Khoe “tình yêu bọ xít”
[justify]
Tự hào về con mới có lớp 2 đã biết yêu, gia đình chị Hằng đi đến đâu cũng khoe bé Thịnh (sinh năm 2004) đã biết yêu và biết viết thư tình cho bạn gái cùng lớp.
Chị hay kể với bạn bè, đồng nghiệp về sự “nổi sóng, nổi gió” hơn người của con mình. Chị tâm sự “cả nhà có mỗi đứa cháu đích tôn, nên thường lấy những chuyện của bé làm vui cửa vui nhà”. Và chuyện có bạn gái sớm của bé cũng được cả nhà đưa ra mỗi bữa ăn kể chuyện để khuấy động không khí vui vẻ trong nhà.
Thậm chí, mọi người trong nhà “lấy làm vui khi cháu có bạn gái mới”. Anh Độ (cha của bé Thịnh) còn tự hào khoe “biết yêu sớm thế này thì số đào hoa lắm, lớn lên sẽ làm quan to”. Tuy chỉ là những lời bông đùa có cánh hay lấy câu chuyện làm quà vui cho cả nhà nhưng gia đình chị Hằng đã vô tình tạo cho bé tâm lí rằng “bố mẹ cũng ủng hộ mình yêu bạn ý” nên chẳng ngại ngần gì mà không tiếp tục kiểu “tình yêu bọ xít”.
Bé Thịnh còn dí dỏm nói với mẹ “lúc nào mẹ cũng khoe với các cô con có bạn gái xinh, con ngại lắm nhưng mẹ phải giúp con nhé”.
Ở một trường hợp tương tự, gia đình anh Phú, chị Tự (Đê La Thành, Hà Nội) có con gái học lớp 4 cũng có “tình yêu bọ xít”ở trường với một bạn nam lớp bên cạnh. Khi đọc được thư tình bé Nga gửi cho bạn trai, chị Tự tâm sự “đọc cho cả nhà nghe mà mọi người cứ ôm bụng cười nắc nẻ”. Hơn nữa, bà nội của cháu còn tự hào khoe với hàng xóm “cháu dễ thương giống nội nên có nhiều người yêu mến”.
Điều đặc biệt ở trong gia đình này đó là bà nội của cháu Nga còn cho phép “dẫn đối tượng về nhà chơi” nhiều lần để làm quen. Nói về điều này, bé Nga chia sẻ “bà nội luôn tò mò về bạn trai nên muốn cháu dẫn về nhà cho bà xem mặt”.
Vẫn biết học sinh cấp 1 yêu sớm đã trở thành trào lưu và chỉ dừng lại ở mức độ “bọ xít”, tuy nhiên, gia đình đã không có một lời răn đe, cảnh báo mà lại vô cùng “tung hô” tình yêu với cậu bạn lớp bên cạnh với đủ chiêu khoe mẽ “đưa con lên mây xanh”.
Vượt giới hạn khi tuổi “chưa trăng tròn"
Trào lưu bố mẹ khoe con cái yêu sớm đã có từ lâu và vô cùng phổ biến trong các gia đình Việt trẻ. Chính thói quen khoe mẽ con cái này đã tạo cho bé ngay từ khi còn rất nhỏ đã quan niệm rằng bố mẹ dễ và ủng hộ tình yêu của bọn chúng. Quan niệm đó là liều thuốc chết người dẫn đến những bước sa ngã và “đi quá giới hạn” khi tuổi chưa đến trăng tròn.
Bé Trần Thị Thanh Huyền, sinh năm 2002 ( Tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy) tâm sự “từ khi yêu cháu không thể nào tập trung vào học được, buổi tối ngồi vào bàn học là cháu lại nhớ và chỉ muốn nhắn tin cho bạn ấy thôi”. Được biết, mặc dù mới có 10 tuổi nhưng gia đình đã trang bị cho bé điện thoại di động để liên lạc và quản lí cháu. Tuy nhiên, biện pháp này đã vô tác dụng vì bé đã lấy đó làm phương tiện gửi “thông điệp tình yêu”.
Bác sĩ Nguyễn Phương Lan, làm việc tại Bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho biết ở đây thường có một số em bé gái tuổi “chưa đầy trăng tròn” đến phá thai vì chót vượt qua giới hạn của tình yêu bọ xít. Nói về trường hợp của Linh (14 tuổi, quê Thanh Hóa) ra Hà Nội phá thai vì lỡ quan hệ với bạn trai học trên một khóa, bác sĩ cho biết “thai của cháu quá to, nên cần xin thêm ý kiến cấp trên, khi hỏi tuổi cháu nói 19 tuổi nhưng xem chứng minh thư thì 3 tháng nữa mới đầy 14 tuổi”.
Giải thích về điều này, bác sĩ cho rằng đó là hệ lụy của việc yêu sớm của trẻ ngay từ rất nhỏ. Vì chuyện khoe mẽ của bố mẹ trẻ về tình yêu của con cái nên đã tạo tâm lí cho trẻ biết “độ thoáng” ngay từ ban đầu. Sai lầm của trào lưu khoe tình yêu 10X của bố mẹ mặc dù chỉ là “cho vui” nhưng có hệ lụy rất lớn đến học tập, sức khỏe và những hành động dại dột của bé sau khi lớn lên. Chia sẻ về một trường hợp đặc biệt bác sĩ nói “có bé gái mới 11 tuổi (sinh năm 2001) mà đã cay cú khi người yêu bỏ đi yêu bạn khác và thề sống chết cũng phải giành lại tình yêu”.
Yêu sớm là nguồn gốc chủ yếu của chứng stress dai dẳng ở tuổi thiếu niên và có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, chán nản kinh niên.Các bé gái thường có nguy cơ mắc chứng chán nản, trầm cảm hơn so với con trai. Đặc biệt những bé gái sớm vướng vào các loại tình cảm này, thì thường có nguy cơ cao về một số chứng bệnh tâm thần do những rắc rối, phức tạp khi mối quan hệ đổ vỡ. Đó là nguyên nhân dẫn đến các hành động tự sát, giết người vì ghen tuông ở trẻ vị thành niên (Theo chuyên gia xã hội học Kara Joyner ở Đại học Cornell – Mỹ). Đối với các bậc cha mẹ khi đối thoại với con phải giống như những người bạn tri kỉ, không nên phản đối gay gắt, áp đặt chuyện tình yêu của bé. Đặc biệt, các bậc cha mẹ nên tránh việc khoe mẽ về tình yêu của trẻ vì sẽ tạo nên những tâm lí ngộ nhận và thoáng trong chuyện tình dục. |
[/justify]