[/size] [size=2]Theo quy định, tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông được để lại toàn bộ cho lực lượng xử phạt sử dụng.[/size]
Trong bối cảnh hàng loạt thứ phí đang rình rập đánh vào ô tô, xe máy để lấy tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bảo dưỡng đường sá, nhiều người dân đặt câu hỏi: Vậy số tiền thu được từ xử phạt giao thông mỗi năm khoảng 2.500 tỉ đồng đã và đang được sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không?
Phạt bao nhiêu được để lại bấy nhiêu
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đạt 2.540 tỉ đồng. Theo quy định tại Nghị định 124/2005 và Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính, 100% số tiền phạt được để lại cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông với tỉ lệ: 70% trích cho lực lượng công an, 10% cho thanh tra giao thông, 10% cho Ban An toàn giao thông và 10% cho các lực lượng khác.
Cũng theo các văn bản trên, 60% - 80% số tiền trích cho lực lượng công an được sử dụng vào mục đích tuyên truyền, chỉ đạo tập huấn, tổ chức sơ kết công tác an toàn giao thông, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng…, còn lại là mua sắm thiết bị, xe cộ. Đối với các lực lượng khác như Ban An toàn giao thông, tiền trích lại chủ yếu chi cho hoạt động của ban, chi tuyên truyền, tổng kết, đào tạo nghiệp vụ an toàn giao thông…
Nhiều ý kiến cho rằng tiền xử phạt giao thông hiện đang thiếu công khai nên không thực hiện được việc giám sát. |
Lãnh đạo Ban An toàn giao thông cho biết, hằng năm ban sẽ căn cứ vào số tiền xử phạt thu được để lên kế hoạch chi tiêu. Trong đó chủ yếu chi vào việc in ấn tờ rơi, hỗ trợ các sở, ngành tuyên truyền an toàn giao thông, tổ chức lễ tổng kết, sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông; tổ chức tham quan học hỏi, mua báo. Khi được hỏi tại sao không sử dụng tiền đó vào mục đích cải tạo điểm đen tai nạn giao thông, vị lãnh đạo này cho biết việc cải tạo chủ yếu do Sở GTVT thực hiện và lấy tiền từ ngân sách.
Như vậy, có thể thấy hầu như không có đồng nào được chi vào việc sửa chữa, nâng cấp đường sá để bảo đảm thuận lợi cho mọi người đi lại, hạn chế, ngăn chặn tai nạn giao thông. Trong khi đó, để thực hiện những mục tiêu này, các cơ quan chức năng hiện chỉ chăm chăm nhắm vào túi tiền người dân thể hiện qua việc xây dựng một loạt các loại phí (phí sử dụng đường bộ thu từ ngày 1/6, phí hạn chế xe cá nhân đang được Bộ GTVT đề xuất).
Nghị định và thông tư né luật?
Với số tiền hàng ngàn tỉ đồng được để lại mỗi năm cho các lực lượng xử phạt tùy ý sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng việc chi tiêu này hiện đang thiếu công khai nên người dân đều không biết, không thực hiện được việc giám sát. Đây cũng là băn khoăn được nhiều đại biểu nêu lên tại phiên giải trình về vấn đề giao thông do Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức ngày 24/4 vừa qua.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định: Tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản mở tại kho bạc Nhà nước. Tương tự, Luật Ngân sách Nhà nước cũng quy định toàn bộ số tiền này phải nộp vào ngân sách Nhà nước và phân chia theo quy định chung của Luật Ngân sách Nhà nước. Trong đó, QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.
Giao quản lý lại… đem xài
“Việc sử dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước là công khai, minh bạch, rõ ràng. Vậy cơ sở pháp lý nào để Bộ Tài chính ban hành quy định trên? Hơn nữa, theo ý kiến của nhiều người, quy định của nghị định và thông tư này cũng không phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ngân sách Nhà nước” - ông Luyến đặt vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định việc ban hành các văn bản trên căn cứ vào Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, trong đó quy định rõ là giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt. Riêng với Luật Ngân sách Nhà nước, bà Minh cho hay tiền phạt vi phạm giao thông khi nộp phải quản lý qua kho bạc. Tiếp đó, phải có dự toán đầy đủ, phải có cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được sử dụng.
“Pháp lệnh chỉ giao cho Chính phủ quy định việc quản lý tiền đó chứ không giao cho việc sử dụng. Và theo chúng tôi hiểu, toàn bộ tiền này phải đưa vào ngân sách và sau đó phân bổ theo quy định pháp luật ngân sách chứ không phải đi tắt như thế” - ông Luyến đáp lại.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, do Bộ Tài chính không giải trình rõ nên Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ có buổi làm việc riêng về vấn đề này.
Bồi dưỡng CSGT tối đa 1,5 triệu đồng/tháng
Năm 2011, Công an tỉnh Đồng Nai xử phạt giao thông khoảng 180 tỉ đồng. Theo quy định, Công an tỉnh Đồng Nai được sử dụng khoảng 135 tỉ đồng (70% số tiền xử phạt). Trong đó, chi tiền xăng để lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ hơn 25 tỉ đồng.
Ngoài ra còn trang bị phương tiện, máy đo nồng độ cồn, camera giám sát, bồi dưỡng CSGT làm nhiệm vụ trên đường tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công an tỉnh Đồng Nai có kế hoạch lắp toàn bộ hệ thống camera giám sát ở TP Biên Hòa và các điểm “nóng” giao thông ở địa bàn tỉnh với kinh phí lên đến 100 tỉ đồng.
Thượng tá Phan Văn Cầm - Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai