Ánh chiều vàng nhạt về trên phân trại 2, trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), người đàn ông trong bộ áo tù đi qua lại, đôi tay thoăn thoắt xếp mớ giấy tuôn ra từ máy photocopy trong phòng làm việc của quản giáo. “Lê Thanh Tùng đấy, một trong những phạm nhân có học vấn cao nhất tại phân trại chúng tôi”, cán bộ quản giáo nói.
Người phạm nhân 39 tuổi tựa lưng vào chiếc ghế đá. Đôi mắt anh nhìn xa xăm khi nhắc lại quá khứ buồn và nguồn cơn đưa đẩy mình vào chốn lao tù bằng bản án chung thân.
Anh bảo thời sinh viên để ý và yêu thương Hoa, cô bạn học chung lớp kém 2 tuổi. Cả hai đều hiểu để vun đắp hạnh phúc thì cần có một sự nghiệp vững chắc. Vậy là anh sinh viên ngành điện tử viễn thông quyết định học và lấy thêm một bằng kỹ sư khác về công nghệ thông tin - ngành "hot" nhất thời điểm ấy.[/justify]
Phạm nhân Tùng rưng rưng kể lại câu chuyện đời mình. Ảnh: Quốc Thắng. |
[justify]Năm 2000, sau 4 năm đèn sách, Tùng ra trường với hai tấm bằng kỹ sư nên dễ dàng tìm được công việc tại tại Cục thống kê TP HCM. Hoa thì có chân trong một công ty nước ngoài với mức lương đáng mơ ước lúc bấy giờ. Có được công việc ưng ý, hai người đi đến hôn nhân. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ vừa đi làm vừa tranh thủ dạy thêm vào buổi tối để tăng thu nhập.
Đến năm 2003, gia đình nhỏ hoan hỉ đón một thành viên mới là cậu bé trai kháu khỉnh. Niềm vui như tăng gấp bội khi cũng trong năm này, vợ chồng Tùng mua được nhà riêng sau nhiều năm lao động cật lực.
Để thay đổi môi trường làm việc, Tùng vào làm tại một công ty tư nhân với một mức lương khá cao. Thời gian làm việc vì thế cũng nhiều hơn trước. Anh ngày càng ít thời gian chăm sóc vợ con. Riêng Hoa cũng trang bị thêm kiến thức cho mình khi tham gia lấy thêm bằng quản trị kinh doanh của Đại học Kinh Tế TP HCM.
Cũng lúc này cha Tùng bị bệnh nặng phải nhập viện. Nên ngoài việc đi làm, anh phải túc trực chăm sóc cha. Một đêm, do có người thân ở lại bệnh viện, anh tranh thủ về nhà ngủ với vợ con. Đang thay quần áo thì Tùng phát hiện điện thoại của vợ liên tục đổ chuông. Đã khuya, sợ con tỉnh giấc nên Tùng bắt máy nhưng bên kia im bặt. Anh gọi lại số điện thoại trên thì một giọng nam trả lời. Khi Tùng hỏi thì bên kia đột ngột gác máy.
Nghi ngờ vợ có quan hệ mờ ám, Tùng dùng kiến thức công nghệ viết một chương trình theo dõi và âm thầm cài vào điện thoại của chị Hoa. Từ đó, thông tin về mọi cuộc gọi, tin nhắn đều được báo về máy của Tùng.
Hàng đêm ngủ tại viện chăm sóc cha nhưng Tùng biết được vợ thường trò chuyện, nhắn tin với số điện thoại lần trước vào nửa đêm đến sáng. Anh không tra hỏi Hoa nhưng thuê người theo dõi cô nhằm hiểu rõ mối quan hệ này.
Đến một ngày, việc theo dõi cũng mang lại kết quả mà Tùng không hề mong muốn. Anh xe ôm đưa ra bằng chứng vợ anh đang quan hệ lén lút với người đàn ông khác.
Tùng hỏi vợ. Hoa khóc lóc thừa nhận đang lén lút quan hệ với một bạn học kém mình 4 tuổi tại lớp quản trị kinh doanh. Cô xin chồng tha thứ và chấp nhận tạm ngưng một học kỳ để cắt đứt với người kia.
Cuộc sống gia đình yên ổn thêm một thời gian. Đến tháng 9/2005, nỗi đau dần nguôi ngoai, Tùng để Hoa tiếp tục theo lớp quản trị kinh doanh. Nhưng một lần nữa người vợ lại đi vào vết xe đổ, tiếp tục vụng trộm.
Người chồng nhiều lần khuyên nhủ nhưng Hoa không nghe mà đâm ly dị. Tòa gửi giấy mời Tùng lên giải quyết nhưng vì thương con nên anh nhất quyết không đồng ý. "Chiến tranh lạnh" kéo dài nhiều tháng trời.
Đến một ngày giữa tháng 1/2006. Sau khi đi nhậu cùng bạn về, Tùng lên gác ngủ vùi, mặc Hoa và con ở dưới nhà. Rạng sáng tỉnh giấc, Tùng xuống dưới nhà thì thấy Hoa ngủ say trong khi bình sữa bên cạnh con vẫn còn nguyên. Nghĩ cô không quan tâm con cái, lại nhớ về chuyện bị phản bội nên Tùng rất tức giận. Anh ta lấy dây điện cắm vào ổ rồi chích vào người Hoa. Người vợ chết ngay sau đó.
"Nỗi ân hận đã khiến tôi ra tòa không nói ra sự thật. Chẳng có gì để biện minh khi tội lỗi mình gây ra quá lớn. Tôi không đưa ra những chứng cứ vợ mình ngoại tình để mong tòa giảm án chung thân bởi tôi biết có thể sẽ khiến con thêm đau khổ", người đàn ông buồn bã thở dài.
Tùng vào trại, cậu con trai được bà ngoại nuôi dưỡng nhưng không cho nó vào thăm người bố. Rồi trong những lần được về nhà nội chơi, mẹ anh đã dắt con trẻ vào thăm cha. Lần nào, Tùng cũng xin phép cán bộ trại được mặc bộ quần áo thường mà mẹ mang lên để thằng bé khỏi sợ hãi. Anh không muốn đứa con côi cút phải mặc cảm có cha là tội phạm. Anh cũng biết không thể mãi che đậy sự thật, nhưng hiện giờ anh chưa đủ dũng cảm để đối diện với con.
Thụ án được hơn 5 năm, với kiến thức của mình, Tùng được cán bộ trại cho phụ việc trông coi bảo trì máy móc. Anh bảo mong muốn lúc này là cải tạo thật tốt để được giảm án về với gia đình, tạ tội với vợ và được chăm sóc con.
“Tội lỗi thì tôi phải trả giá. Chỉ lo thằng bé sẽ thế nào khi biết cha mình chính là kẻ giết mẹ. Liệu nó có chịu nổi không? Thằng bé còn quá nhỏ…”, phạm nhân Tùng rưng rưng nước mắt.
* Tên nạn nhân được thay đổi.[/justify]