[size=1]11 căn nhà sụp xuống kênh Thanh Đa[/size]
Khoảng 23 giờ đêm 24.7, phần sau của 11 căn nhà tại tổ dân phố 9 - khu phố 1, P.27, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã bất ngờ sụp xuống lòng kênh Thanh Đa.
Tiếp xúc với Thanh Niên ngay trong sáng qua, lãnh đạo UBND P.27 nhận định, đây là vụ sạt lở nghiêm trọng. Các căn nhà bị sạt lở khoảng từ 5 - 10m, tính từ mép bờ kênh. Theo UBND P.27, khu vực này nằm trong dự án Chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa, đoạn 1.4. May mắn là mọi người đều chạy kịp thoát thân, nhưng nhiều tài sản đã bị nhấn chìm theo dòng nước. Qua thống kê sơ bộ thì có 5 hộ bị thiệt hại về tài sản, bao gồm: 2 xe tay ga, 4 tủ lạnh, 3 tivi, 3 dàn máy âm-ly, 1 máy lạnh, 1 máy giặt và một số vật dụng khác như giường, tủ quần áo, bàn, ghế…
Biết trước sạt lở
Chị Phạm Ngọc Hòa, nhà số 17/145, tổ 9, khu phố 1, kể lại: Trước khi sạt lở, chị nghe tiếng tường nhà bị nứt, tiếp đến là thấy căn nhà bị nghiêng dần ra phía kênh. Vội ôm 2 đứa con chạy ra đường, 5 phút sau 90% căn nhà của chị đổ nhào xuống kênh, mang theo tất cả tài sản, tivi, tủ lạnh… Toàn bộ tập vở của con chị cũng trôi đi mất.
Nhà của ông Ngô Thất Sơn trong khu vực, bị sạt lở đến 8m, cuốn theo 2 chiếc xe tay ga và nhiều tài sản khác. Ông kể: “Ban đầu nghe tiếng rắc rất lớn, biết nhà bị nứt, chúng tôi vội vàng chuyển đồ đạc ra ngoài. Sau đó, nền nhà cứ lún dần, lún dần rồi đổ nhào xuống kênh”.
Ông Diệp Quang Thanh, nhà số 7/12A là người phát hiện nguy cơ sạt lở đầu tiên. Ông cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, căn nhà của ông xuất hiện vết nứt. Cả nhà lo lắng nên đã di chuyển ra thuê khách sạn ở. Ông Thanh cũng đã thông báo cho chính quyền và người dân biết sự việc này.
Trong năm 2009, trên địa bàn TP.HCM đã có 14 vụ sạt lở xảy ra ở huyện Nhà Bè (7 vụ), huyện Bình Chánh (1 vụ), Củ Chi (1 vụ), Q.Thủ Đức (1 vụ) và Q.Bình Thạnh (4 vụ), làm 3 căn nhà bị chuồi xuống sông, 2 căn nhà sạt lở một phần và sạt lở 4.048m2 đất, không có thiệt hại về người.
Khi xảy ra sự cố, lãnh đạo UBND quận, phường đã xuống hiện trường và chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người.
UBND P.27 cũng đã bố trí cho các hộ dân đến ở tạm tại Hội trường khu phố 1 (3 hộ), sân cầu lông khu phố 1 (2 hộ), Hội trường khu phố 2 (3 hộ), Hội trường khu phố 3 (1 hộ); còn lại một số hộ tự liên hệ nhà người thân để ở tạm.
Theo nhiều người dân, đoạn kênh đi qua khu vực này trước kia chỉ có sạt lở phía bên P.26 (dọc theo tuyến đường Tầm Vu), còn phía này là bên bồi. PV Thanh Niên quan sát thấy bờ kênh phía đối diện khu vực sạt lở đã được giải tỏa trắng, trong khi bờ phía bên này có rất nhiều căn nhà nằm lấn ra kênh. Một vài hộ còn xây gác cao, ra đến tận ngoài kênh. Trong khi đó, dưới dòng kênh nước chảy xiết. Một cán bộ Khu Đường sông TP.HCM lái ca-nô chở chúng tôi đi dọc theo tuyến kênh Thanh Đa, nói: “Kênh này hẹp, nên dòng chảy rất mạnh, mỗi ngày cứ khoét dần vào bờ, tạo hàm ếch, gây sạt lở”.
