Nguyên liệu để chế biến món ăn mang hương vị đất Bắc này có thể là cá thác lác hoặc thịt cá lóc chiên giòn… tùy vào sở thích của từng quán. Điều quan trọng nhất là món ăn vẫn giữ được hương thơm thoang thoảng đặc trưng của thì là. Bát bún cá thì là như một bức tranh màu sắc hài hòa với sắc vàng của cá, đỏ của cà chua, vàng của cần nước, xanh của thì là… cùng hương thơm thoang thoảng khiến người ăn thích mê khi thưởng thức. Địa chỉ: 193/2A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3 hoặc 37/10Bis Đinh Công Tráng, phường Tân Định, quận 1. Mỗi bát bún cá có giá khoảng 30.000 đồng. |
Món ăn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bún móng giò, bún dọc mùng, bún sườn… Ở Sài Gòn, bún bung không nổi tiếng và không có nhiều hàng quán như các món bún chả, bún mọc hay bún cá rô đồng… nhưng nó vẫn được nhiều người thưởng thức vì hương vị thơm ngon. Nước dùng bún bung có màu màu vàng nhẹ đẹp mắt nhờ nước nghệ, được nấu từ nước hầm xương nên mang lại vị ngọt thanh làm tăng thêm hương vị thơm ngon, đậm đà và không kém phần bổ dưỡng. Bạn có thể ghé địa chỉ: 193/2A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3 hoặc 86 Trương Quyền, phường 6, quận 3 để thưởng thức món ăn này. |
Tuy không phổ biến như các loại bún, miến, phở khác của Hà Nội ở Sài Gòn nhưng bún thang cũng là một món ngon được nhiều người yêu thích. Với những người sành ăn, bún thang là sự hòa trộn của vị, sắc và hương. Ăn bún thang một lần rồi sẽ nhớ mãi, nhớ bát bún nhiều màu sắc, nhớ vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng. Đó còn là mùi thơm ngào ngạt của bát nước dùng bốc khói nghi ngút hấp dẫn người ăn… Vì lẽ đó, món bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách. Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món bún hấp dẫn này tại quán Thanh Thảo, 176/13 Lý Tự Trọng, quận 1 hoặc quán Chiều Hà Nội, 175 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình hoặc 37/10Bis Đinh Công Tráng, phường Tân Định, quận 1. |
Bún mọc được chế biến khá đơn giản, có thành phần chính là sợi bún nhỏ và mọc (tên gọi khác của người Bắc dùng để gọi giò sống). Phần mọc thường được chế biến thành 3 loại khác nhau như: giò sống vo thành viên nhỏ, nấu chín trong nước dùng; giò sống vo viên chiên vàng; giò sống trộn với nấm hương, vo viên nấu chín. Bên cạnh phần mọc, người ta còn cho thêm một lát giò lụa, chả và một khúc sườn non. Nước dùng bún mọc có màu trong suốt, được nấu từ nước hầm xương nên mang lại vị ngọt thanh làm tăng thêm hương vị thơm ngon, đậm đà cho món ăn. Rau ăn kèm bún mọc là những loại rau như: rau muống chẻ, bắp chuối, giá, kinh giới, húng thơm… Địa chỉ: Quán Như Ý - 26 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP HCM. |
Bún cá rô đồng là món ăn ngon miệng có nguồn gốc từ vùng đất Hải Dương. Nguyên liệu chính của món ăn là cá rô đồng, nước dùng và bún tươi. Chỉ sử dụng mỗi cá rô đồng nhưng người bán lại khéo léo chế biến thành ba cách khác nhau như luộc, chiên hoặc làm chả bằm… chính nhờ cách biến tấu này giúp thực khách vừa ngon miệng vừa không bị ngấy. Địa chỉ: Bún cá rô đồng - 76 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình hoặc quán Hải Tứ Quý - 263 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3, TP HCM. Bún cá rô đồng thường có giá 30.000 đồng. |
Ai từng ăn bát bún bò Huế sẽ không quên được cái vị cay xé lưỡi. Ớt được người bán cho một ít vào nước dùng, ngoài ra trên bàn ăn luôn có nhiều loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát… Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột. Ở Sài Gòn, bún bò có nhiều phiên bản như bún bò Huế, bún bò Đà Lạt… Bạn có thể ghé đến Lô E2 Chung cư Đường Sắt, số 590, đường CMT8, phường 11, quận 3, TP HCM hoặc quán bún bò hẻm số 7 Ngô Thời Nhiệm, phường 7, quận 3, TP HCM… |
Bún chả cá là món ăn quen thuộc ở miền Trung, nổi tiếng với ba thương hiệu là bún chả cá Đà Nẵng, Quy Nhơn hoặc Nha Trang. Điểm nhấn của món ăn là những lát chả cá vàng ươm, dẻo dai được làm từ các loại cá đặc trưng vùng biển miền Trung như: cá mối, cá nhồng, cá thu, cá rựa, cá cờ, cá chỉ vàng… Chả cá thường chế biến thành hai loại khác nhau là hấp chín hoặc chiên vàng. Địa chỉ: số 1 hoặc số 8 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận; bún chả cá Lệ - 2 Đồng Nai, phường 15, quận 10. Bún chả cá có giá từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng. |
Nổi tiếng nhất miền Tây là hai thương hiệu bún cá Kiên Giang và Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang). Thành phần món ăn đơn giản với cá lóc, nước lèo và bún tươi, nhưng sự hấp dẫn của món ăn đến từ màu sắc và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Ăn kèm là các loại rau diếp cá, húng quế, bắp chuối rau muống, bông điên điển… Đây là món ăn khá lành tính nên bạn có thể thưởng thức vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Địa chỉ: Góc ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1 hoặc đường Vườn Chuối, phường 4, quận 3. Bún cá có giá từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng. |
Có nguồn gốc từ Campuchia, num bò chóc là tên gọi của một loại bún cá nổi tiếng của người dân xứ chùa tháp. Bát bún với màu vàng đặc trưng của nghệ, điểm xuyết bên trong là màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng làm nổi bật lên những lát cá lóc có màu trắng tươi ngon, cùng nước lèo dậy mùi thơm làm cho thực khách không thể cưỡng lại được. Nguyên liệu nấu bún gồm có cá lóc, mắm bò hóc, trái chúc (giống trái chanh dây nhưng có mùi vị khác), ngãi bún (có mùi giống củ riềng) chỉ có ở Campuchia. Địa chỉ: Quán bún cá Tư Xê - chợ Lê Hồng Phong (còn gọi là chợ Campuchia) ở hẻm 374 Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10, TP HCM. Bát bún ở đây có giá 35.000 đồng. |
Bún suông là tên gọi được đọc chệch từ con đuông dừa, một loại côn trùng có nhiều ở miền Tây và là một đặc sản rất ngon miệng. Thành phần chính của món bún là tôm, thịt nạc heo và con đuông được tạo hình từ chả tôm tươi, tạo hình thành những thanh tròn dài có màu vàng gạch giống đuông dừa. Bên cạnh đó, nước dùng của món ăn không trong mà lại có màu nâu sậm được pha từ nước hầm xương, thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn. Bạn có thể ghé quán bún suông cô Mai trong khu ẩm thực chợ Bến Thành, TP HCM. Quán bán từ 6h đến 13h hằng ngày. Mỗi phần bún suông đầy đủ có giá 65.000 đồng. |
Huấn Phan