Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội
Bắc Kinh cảnh báo Mỹ không được quốc tế hóa vấn đề biển Đông
VIT - Ngày 25/7, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ không được quốc tế hóa vấn đề biển Đông đồng thời chỉ trích những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm thiết lập một quy trình pháp lý chính thức giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia châu Á về chủ quyền tại vùng biển này.
[justify]Mỹ không nên quốc tế hóa vấn đề biển Đông, việc này chỉ có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết trong một tuyên bố đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Dương Khiết Trì cho rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp liên quan đến biển Đông là thông qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan.
“Thực tế quốc tế cho thấy, cách tốt nhất để giải quyết những loại tranh chấp này là thông qua các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước có liên quan,” ông nói.
Theo ông, biển Đông hiện tại đang là một khu vực hòa bình và cho biết thêm là ASEAN không phải là diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề này. Trung Quốc và một số nước ASEAN có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải bởi vì chúng tôi là những nước láng giềng, chứ không phải bởi vì những nước này là thành viên của ASEAN mà có thể cho rằng đây là tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN, ông nói.
Tuyên bố của ông Dương Khiết Trì diễn ra 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội cùng có sự tham gia của Trung Quốc và hơn 10 quốc gia khác rằng việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông có “ý nghĩa sống còn” đối với sự ổn định trong khu vực.
Bà Clinton cho biết Mỹ đã ngày càng quan ngại về những tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ gây tranh cãi tại biển Đông. Trong lịch sử, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Philippine từng nhiều lần tranh chấp đối với các đảo và đảo san hô tại khu vực này.
Việc tranh chấp đã làm gia tăng quan ngại rằng quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh có thể sẽ tìm cách thống trị các vùng biển ở châu Á. Căng thẳng đã gia tăng khi các công ty Trung Quốc tăng cường thăm dò và khai thác tại vùng biển này để tìm kiếm các nguồn năng lượng và khoáng sản mới.
Bà Clinton cho biết Washington đang tìm cách phối hợp với các quốc gia ASEAN, Trung Quốc và các quốc gia khác để soạn thảo một cơ chế quốc tế nhằm giải quyết những tranh chấp này. Bà cho biết quá trình này cần được thể chế hóa thông qua ASEAN và dựa trên Luật biển Quốc tế.
"Mỹ ủng hộ quá trình ngoại giao cộng tác của tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền để giải quyết nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ mà không ép buộc," bà Clinton nói với các phóng viên khi kết thúc Diễn đàn Khu vực Asean tại Việt Nam. "Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực của bất kỳ nước tuyên bố chủ quyền nào."
Các quan chức Mỹ đi cùng bà Clinton thừa nhận hôm 23/7 rằng Bắc Kinh đã bày tỏ sự phản đối hành động này của Washington trong cuộc hội đàm tại Việt Nam. Họ cho biết các quan chức Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh tin rằng bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết trên cơ sở song phương và không được quốc tế hóa. “Trung Quốc không muốn quá trình này bị quốc tế hóa,” một quan chức cao cấp Mỹ đi cùng với bà Clinton cho biết.
Các quan chức Việt Nam, Philippine và Malaysia đã lên tiếng bài tỏ quan ngại với Washington về việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quan chức Mỹ cho biết. Theo họ có ít nhất 12 nước châu Á tại diễn đàn ở Hà Nội hôm 23/7 đã ủng hộ thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Bà Clinton còn cho biết chính quyền Obama cam kết sẽ tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự một hội nghị thượng đỉnh vào mùa thu này tại Washington. Bà Clinton sẽ trở lại Hà Nội vào tháng 10 để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
[/justify]
Quyết Thắng (Theo WSJ, Bangkokpost)