Đêm tân hôn, các cặp “tân lang, tân nương” của thành phố Thụy Tân (Trung Quốc) đều chìm đắm trong giấc ngủ ngọt ngào hạnh phúc. Khi ấy, một kẻ lạ mặt lặng lẽ “nhập động phòng”, nhưng không phải để chúc phúc cho đôi trẻ…
Trong đêm tân hôn, các cặp vợ chồng thường ít đề phòng trộm “ghé thăm” Ngày 6-4-2005, gia đình ông Chu Hải (tên nhân vật đã thay đổi) tổ chức cưới vợ cho con trai. Khách mời lên tới gần 1.000 người, suốt 1 ngày trời trong nhà ngoài sân nhộn nhịp, mọi người ai cũng hoan hỷ chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ.
Đêm hôm đó, cặp vợ chồng mới cưới… tắt đèn đi ngủ sớm vì quá mệt, tất cả tiền mừng, quà mừng, đồ trang sức gom lại một chỗ để ngày mai kiểm đếm. Nhưng sáng hôm sau, khi thức dậy, 2 vợ chồng bàng hoàng vì mọi thứ đồ đáng giá đều đã… không cánh mà bay.
Vụ việc xảy ra ở gia đình ông Chu Hải chỉ là một trong những vụ trộm “động phòng” ở Thụy Tân. Bắt đầu từ tháng 8 năm 2004, cảnh sát khu Hải Châu, thành phố Thụy Tân liên tục nhận được tin báo từ những đôi vợ chồng trẻ: vào đêm tân hôn, tất cả tiền mừng đám cưới, đồ trang sức và vật phẩm quý giá để trong phòng cưới của họ đã bị kẻ gian “ẵm” sạch.
Khám nghiệm hiện trường cho thấy các vụ trộm này đều do một thủ phạm gây ra, kẻ trộm đột nhập qua cửa sổ, nhưng rõ ràng đây là tên trộm có “tay nghề” cao, hành động hết sức “sạch sẽ” nên cảnh sát hầu như không thu được manh mối gì.
Vụ án được giao cho nhiều trinh sát giỏi và có kinh nghiệm, tuy nhiên tiến trình điều tra hầu như dậm chân tại chỗ. Các cơ quan chức năng chỉ còn biết “tuyên truyền” cho các gia đình cảnh giác, còn tên trộm vẫn tiếp tục “hỏi thăm” các cặp uyên ương, ra vào các phòng cưới như chốn… không người.
Giăng lưới
Cho tới đầu năm 2006, phía cảnh sát mới có tài liệu để nhận định nghi phạm là Cát Đông, kẻ có 2 tiền án về tội trộm cắp và cố ý gây thương tích. Một nhóm trinh sát được bố trí giám sát nhà Cát Đông, tuy vậy tên trộm này rất cảnh giác: Ở cửa nhà hắn bao giờ cũng kẹp một mảnh giấy, khi về tới nơi việc đầu tiên là kiểm tra từ xa, nếu mảnh giấy bị rơi là trốn ngay. Dường như Cát Đông cũng đã nhận thấy hành tung mình bị lộ nên đi biệt luôn, không về nhà nữa. Cảnh sát chỉ còn nhận được tin về hắn khi nơi nào đó xảy ra một vụ trộm “động phòng”.
Ngày 31-1-2007, cảnh sát quyết định giăng mẻ lưới, không để tên trộm “trứ danh” này tung hoành lâu hơn. Nhân đám cưới linh đình của con trai 1 gia đình giàu có trong vùng, vài người “họ hàng xa” đã ở lại qua đêm để tiếp tục “chia vui” với đôi bạn trẻ. 2h sáng 1-2, bốn bề xung quanh vắng lặng. Trong phòng tân hôn chỉ còn tiếng thở đều đều của cặp vợ chồng mới cưới. Đúng như dự đoán, vị khách “không mời mà đến” đã xuất hiện, nhưng lần này hắn đã không thoát.
Tại trụ sở công an, Cát Đông thừa nhận ngay: “Tất cả các vụ trộm đêm tân hôn ở thành phố đều do tôi thực hiện”. Trong hơn 3 năm, Cát Đông đã tiến hành trót lọt hơn 150 phi vụ, sơ bộ ước tính số tiền mà hắn lấy trộm được khoảng 50 vạn NDT (tương đương 1,2 tỷ VNĐ).
Cát Đông khai, chuỗi hành động của hắn xuất phát từ việc em trai mình bị trộm “hỏi thăm” đêm tân hôn. Khi ấy hắn nghĩ, sau đám cưới cô dâu chú rể thường được rất nhiều tiền mừng và các quà tặng có giá trị, hơn nữa sau 1 ngày bận rộn chắc sẽ mệt lừ, đêm đó sẽ không đề phòng gì, khả năng lấy trộm thành công sẽ rất cao. Từ đó, hàng ngày Cát Đông lang thang khắp nơi tìm đám cưới.
Ban đầu hắn chỉ lấy trộm ở các nhà tầng trệt, sau đó phát hiện ra trèo vào từ ban công cũng không khó lắm, nên đến nay, dù nhà ở tầng mấy hắn cũng trèo lên được. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, Cát Đông còn cười và giảng giải về kinh nghiệm phòng chống đột nhập của mình: “Nếu cửa sổ của các căn hộ được lắp chấn song thì cách gì cũng không vào được”.