Liên quan đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn chấn động dư luận, theo kết quả điều tra, nghi phạm mới sa lưới phát luật Lý Nguyễn Chung chỉ vừa 14 năm 8 tháng tuổi khi giết chị Nguyễn Thị H. để cướp 2 chiếc nhẫn vàng và 59 ngàn đồng.
Sáng 5-11, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã họp báo thông tin chính thức về vụ án oan gây chấn động dư luận Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh Văn phòng VKSND Tối cao - chủ trì buổi họp báo đọc thông cáo báo chí về vụ án.
Chung có thời gian về ở cùng nhà (ảnh) với bố và mẹ kế là bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Me |
Theo đó, trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số đơn kêu oan, Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan. Nội dung đơn cho rằng thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15-8-2003, là Lý Nguyễn Chung (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày 5-7-2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.
Ngay sau khi nhận đơn, cơ quan điều tra VKSND Tối cao tổ chức xác minh, lần theo chỗ ở của Chung. Cơ quan điều tra đã cử 4 tổ công tác đến Bắc Giang, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Gia Lai.
Tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục điều tra thuộc VKSND Tối cao, cho biết: Quá trình xác minh có đủ cơ sở cho thấy Lý Nguyễn Chung là nghi phạm giết chị Nguyễn Thị H. vào đêm 15-8-2003 chứ không phải ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngay sau đó, Cục điều tra cử 1 tổ công tác vào Đắk Lắk truy bắt Chung nhưng đến nơi thì phát hiện Chung đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Cũng tại đây, tổ công tác nắm được thông tin trước đó 1 tháng, Công an Bắc Giang đã tổ chức xác minh và vào nơi ở của Chung để tìm kiếm nhưng Chung thấy động đã bỏ trốn.
Xác minh nhiều nguồn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra phát hiện chỉ trong 2 tháng, Chung đã thay đổi đến gần 100 sim điện thoại để liên lạc với người thân nhằm nắm tình hình vụ việc. Quá trình trốn chạy, Chung đã đi vào miền Nam, đi các tỉnh khác tại Tây Nguyên, ra Lạng Sơn, thậm chí sang tận Trung Quốc.
Có những lúc cơ quan điều tra tưởng như đã bắt được Chung, nhưng khi tìm đến thì phát hiện sim điện thoại Chung sử dụng trước đó đã bỏ đi và người khác sử dụng.
Do đó, các điều tra viên phải kiên trì vận động, thuyết phục người thân trong gia đình vận động Chung đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, nhất là khi Chung phạm tội mới có 14 năm 8 tháng tuổi, sẽ được hưởng hình phạt thấp cho người vị thành niên.
Đến ngày 25-10, Chung ra đầu thú tại Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi nhận bàn giao, Cục điều tra đã di lý Lý Nguyễn Chung ra Hà Nội để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của mình.
Tại cơ quan điều tra, Lý Nguyễn Chung khai nhận đã giết chị Hoan để lấy tiền và 2 chiếc nhẫn vào tối 15-8-2003. Sau khi giết chị Hoan, Chung về nhà thay quần áo dính máu ra ngâm ở chậu.
Đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau, bà Nguyễn Thị Lành giặt quần áo thấy trong nước ngâm bộ quần áo của Chung có màu hồng nên gọi Chung dậy hỏi: “Có phải hôm qua mày làm chuyện đó không?”, Chung đã thừa nhận.
Bà Lành và ông Chúc đã bảo Chung về quê ở Lạng Sơn. Chung về Lạng Sơn kể lại sự việc và đưa hai chiếc nhẫn cho Lý Văn Phúc. Số tiền lấy được của chị Hoan đếm được 59.000 đồng, Chung sử dụng hết, sau đó trốn vào Đắk Lắk làm ăn.
Sau đó, cơ quan điều tra cũng ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (SN 1950, bố đẻ của Chung) về hành vi đe dọa giết người theo quy định tại điều 103 Bộ luật Hình sự và quyết định tạm giữ Lý Văn Chúc.
Theo thông tin ban đầu, sau khi biết bà Lành phát hiện ra tội ác của con mình, ông Chúc đã đe dọa sẽ giết bà này nếu nói ra thông tin này.
VKSND Tối cao đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người” và “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 92 và 133 Bộ luật Hình sự, đồng thời quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988).
VKSND Tối cao sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.