Từ một thanh niên hoạt bát, trong tích tắc em trở thành tàn phế. Ánh mắt nhìn xa xăm nặng trĩu tâm tư, em ngồi đó với thân hình không còn nguyên vẹn. Hai cánh tay và chân trái của em đã bị cắt bỏ hoàn toàn trong một lần xả thân cứu bạn. Câu chuyện thương tâm xảy ra sáng 17/1/2009, khi Nguyễn Văn Tiến (17 tuổi) cùng người bạn trong xưởng nhôm kính đi lắp đặt cửa cho một khách hàng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi người bạn của Tiến khoan mũi đầu tiên thì bị luồng điện cao thế gần đó giật mạnh, hút vào. Thấy bạn bị điện giật, không chút ngần ngại Tiến lao vào cứu bạn. Người bạn thoát nạn thì luồng điện tử thần lại truyền sang người Tiến, giật mạnh và hút ngược em lên. Sau đó, Tiến bị rơi từ tầng 4 của căn nhà xuống mái bê tông tầng 3. Lúc này, toàn thân em bất động, Tiến chỉ thấy một mùi khét lẹt bốc lên mà không hề biết rằng mùi khét đó chính là mùi cháy trên cơ thể mình, rồi Tiến ngất xỉu ngay tại chỗ. Khi nghe tin xấu báo về, bố mẹ Tiến vội vã thu gom tất cả số tiền trong nhà được chưa đầy 1 triệu đồng để xuống với em. Bố mẹ em phải chia nhau chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mỗi người vài trăm ngàn để thêm tiền xuống viện chăm con. Mẹ Tiến tâm sự: “Khi nghe bác sỹ thông báo Tiến sẽ phải cắt bỏ hai cánh tay và bên chân trái thì mới cứu được tính mạng. Chúng tôi không tin vào tai mình, vợ chồng tôi bủn rủn khắp người, đứng cũng không vững, con mình đang lành lặn, hoạt bát bỗng chốc thành tàn phế, mất hết cả chân tay… thật quá xót xa”. Đến thăm Tiến tại Viện Bỏng quốc gia vào một buổi tối trời se lạnh, ấn tượng của chúng tôi về cậu thanh niên dũng cảm ấy là một chàng trai hiền lành với khuôn mặt thanh tú. Câu chuyện bị ngắt quãng nhiều lần do các vết thương chưa lành hẳn làm em đau nhức, nhưng cũng đủ để người nghe hiểu về em, một chàng trai tốt bụng, nghị lực và giầu lòng trắc ẩn. Mẹ Tiến xúc động kể: “Khi biết tin Tiến bị tai nạn, bạn bè và thầy cô giáo của em buồn lắm, cô chủ nhiệm gọi điện xuống hỏi thăm mà cứ nấc trên điện thoại. Cháu Tiến chơi với bạn bè luôn hết lòng, nên bị thế này ai cũng thương”. Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sỹ đã quyết định cắt bỏ 2 cánh tay và bên chân trái để cứu tính mạng em. Mắt rơm rớm, mẹ Tiến nghẹn ngào: “Cháu cứ khóc mãi sau khi tỉnh, đêm nằm cháu giật mình thon thót, nhiều lúc mồ hôi vã ra, cháu chưa hết bàng hoàng. Nhìn con đau đớn về thể xác, tổn thương về tinh thần tôi đau lòng không biết nói sao. Tuổi cháu còn trẻ quá, nó còn cả cuộc đời, sau này vợ chồng tôi già yếu cháu biết trông cậy vào ai. Giá gánh được khiếp nạn này cho cháu tôi xin tình nguyện”. Từ ngày bị nạn, mọi sinh hoạt của Tiến đều dựa vào người mẹ. Những ngày đầu trong bệnh viện, đêm nào cả nhà 3 người cũng ôm nhau khóc. Tiến mất ngủ nhiều vì những đau đớn sau các lần phẫu thuật, hơn thế nữa là nỗi đau về tinh thần, em mặc cảm mình là người tàn phế. Theo lời kể của cha mẹ em, cánh đây hơn 3 năm, khi đi chăn trâu, Tiến đã nhảy xuống sông cứu em Lê Văn Công người cùng xã. Lần đó cả hai đều suýt mất mạng vì Công chỉ kém Tiến có 2 tuổi nhưng lại to bằng Tiến. Bị Công ôm cổ chặt quá, Tiến không thở được và uống rất nhiều nước, may mắn sao cuối cùng Tiến cũng dìu em vào đến bờ, cả hai đều thoát chết. Từ đó gia đình em Công nhận Tiến là anh nuôi và vẫn đi lại như người trong nhà. Sau đó vài tháng, Tiến cứu em Trần Bích Phương, người cùng làng. Tiến kể lại: “Hồi đó là mùa hè, trên đường đi học về em Phương xuống sông tắm không may bị sa chân, em chăn trâu gần đó nghe tiếng kêu chạy lại và nhảy xuống vớt em ấy”. “Mong muốn lớn nhất của em là được đi làm, để có điều kiện giúp đỡ cha mẹ. Mẹ em quanh năm lam lũ nên người cứ gầy mòn dần, nhìn mẹ cực nhọc quá em muốn mình học nghề thật giỏi để sau này có điều kiện chăm sóc mẹ. Nhưng, bây giờ ngay cả bản thân mình em cũng không lo nổi, làm sao dám mong chăm sóc được ba mẹ nữa”, Tiến nhìn xa xăm với ánh mắt nặng trĩu tâm tư, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt trắng xanh. Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm khoa hồi phục chức năng Viện Bỏng quốc gia thì phần cẳng chân cụt của Tiến chưa co duỗi lại được do bị tổn thương sâu về khớp, gân và các vùng cơ quanh đó. Em phải tập luyện ít nhất 6, 7 tuần mới co duỗi được. Sau thời gian điều trị khoảng 2 tháng nữa, nếu các vết thương lành thì gia đình có thể lắp chân giả. Số tiền để lắp chân, tay giả là trên 40 triệu, một con số quá lớn với gia đình nghèo như gia đình Tiến. Bác sỹ Hùng nói thêm: “Tuy đã nhiều năm công tác trong bệnh viện, những trường hợp bị nặng chúng tôi đã gặp nhiều, nhưng bệnh nhân mất cả hai cánh tay, và chân thế này thì dù có được lắp chân tay giả cũng rất khó đi lại được vì cơ thể mất thăng bằng”. Khi được hỏi ước mơ lớn nhất của em bây giờ là gì, Tiến dè dặt nói: “Trước đây, em muốn được đi làm để giúp đỡ bố mẹ, nhưng giờ thì… em lại là gánh nặng cho cả gia đình. Em mong có điều kiện được lắp chân, tay giả để có thể tự đi lại phục vụ các sinh hoạt thường ngày của bản thân”. Theo Dân Trí | |