó, cộng đồng tiếp tục dậy sóng với những trận “oanh tạc” từ fan Việt nhắm vào Facebook của Omar Borkan Al Gala, một chàng trai Ả Rập liên quan đến tin đồn “bị trục xuất vì quá đẹp”. Sự việc tương tự lặp lại, bên dưới những hình ảnh về chàng trai này là vô số bình luận xuýt xoa, ngưỡng mộ, thậm chí rủ rê anh chàng hãy sang Việt Nam “lánh nạn”.
Câu chuyện lên đến cao trào bức xúc, khi một cô gái Hàn Quốc dùng công cụ chuyển ngữ dịch lại những dòng bình luận phản cảm bằng tiếng Việt, liền lập tức choáng váng và bày tỏ thái độ thất vọng, chê trách hành vi hâm mộ thái quá của nhiều teen Việt.
Giữa tháng 5, tin đồn ngôi sao phim cấp 3 Maria Ozawa đến Việt Nam rộ lên, khiến Facebook của nữ diễn viên Nhật Bản này nhanh chóng bị fan Việt khủng bố bằng những lời bình phẩm cợt nhả, tục tĩu. Sự kiện gần đây nhất khiến trào lưu “ném đá” Facebook người nổi tiếng đáng lo ngại hơn bao giờ hết, khi một hot girl Thái Lan tên Peaw Sumaporn Wandee tuyên bố tẩy chay fan Việt trên Facebook cá nhân vì những dòng “comment” trêu chọc thô thiển.

Hot girl Thái Lan và lời tuyên bố xóa thẳng tay các bình luận bằng tiếng Việt trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình.
Vụ việc sau cùng khiến không ít teen phải giật mình nghĩ lại, liệu dân mạng Việt đã mất hẳn ý thức trách nhiệm về câu chữ với những phút sa đà trên bàn phím? Và sau nhiều sự việc liên tiếp làm xấu hình ảnh người trẻ Việt, họ có nhận ra rằng, trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, danh dự là thứ có thể tiêu tan trong phút chốc nếu không biết tự trân trọng?
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)