Chờ tái định cư
Bà Nguyễn Thị Thanh Hợp, Phó chủ tịch UBND P.27, cho biết khu vực này có tổng cộng 138 hộ. Ngoài 11 hộ có nhà bị sạt lở, 22 hộ nhà ở kế cạnh sáng hôm qua cũng đã di dời đến nơi ở tạm vì lo ngại sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở trong những ngày tới. “Trong khả năng của phường chỉ có thể bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân, còn việc sắp xếp chỗ tái định cư như thế nào, phường trông chờ vào sự hỗ trợ của quận và UBND TP”, bà Hợp nói. Bà Hợp cũng cho hay, sáng nay (26.7), UBND Q.Bình Thạnh sẽ họp xem xét lại quỹ nhà ở để bố trí tái định cư cho các hộ này. Hiện toàn bộ các hộ đã được đo vẽ hiện trạng, chờ kinh phí đền bù, hỗ trợ để di dời.
Theo nhận định của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Q.Bình Thạnh và Khu Đường sông TP.HCM, hiện tượng sạt lở vẫn còn tiếp diễn trước ảnh hưởng của mưa bão và tình hình bất thường của dòng chảy của kênh Thanh Đa. Trước nguy cơ này, sáng hôm qua, UBND P.27 đã phát thông báo đến các hộ dân sinh sống ven tuyến kênh Thanh Đa và sông Sài Gòn, cảnh báo nguy cơ tiếp tục sạt lở. Riêng các hộ kinh doanh, UBND phường yêu cầu phải ngưng kinh doanh tại khu vực có nguy cơ sạt lở. Bà Hợp cho biết, tất cả những khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn phường đều đã được cảnh báo từ trước.
42 điểm có nguy cơ sạt lở
Theo số liệu báo cáo của Sở GTVT và tổng hợp từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TP, trên địa bàn TP.HCM hiện có 42 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó sạt lở bờ sông có 40 điểm và sạt lở bờ biển có 2 điểm. Những điểm có nguy cơ cao tập trung tại các quận - huyện trọng điểm, gồm: Q.2 (2 vị trí), Q.4 (1 vị trí), Q.9 (1 vị trí), Q.Bình Thạnh (8 vị trí), Q.Thủ Đức (4 vị trí), H.Nhà Bè (17 vị trí), H.Cần Giờ (9 vị trí).
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TP.HCM đã có văn bản cảnh báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn TP từ tháng 3.2010. Theo văn bản này, hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, biển thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Đây là các tháng có mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm. Thời gian xảy ra sạt lở thường vào khoảng vài ngày đầu và giữa các tháng âm lịch, thời điểm xảy ra chân triều rút sâu làm gia tăng nguy cơ sạt lở vào khoảng từ 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng.
Công tác chống sạt lở triển khai quá chậm
Người dân tìm kiếm tài sản còn sót lại - Ảnh: Mai Vọng
Tiếp xúc với Thanh Niên chiều qua, ông Ngô Quang Mãnh, Giám đốc Khu Đường sông TP.HCM cho biết, dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4 đã được Sở GTVT phê duyệt phương án đầu tư với kinh phí 38 tỉ đồng, phần giải phóng mặt bằng do UBND Q.Bình Thạnh làm chủ đầu tư nhưng hiện vẫn chưa xúc tiến đền bù cho người dân mà mới chỉ thực hiện đo đạc nên người dân chưa di dời.
Theo ông Mãnh, việc triển khai chống sạt lở kênh Thanh Đa được chú ý từ lâu, chia làm 4 dự án nhưng đến nay chỉ mới Dự án chống sạt lở đoạn 1.1 từ chân cầu Kinh đến Doanh trại Quân đội thuộc P.25 thực hiện xong, dự án đoạn 1.3 (P.26) hiện mới giải phóng xong mặt bằng và dự kiến cuối năm nay mới khởi công. Hai dự án còn lại thì chưa xác định được ngày khởi công do chưa giải phóng mặt bằng và chưa được bố trí vốn.
Đình Mười
Mai Vọng